Nếu FED tăng lãi suất…

(ĐTCK) Trong cuộc họp dự kiến ngày 16 - 17/9 tới, Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ đưa ra quyết định về thời điểm tăng lãi suất đồng USD. Hiện tại, TTCK toàn cầu và TTCK Việt Nam đã có những phản ứng nhất định về thông tin này.
Những lo ngại về việc FED tăng lãi suất dần được phản ánh vào các chỉ số chứng khoán Những lo ngại về việc FED tăng lãi suất dần được phản ánh vào các chỉ số chứng khoán

Vì thế, với tâm lý thị trường mong manh hiện nay, nếu quyết định của FED là tăng lãi suất, thì tác động của quyết định đó đến thị trường thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng sẽ lớn hơn so với trong điều kiện thị trường ổn định về tâm lý.

Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI) cho rằng, những lo ngại về việc FED tăng lãi suất sẽ dần được phản ánh vào các chỉ số chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường sẽ tự khắc phục những cú sốc và vận hành theo xu hướng đi lên.

“Không chỉ TTCK Việt Nam, mà TTCK toàn cầu gặp cú sốc khiến các TTCK lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cũng phải chịu cảnh bán tháo trong giai đoạn vừa qua. Dòng vốn ngoại tại các thị trường phát triển cũng rút ra để chờ đợi xu hướng rõ ràng hơn. Trong giai đoạn này, TTCK Việt Nam không trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ của vốn ngoại”, ông An nói.

Có thể, việc FED quyết định nâng lãi suất không tạo ra một cuộc khủng hoảng, nhưng sẽ gây ra bất ổn mang tính toàn cầu khi chịu tác động cộng hưởng từ những số liệu kinh tế tiêu cực từ Trung Quốc, đồng thời có những ảnh hưởng nhất định đến dòng vốn ngoại tại các thị trường cận biên, mới nổi.

Dường như các nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị tâm lý và hành động khi dòng vốn vào các thị trường mới nổi suy giảm rõ rệt trong tháng 8. Theo thống kê của CTCK Rồng Việt (VDSC), trong tháng 8/2015, dòng vốn ngoại chỉ còn 35 tỷ USD, giảm 5 tỷ USD so với mức 40 tỷ USD trong tháng 7. Con số này thấp hơn nhiều so với mức bình quân 60 tỷ USD/tháng trong năm 2014.

Về mặt lý thuyết, việc FED tăng lãi suất sẽ làm cho đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền khác, đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang phá giá đồng nhân dân tệ, gây áp lực lên tỷ giá. Việc này sẽ tác động đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đặc biệt trong trường hợp các nước trong khu vực đồng loạt phá giá đồng tiền.

Trong kịch bản FED tăng lãi suất với biên độ không quá lớn (từ 0,5% trở xuống), theo nhiều chuyên gia, ảnh hưởng đến diễn biến của TTCK chỉ trong vài ba phiên, sau đó sẽ ổn định trở lại. Nhìn ở góc độ tích cực, nếu FED đưa ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 16 - 17/9 tới, giới đầu tư toàn cầu sẽ được trấn an rằng, triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang khả quan.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng đưa ra cảnh báo về những rủi ro xung quanh khả năng FED nâng lãi suất sớm, có thể sẽ tạo ra cú sốc và một cuộc khủng hoảng mới tại các thị trường mới nổi vì có thể dẫn tới làn sóng NĐT ngoại rút vốn ồ ạt, gây biến động mạnh trên thị trường tiền tệ.

Tuy nhiên, có một số cơ sở để kỳ vọng FED sẽ chưa đưa ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp tới, dù thị trường lao động Mỹ đã được cải thiện, tăng trưởng kinh tế nước này có thể đạt mức 3%. Với vai trò là đầu tàu kinh tế thế giới và trách nhiệm với nền tinh tế toàn cầu của Mỹ, FED sẽ cân nhắc quyết định của mình để đảm bảo sự ổn định hơn của nền kinh tế và TTCK toàn cầu.

Theo đại diện CTCK VNDirect, trong thời gian vừa qua, dòng vốn ngoại và các dòng tiền đầu tư trong nước bị ảnh hưởng lớn bởi những biến động bất thường của thị trường tài chính nhiều quốc gia lớn, chứ không hẳn do lo ngại FED sẽ nâng lãi suất, đặc biệt là động thái phá giá nhanh và sốc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Do vậy, xét ở góc độ vĩ mô lẫn sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết và những chính sách hỗ trợ TTCK như nới room, TTCK Việt Nam hiện khá hấp dẫn, dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại khi thị trường tài chính thế giới ổn định hơn.  

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục