Ngân hàng cần chú trọng dịch vụ bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khái niệm dịch vụ ngân hàng bền vững đang phát triển trong những năm gần đây. Nhưng liệu phát triển bền vững có phải là đánh đổi lợi nhuận để đạt được các mục tiêu xã hội khác?
Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam

Dịch vụ ngân hàng bền vững

Dịch vụ ngân hàng bền vững là một chiến lược liên quan đến các hoạt động kinh doanh thực tiễn của ngân hàng mà không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, ưu tiên đến bền vững môi trường, trách nhiệm xã hội hoặc quản trị công ty đáng tin cậy. Ba yếu tố này được gọi là ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị).

Một khung ESG chỉ dẫn các quyết định đầu tư và kinh doanh, tích hợp các yếu tố ESG và điều này có liên quan mật thiết đến lợi nhuận và hiệu năng của một doanh nghiệp.

Đối với ngân hàng, điều này có thể bao gồm các sáng kiến như chương trình cho vay trách nhiệm và sản phẩm nhằm khuyến khích khách hàng tham gia vào các mục tiêu biến đổi khí hậu, bằng cách tạo ra sự minh bạch và tiêu dùng có ý thức.

Ví dụ, ngân hàng có thể cung cấp cho khách hàng dịch vụ tính toán lượng phát thải carbon của các khoản tiêu dùng và hỗ trợ lựa chọn các giải pháp thay thế.

Đây là mô hình kinh doanh mới cùng với những sản phẩm dịch vụ mới mà ngân hàng cần chú trọng phát triển trong bối cảnh biển đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi.

Theo Nghiên cứu Phát triển bền vững của Visa Hoa Kỳ năm 2022, 72% người tiêu dùng tin rằng tính bền vững là quan trọng đối với họ. Con số này ở Vương quốc Anh là 40%, theo Nghiên cứu bền vững của Tink năm 2023, và khoảng 28% khách hàng sẽ chuyển sang ngân hàng cung cấp các công cụ để theo dõi lượng khí thải carbon của họ.

Chuyển đổi số là then chốt

Để thực hiện được những nhiệm vụ mới nhằm thúc đẩy giáo dục và hành động về khí hậu thông qua trải nghiệm ngân hàng, ngân hàng truyền thống khó có thể đáp ứng được, mà đòi hỏi các nhà băng phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới để xây dựng sản phẩm số thích ứng.

Một người sử dụng điện thoại thông minh khoảng 3-5 giờ mỗi ngày, chủ yếu cho mạng xã hội và cả ứng dụng ngân hàng. Tỷ lệ thời gian người tiêu dùng dành cho ứng dụng ngân hàng tùy thuộc vào khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Ngày càng nhiều khách hàng đòi hỏi ngân hàng phải có các sản phẩm ngân hàng xanh. Nắm bắt được nhu cầu này chính là chìa khoá để ngân hàng giữ chân khách hàng ở lại ứng dụng của mình.

Một cuộc khảo sát của nền tảng ngân hàng đám mây Mambu cho thấy, 67% người được hỏi muốn ngân hàng của họ trở nên bền vững hơn trong tương lai, chỉ có 2 trong 5 người nghĩ rằng ngân hàng hiện tại của họ truyền đạt rõ ràng các cam kết bền vững.

Cuộc khảo sát khác của Tink cho thấy, 40% khách hàng Vương quốc Anh mong đợi ngân hàng cung cấp các công cụ để theo dõi tác động môi trường của họ, nhưng mới chỉ có 24% làm được như vậy.

Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho các ngân hàng. Theo dữ liệu của công ty Ecolytiq – đơn vị hợp tác với nền tảng ngân hàng đám mây Mambu để cung cấp các dịch vụ phát triển bền vững cho khách hàng, việc cung cấp các tính năng tương tác với khí hậu có tác động thực sự đến sự thành công của doanh nghiệp và bảo vệ môi trường. Khách hàng của ngân hàng đã giảm trung bình lượng khí thải carbon của họ xuống 13% trong năm đầu tiên, 81% nhận thấy nhận thức của họ về tính bền vững tăng lên và mức độ tương tác tổng thể trong ứng dụng tăng 145%.

Còn trong một khảo sát gần đây của McKinsey, 64% người tiêu dùng cho biết họ có nhiều khả năng phản hồi lời đề nghị lắp đặt tấm pin mặt trời từ ngân hàng hơn so với làm việc trực tiếp với nhà cung cấp. Người tiêu dùng tin tưởng các ngân hàng sẽ cung cấp cho họ lời khuyên và phân tích tài chính. Các ngân hàng nên tận dụng điều này để thúc đẩy các hành vi mua hàng bền vững hơn.

Rõ ràng, người tiêu dùng ngày càng có mong muốn các ngân hàng tiến thêm một bước nữa và đóng vai trò là cố vấn, cũng như người hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi bền vững của cá nhân họ.

Mức độ tương tác cao hơn sẽ chuyển thành mức độ trung thành cao hơn. Khách hàng cảm thấy có mối liên hệ với ngân hàng sẽ có khả năng ở lại và mang lại nhiều doanh thu hơn cho ngân hàng. Theo nền tảng Ecolytiq, 6 tháng đầu tiên sau khi sử dụng nền tảng, khách hàng đã tăng chi tiêu lên 18,6%. Sự gần gũi với thương hiệu từ những hoạt động tích cực cũng mang lại danh tiếng tích cực hơn cho ngân hàng.

Như vậy, mô hình ngân hàng mới đã thay đổi quan điểm cũ về ngân hàng bền vững như là sự đánh đổi giữa lợi nhuận và “làm từ thiện”. Mô hình ngân hàng bền vững hiện nay mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho khách hàng, xã hội mà còn cho chính ngân hàng. Và đây mới là sự phát triển bền vững thực sự. Các ngân hàng cần tận dụng khả năng kỹ thuật số của mình để hỗ trợ các dịch vụ bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững chung.


Theo Đặc san Phát triển bền vững 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục