Ngân hàng được giãn nợ, giảm hệ số rủi ro với nhiều dự án bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
Nghị quyết số 33/NQ-CP, ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững đã “mở” cơ chế cho các ngân hàng thương mại được giãn nợ cho doanh nghiệp bất động sản, hạ hệ số rủi ro với một số phân khúc, từ đó tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Thanh khoản khá dồi dào, nhiều ngân hàng sẵn sàng rót vốn cho các dự án bất động sản khả thi, có pháp lý đầy đủ Thanh khoản khá dồi dào, nhiều ngân hàng sẵn sàng rót vốn cho các dự án bất động sản khả thi, có pháp lý đầy đủ

Gỡ nhiều vướng mắc về tín dụng, trái phiếu

Nghị quyết số 33/NQ-CP đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp.

Về tín dụng, các giải pháp đáng lưu ý mà Nghị quyết đưa ra là: tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…); tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên các dự án bất động sản nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch…

Đặc biệt, Nghị quyết cũng chính thức thông qua Chương trình Tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng với chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất thị trường (Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình).

Ngoài ra, Nghị quyết cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tiềm năng của từng dự án và loại hình phân khúc bất động sản để xem xét điều chỉnh các điều kiện cho vay mà không đánh đồng chính sách với các dự án có những rủi ro.

Nói cách khác, về nguồn vốn tín dụng, ngoài gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Nghị quyết đã “mở” cơ chế cho các ngân hàng thương mại được giãn nợ cho các doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng có cơ sở để giảm bớt điều kiện cho vay, hạ hệ số rủi ro với một số phân khúc bất động sản có độ rủi ro thấp, từ đó tăng khả năng tiếp cận vốn cũng như hạ lãi suất cho doanh nghiệp bất động sản.

Doanh nghiệp sốt ruột chờ hướng dẫn

Bộ Xây dựng nên phân loại bất động sản theo các nhóm có mức độ rủi ro khác nhau như nhà ở xã hội, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp… Trên cơ sở phân loại của Bộ Xây dựng, NHNN sẽ điều chỉnh lại hệ số rủi ro cho phù hợp… Về lâu dài, vốn cho thị trường bất động sản cần phát triển cân bằng, giảm lệ thuộc vào vốn ngân hàng, tăng các kênh huy động vốn khác, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

Theo các doanh nghiệp bất động sản, Nghị quyết số 33/NQ-CP đã mở ra triển vọng khai thông thế kẹt dòng vốn cho thị trường, nhưng để Nghị quyết đi vào cuộc sống, vẫn cần các hướng dẫn cụ thể hơn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, gói 120.000 tỷ đồng là “liều thuốc bổ” với thị trường.

“Mong rằng, NHNN và Bộ Tài chính nhanh chóng đưa ra hướng dẫn cụ thể về điều kiện, đối tượng tiếp cận nguồn vốn này. Theo tôi, ngoài nhóm đối tượng phát triển nhà ở xã hội, giá rẻ, thì cũng nên cho cả các dự án bất động sản đang ở giai đoạn gần hoàn thành, nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn được tiếp cận chương trình này, kể cả đó là dự án nhà trung và cao cấp. Khi đó, dòng vốn sẽ được gỡ nghẽn”, ông Đính kiến nghị.

Tuy nhiên, gói 120.000 tỷ đồng có thể chưa được giải ngân ngay, dù nguồn tiền của các ngân hàng đã sẵn sàng. Lý do là vẫn phải chờ Bộ Xây dựng đưa ra tiêu chí về đối tượng tiếp cận vốn. Ngoài ra, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… vẫn còn hạn chế và không thể cấp phép ngay cho các dự án trong một sớm, một chiều.

Giải pháp “cấp cứu” được nhiều doanh nghiệp mong đợi sẽ được ngân hàng vào cuộc tích cực nhất hiện nay theo quy định của Nghị quyết số 33/NQ-CP là giãn nợ. Mới đây, các tập đoàn bất động sản lớn cũng đồng loạt đề nghị NHNN cho phép cơ cấu nợ, giãn nợ.

NHNN tán thành với ý kiến cho rằng, Bộ Xây dựng cần rà soát, xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án nào gắn với sản xuất - kinh doanh, thương mại - dịch vụ, thì sẽ có ứng xử về các giải pháp tháo gỡ riêng.

Việc điều chỉnh lại hệ số rủi ro bất động sản cũng được doanh nghiệp hoan nghênh. Đại diện Vingroup cho hay, hiện hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản được áp dụng chung ở mức 200%. Tuy nhiên, mức độ rủi ro tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, từng dự án. Với các dự án đầy đủ cơ sở pháp lý, sẽ không có nhiều rủi ro. Việc áp dụng hệ số rủi ro cao cào bằng sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng nhấn mạnh, việc phân loại bất động sản để điều chỉnh hệ số rủi ro với bất động sản là rất cần thiết.

Như vậy, hàng loạt vướng mắc về tín dụng đã và sắp được tháo gỡ, mang lại nhiều hy vọng cho doanh nghiệp bất động sản. Hiện nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng khá dồi dào, nhiều ngân hàng sẵn sàng rót vốn cho các dự án bất động sản khả thi, có pháp lý đầy đủ. Tuy vậy, ngay cả khi NHNN “bật đèn xanh”, số dự án đáp ứng được điều kiện giải ngân cũng không nhiều, do đa số dự án vẫn đang vướng mắc về pháp lý.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, 2 tháng đầu năm, tín dụng bất động sản tăng chậm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Thống đốc, khó khăn chủ yếu của bất động sản hiện nay là vấn đề pháp lý, nếu khó khăn này được tháo gỡ, các tổ chức tín dụng mới có điều kiện thúc đẩy giải ngân tín dụng bất động sản.

Giai đoạn hiện tại, để gỡ nghẽn thanh khoản, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp nên tận dụng Nghị quyết số 33/NQ-CP để đàm phán với ngân hàng giãn nợ, đàm phán với trái chủ cơ cấu kỳ hạn trả nợ hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng thu hẹp danh mục dự án, “chịu đau” bán tài sản để trả nợ. Tất nhiên, điều này phải được thực hiện song song với quá trình đề nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ vướng mắc pháp lý, bởi với các dự án còn vướng mắc pháp lý, doanh nghiệp không thể bán hoặc hoán đổi cho trái chủ.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục