Nga tính cấm các nước khác tái xuất khí cho Ukraine

(ĐTCK) Moscow đang tìm cách ngăn cản các khách hàng của mình ở châu Âu tái xuất khí sang Ukraine, đe dọa cắt hết các cầu nối sinh mệnh đối với Kiev và làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng năng lượng mà nước này sắp phải đối mặt trong mùa đông tới.
Mạng lưới đường ống khí ở Ukraine Mạng lưới đường ống khí ở Ukraine

Lời đe dọa của Nga đến khi các nhà ngoại giao EU cuối cùng đã chấp thuận các biện pháp trừng phạt mới dành cho Nga vào đêm thứ Hai. Các biện pháp trừng phạt mới được dự đoán sẽ nhắm vào các công ty năng lượng quốc doanh lớn nhất Nga.

Nhưng sau những lo lắng được đẩy lên bởi Thủ tướng Phần Lan Alex Stubb, các biện pháp trừng phạt sẽ không trở nên chính thức trong một vài ngày tới, cho phép Brussels có thêm thời gian để đánh giá xem liệu thỏa thuận ngừng bắn trong tuần qua có được duy trì.

“Điều này sẽ cung cấp thêm thời gian để đánh giá việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn và kế hoạch hòa bình”, Herman Van Rompuy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, nói trong một thông báo. “Tùy vào tình hình trên chiến trường, EU sẽ quyết định sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt một cách toàn diện hay từng phần”.

Các biện pháp trừng phạt của EU áp dụng với 3 công ty năng lượng quốc doanh của Nga, gồm Rosneft, Gazpromneft và Transneft, sẽ hạn chế sâu sự tiếp cận của các công ty này đối với các thị trường tài chính phương Tây.

Nga đã cho dừng việc xuất khẩu khí đốt sang Ukraine từ tháng 6 trong một tranh chấp về giá và Ukraine sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt năng lượng trong mùa đông này nếu EU không thể dàn xếp một thỏa thuận cung cấp khí giữa Moscow và Kiev. Việc đàm phán sẽ được nối lại trong tháng này.

Trong một nỗ lực nhằm bù đắp lượng khí thiếu hụt từ Nga, Ukraine đã tìm cách cầu cứu nguồn khí bổ sung từ EU, chủ yếu thông qua “những dòng chảy ngược” - tái xuất khí nhập khẩu từ Nga thông qua các nước như Ba Lan, Hungary và Slovakia.

Nhưng Gazprom từ lâu đã phàn nàn về hoạt động tái xuất này, với việc Alexei Miller, Giám đốc điều hành của Công ty, gọi đó là một “cơ chế bán gian lận”.

Các quan chức cao cấp của Ủy ban châu Âu và các chính phủ Đông Âu nói rằng, Nga đã tăng khả năng cắt giảm sản lượng xuất khẩu, bởi vậy, các khách hàng của Nga sẽ không có khí để dẫn ngược về Ukraine. “Họ đã nói về vấn đề này một cách thẳng thắn”, một nhà ngoại giao ở Trung Âu nói.

Dự trữ khí của các nước Đông Âu

Mặc dù Kiev là đối tượng trực tiếp, theo một quan chức Đông Âu khác, việc cắt giảm sản lượng xuất khẩu của Nga cũng có thể làm tăng rủi ro gián đoạn nguồn cung và đẩy giá khí tăng lên ở EU.

Tuy nhiên, Sergei Kupriyanov, một phát ngôn viên của Gazprom, phủ nhận mọi đe dọa đối với lượng xuất khẩu sang EU. “Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về điều đó”, ông này nói.

Lượng khí mà Ukraine nhận được thông qua hoạt động tái xuất từ EU là khá khiêm tốn. Slovakia có thể xuất khoảng 17,6 triệu mét khối mỗi ngày, Hungary là 16 triệu m3/ngày và Ba Lan là 4 triệu m3/ngày. Tuy nhiên, Ukraine cần nhập khẩu khoảng 1 nửa nhu cầu tiêu dùng của nước này với khoảng 50 tỷ m3/năm và theo ước tính của các nhà phân tích, nước này sẽ phải vật lộn với thời tiết mùa đông nếu không nhập được từ 5 đến 10 tỷ m3 khí. Mạng năng lượng của Ukraine là rất không hiệu quả và vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn với nước này khi sản lượng than sụt giảm.

Từng bị cắt nguồn cung khí từ Nga giai đoạn 2006 - 2009, EU năm nay đã ưu tiên cho việc xây dựng các kho dự trữ. Đến Chủ nhật vừa qua, các bể khí đã được lấp đầy 89% và các nước EU nói rằng, họ đã chuẩn bị tốt hơn nhiều so với năm 2009.

Karel De Gucht, Tham tán thương mại của EU, nói rằng, các quan chức Nga đã tìm kiếm một thỏa thuận nhanh về giá với Ukraine. Nga hiểu rằng, một đợt cắt nguồn cung nghiêm trọng khác đối với EU có thể gây áp lực tạo nên một sự dịch chuyển thế hệ ra khỏi nước này. “Nga cũng có một lợi ích của việc được coi là một nhà cung cấp đáng tin cậy”, ông này nói.

Nga cũng đã đe dọa trả đũa đối với các biện pháp trừng phạt bổ sung của EU. Trong một cuộc trả lợi phỏng vấn tờ Vedomosti, một tờ báo Nga na ná tờ Financial Times, hôm thứ Hai, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng, Moscow có thể đóng cửa các đường bay của châu Âu qua không phận nước này sang châu Á, nhằm đáp lại các biện pháp trừng phạt mới của EU.

“Nếu có các biện pháp trừng phạt mới, chúng tôi sẽ cần phải đáp lại chúng. Nếu có các biện pháp trừng phạt liên quan đến lĩnh vực năng lượng hay những hạn chế sâu hơn trong lĩnh vực tài chính, chúng tôi sẽ phải đáp trả một cách tương xứng”, ông Medvedev nói.

Quang Huy (Theo FT)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục