Nâng tầm chuyển đổi số ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một loạt biện pháp trong mục tiêu nâng cao hơn nữa mức độ chuyển đổi số ngành ngân hàng đã và đang được thực hiện. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về nội dung này.
Nâng tầm chuyển đổi số ngành ngân hàng

Dữ liệu là nền tảng cho chuyển đổi số. Ở bình diện quốc gia đã có những dự án rất lớn về dữ liệu dân cư, với ngành ngân hàng thì việc kết nối hệ thống với hệ thống, đồng thời chuẩn hóa lại dữ liệu trước đây đang được thực hiện như thế nào ở cấp trung ương và tại các ngân hàng thương mại, thưa Phó Thống đốc?

Sự phát triển sâu rộng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những thay đổi lớn lao, không chỉ biến đổi kinh tế mà cả văn hóa, chính trị, xã hội một cách toàn diện. Trong quá trình phát triển đó, dữ liệu đã và đang trở thành một nguồn “tài nguyên mới”, là yếu tố quan trọng mang tính quyết định trong tiến trình chuyển đổi số.

Triển khai “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Thủ tướng Chính phủ cũng lựa chọn năm 2023 là Năm Dữ liệu số quốc gia với mục tiêu tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới.

Đối với ngành ngân hàng, phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số là 1 trong 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ngành ngân hàng tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Dữ liệu không chỉ giúp ngân hàng xác thực, định danh khách hàng, mà còn thông qua các ứng dụng công nghệ để phân tích, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng, từ đó đưa ra quyết định trong phát triển, cung ứng sản phẩm - dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)

Thời gian qua, xác định vai trò quan trọng của dữ liệu trong chuyển đổi số ngân hàng, NHNN đã thường xuyên rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối, khai thác dữ liệu, ứng dụng công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật thanh toán trong hoạt động ngân hàng.

Ngày 18/2/2022 Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 170/QĐ-NHNN thành lập Tổ công tác của ngành ngân hàng triển khai Đề án 06 và Quyết định số 171/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch của ngành ngân hàng triển khai Đề án 06 với 2 nhóm nhiệm vụ chính, đó là kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (cơ sở dữ liệu dân cư) phục vụ dịch vụ công và các nghiệp vụ của NHNN; đồng thời kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành ngân hàng.

Theo đó, ngày 24/4/2023, NHNN và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp 01/KHPH-BCA-NHNNVN triển khai Đề án 06 gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn, 35 nhiệm vụ cụ thể. Về kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu quốc gia dân cư, các nhóm nhiệm vụ được thể hiện dưới góc độ chính như sau: Nhóm nhiệm vụ thứ nhất, làm sạch các dữ liệu trước đây mà ngành ngân hàng đã mở tài khoản, cung ứng dịch vụ ngân hàng cho khách hàng bằng chứng minh thư nhân dân hay căn cước công dân chưa gắn chíp; nhóm nhiệm vụ thứ hai, xác thực khách hàng khi khách hàng đến đăng ký sử dụng dịch vụ mới; nhóm nhiệm vụ thứ ba, khi khách hàng thực hiện giao dịch, sử dụng dịch vụ ngân hàng thì đảm bảo được định danh khách hàng đó một cách chính xác.

Quá trình triển khai đã đạt một số kết quả tích cực. Cụ thể, NHNN là một trong những cơ quan đã đảm bảo an toàn kết nối cơ sở dữ liệu dân cư trong triển khai hệ thống dịch vụ công.

Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an đã thống nhất chọn phương án kết nối offline để làm sạch hồ sơ khách hàng trong kho dữ liệu của CIC và phương án online qua API để làm sạch các hồ sơ khách hàng phát sinh hàng tháng. Hiện CIC đã phối hợp với C06 thực hiện 4 đợt rà soát, hoàn thành đối chiếu dữ liệu của 42 triệu hồ sơ khách hàng.

Về phía các tổ chức tín dụng (TCTD), có 44 TCTD đang phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép triển khai giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip; 35 TCTD đã và đang triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán; 13 TCTD đã và đang liên hệ với C06 để ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeiD).

Mới đây, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng xem xét, quyết định áp dụng theo thẩm quyền giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong đánh giá khách hàng vay do Bộ Công an cung cấp phục vụ hoạt động cho vay nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân; góp phần đơn giản hóa, rút ngắn quy trình thủ tục cho vay đi đôi với việc tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Ngân hàng là một trong các ngành đi đầu về chuyển đổi số tại Việt Nam, nhưng quá trình triển khai đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Để đẩy nhanh quá trình này, thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tập trung vào các nội dung nào, thưa ông?

Sớm nhận diện được các thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số, NHNN đã khẩn trương triển khai nhiều chủ trương, định hướng thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của ngành như:

Thứ nhất, thường xuyên chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng cốt lõi của ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng dữ liệu thông tin tín dụng…;

Thứ hai, ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN năm 2021) và thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của ngành do Thống đốc là Trưởng ban;

Thứ ba, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn việc cung ứng dịch vụ ngân hàng bằng phương tiện điện tử (mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, cho vay, bảo lãnh,…); đồng thời tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định Thanh toán không dùng tiền mặt; rà soát, sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng dự kiến bổ sung các quy định để triển khai chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số;

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để triển khai các nhiệm vụ liên ngành như việc thúc đẩy ứng dụng dữ liệu dân cư tại Đề án 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để làm sạch dữ liệu khách hàng và góp phần phòng, chống rủi ro gian lận, giả mạo…

Trước những nỗ lực đó, hoạt động chuyển đổi số của ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam được dự đoán có tốc độ tăng trưởng kinh tế số cao nhất (đạt 31% so với 20% của Philippines, 19% của Indonesia…) và tốc độ tăng trưởng về khối lượng thanh toán xếp thứ ba (đạt 13% so với 17% của Indonesia, 18% của Phillippines). Theo số liệu của Statista, Việt Nam có số lượng người sử dụng ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di động xếp thứ hai trên thế giới (đạt 30% so với 41% của Trung Quốc). Còn theo Backbase, khối lượng thanh toán qua điện thoại di động của Việt Nam được dự báo tăng trưởng 300% trong giai đoạn 2021-2025.

Mặc dù vậy, quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức như tốc độ phát triển mạnh mẽ của các xu hướng công nghệ mới mang lại nhiều sản phẩm - dịch vụ, mô hình kinh doanh mới đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải không ngừng được nghiên cứu hoàn thiện. Bên cạnh đó, rủi ro an ninh mạng ngày càng gia tăng khiến công tác đảm bảo an ninh, an toàn ngày càng trở nên khó khăn, đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực...

Để tiếp tục đẩy nhanh quá trình này, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vào các nội dung sau:

Một là, sau 2 năm triển khai, NHNN sẽ tiến hành tổng kết giữa kỳ Quyết định 810/QĐ-NHNN nhằm đánh giá kết quả đạt được, xác định các hạn chế, thách thức còn tồn tại, cũng như điều chỉnh lại một số chỉ tiêu để phù hợp với tình hình hiện nay (do một số chỉ tiêu đã vượt qua hoặc đạt được trước năm 2025).

Hai là, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đặt ra tại Kế hoạch phối hợp 01/KHPH-BCA-NHNNVN ngày 24/4/2023 giữa NHNN và Bộ Công an để triển khai Đề án 06/QĐ-TTg, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ làm sạch dữ liệu khách hàng tại các TCTD với dữ liệu dân cư; ứng dụng căn cước công dân gắn chip điện tử và ứng dụng VNeID để xác minh chính xác thông tin khách hàng cho các trường hợp sử dụng tại quầy và qua ứng dụng điện thoại...

Ba là, tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin; đồng thời tuyên truyền nâng cao kiến thức, hiểu biết, kỹ năng sử dụng các dịch vụ ngân hàng một cách an toàn, hiệu quả…

Việc đưa dữ liệu lên “đám mây” (cloud) đang được một số ngân hàng thương mại triển khai mạnh mẽ. Việc đảm bảo an toàn thông tin trong môi trường mạng được NHNN giám sát như thế nào, thưa ông?

Ở vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, NHNN đã ban hành Thông tư số 18/2018/TT-NHNN ngày 21/8/2018 quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng (được thay thế bởi Thông tư số 09/2020/TT-NHNN ngày 21/10/2020), có những quy định nhằm đảm bảo an toàn thông tin khi ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây tại các đơn vị trong ngành và quy định về báo cáo NHNN để theo dõi, giám sát.

Theo đó, TCTD trước khi sử dụng dịch vụ điện toán đám mây phải thực hiện đánh giá rủi ro theo quy định tại Thông tư 09/2020/TT-NHNN và gửi báo cáo đánh giá rủi ro cho NHNN (qua Cục Công nghệ thông tin).

Thông tư 09/2020 cũng quy định tiêu chí về nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như phải là doanh nghiệp; có hạ tầng công nghệ thông tin tương ứng với dịch vụ mà tổ chức sử dụng đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam và có chứng nhận quốc tế còn hiệu lực về bảo đảm an toàn thông tin. Đồng thời, quy định về nội dung hợp đồng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, trong đó có các nội dung như dữ liệu phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ là tài sản của ngân hàng.

Khi chấm dứt sử dụng dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ phải thực hiện trả lại hoặc hỗ trợ chuyển toàn bộ dữ liệu triển khai và dữ liệu phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ về cho ngân hàng; nhà cung cấp dịch vụ phải cam kết hoàn thành việc xóa toàn bộ dữ liệu của tổ chức trong một khoảng thời gian xác định… Dữ liệu của ngân hàng phải được tách biệt với dữ liệu của khách hàng khác sử dụng trên cùng nền tảng kỹ thuật do nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cung cấp.

Đối với việc bảo đảm an toàn dữ liệu và hoạt động liên tục, trường hợp có cả hệ thống thông tin chính và dự phòng đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam (trường hợp đưa hết hệ thống lên “đám mây” nước ngoài), giai đoạn từ 2018-2020 (theo Thông tư 18/2018/TT-NHNN), TCTD phải thực hiện lưu trữ thông tin cá nhân, dữ liệu giao dịch của khách hàng tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam. Từ 2021 đến nay (theo Thông tư 09/2020/TT-NHNN), TCTD phải xây dựng phương án bảo đảm hoạt động liên tục trong trường hợp bị gián đoạn đường truyền kết nối với các hệ thống thông tin chính và dự phòng.

Liên quan đến vấn đề kiểm tra, đánh giá hàng năm, hệ thống thông tin sử dụng dịch vụ điện toán đám mây phải đánh giá sự tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin của bên thứ ba theo đúng thỏa thuận đã ký kết; thực hiện đánh giá sự tuân thủ định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi có nhu cầu. Việc đánh giá tuân thủ có thể sử dụng kết quả kiểm toán công nghệ thông tin của tổ chức kiểm toán độc lập.

Ngoài ra, hàng năm, NHNN sẽ thực hiện kiểm tra tại một số TCTD về công tác bảo đảm an toàn thông tin để kịp thời phát hiện, chỉ đạo xử lý các rủi ro trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây trong hoạt động ngân hàng nói riêng.

Quay trở lại với Đề án 06, hiện NHNN đã “làm sạch” dữ liệu 42 triệu hồ sơ vay vốn khách hàng, nhưng chắc chắn không phải chỉ có con số này. Ông có thể chia sẻ các mục tiêu khác đã đạt được của Đề án và kế hoạch tiếp theo trong thời gian tới của NHNN để triển khai hiệu quả Đề án?

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen” và ngành ngân hàng cũng đã triển khai nhiều giải pháp để phòng chống “tín dụng đen”. Việc sử dụng dữ liệu căn cước công dân đánh giá khả tín khách hàng vay cho phép các ngân hàng tiếp cận với nguồn dữ liệu tin cậy, giúp ngân hàng có thêm thông tin trong quá trình ra quyết định cho vay, qua đó góp phần đẩy lùi tệ nạn “tín dụng đen”.

NHNN đã và đang thực hiện các biện pháp để tối ưu hóa hệ thống dữ liệu khách hoàn trong toàn ngành, tạo điều kiện cho việc quản lý dữ liệu một cách thống nhất và thông suốt trong ngành ngân hàng. Như tôi đã nói ở trên, NHNN đã cùng với Bộ Công an ký kết Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN ngày 24/04/2023 triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06. Bên cạnh đó, NHNN đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành triển khai đề án này.

Về phía các TCTD, triển khai Kế hoạch năm 2023 của ngành ngân hàng và Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và NHNN, nhiều TCTD đang phối hợp với Bộ Công an triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, ứng dụng dữ liệu căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VneID trong làm sạch dữ liệu và cung cấp các dịch vụ.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, trong công tác đào tạo, phổ biến kiến thức, có 19 TCTD đã phối hợp với C06 tổ chức công tác đào tạo nội bộ về nhận biết căn cước công dân thật/giả bằng mắt thường và bằng thiết bị chuyên dụng; 7 TCTD đang phối hợp với C06 triển khai ứng dụng chấm điểm tín dụng; 6 TCTD phối hợp C06 rà soát tài khoản nghi ngờ, giả mạo phục vụ phòng, chống tội phạm và tích xanh tài khoản đảm bảo trên nền tảng dữ liệu dân cư, xác thực thông tin đa chiều. Về hoạt động chi trả an sinh xã hội, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và C06 đã, đang thực hiện thử nghiệm với các ngân hàng BIDV, VietinBank và Nam A Bank.

Đáng chú ý, cũng liên quan đến việc triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, phần lớn các ngân hàng đã xây dựng kho dữ liệu tập trung (data warehouse). Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, học máy... nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa, tự động hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm - dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao, rút ngắn thời gian xử lý, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, trải nghiệm khách hàng.

Đến nay, CIC đã hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin kết nối cơ sở dữ liệu dân cư và được phê duyệt cấp độ an toàn cho hệ thống thông tin, hiện đang thực hiện các thủ tục đề nghị Bộ Công an kiểm tra an toàn, bảo mật hệ thống để được cấp phép kết nối. NHNN đang tiếp tục triển khai hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống ứng dụng khai thác cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ nghiệp vụ phòng chống rửa tiền.

Để tiếp tục đôn đốc các đơn vị trong ngành triển khai Đề án 06, ngày 27/10/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 trong ngành ngân hàng.

Tiếp nối những kết quả đạt được, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch chuyển đổi số và Đề án 06 của ngành ngân hàng, trong đó tập trung:

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số, bao gồm các chính sách về kết nối, khai thác dữ liệu;

Thứ hai, đảm bảo các hệ thống ứng dụng ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái số để phục vụ thanh toán trực tuyến với dịch vụ liền mạch, tiện ích;

Thứ ba, tăng cường công tác đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin và tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng, tiếp cận các dịch vụ ngân hàng một cách an toàn.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục