Có thể thấy, giai đoạn này, thị trường đang thiếu vắng các thông tin hỗ trợ, nên tâm lý giao dịch rất dễ xảy ra những phản ứng thái quá. Trong khi đó, dòng vốn ngoại cũng đang hạn chế để nghe ngóng động thái của FED trong cuộc họp diễn ra giữa tuần này. Các ông dự báo như thế nào về dòng vốn ngoại trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển môi giới tư vấn, CTCK VNDirect
Theo tôi, tâm lý lo ngại việc FED nâng lãi suất đã xuất hiện trong cả một khoảng thời gian dài trước đó, nên nếu việc này xảy ra, thì tâm lý chung của các quỹ lẫn nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị cả, nên cũng sẽ không gây ra nhiều hiệu ứng tiêu cực.
Ông Nguyễn Trung Du
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều bất ổn như hiện tại, theo tôi, FED chưa hẳn đã thực hiện quyết định nâng lãi suất ngay. Hơn nữa, nếu có thực hiện nâng lãi suất, thì FED sẽ thực hiện theo từng bước nhỏ, nên những lo ngại về các cú sốc với thị trường tài chính thế giới do động thái của FED sẽ không tiêu cực như mọi người đang lo ngại
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Tôi thấy dòng vốn ngoại sẽ ảnh hưởng một khi FED tăng lãi suất, nhất là càng dòng vốn ngắn hạn có thể tiếp tục bị rút ra. Tuy nhiên, dòng vốn dài hạn sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, thậm chí có thể hút được thêm nếu kinh tế Việt Nam tăng trưởng, tỷ giá ổn định, thì tiền bị rút từ các nơi khác nhưng vẫn sẽ chảy vào thị trường Việt Nam, như vậy Việt Nam lại được lợi từ quyết định của FED. Nhưng việc này chỉ có thể có khi chúng ta duy trì được nền kinh tế phát triển ổn định, chính sách hỗ trợ đầu tư, kích cầu kinh tế.
Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tần Việt (TVSI)
Không chỉ TTCK Việt Nam, mà TTCK toàn cầu gặp cú sốc lớn khiến các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cũng phải chịu sự bán tháo trong giai đoạn vừa qua.
Dòng vốn ngoại ở tại các thị trường phát triển cũng rút ra để chờ đợi xu hướng rõ ràng hơn, trong giai đoạn này, TTCK Việt Nam không trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ của vốn ngoại.
Nói như vậy không có nghĩa là không có triển vọng gì với TTCK, bản thân thị trường sẽ tự vận hành theo xu hướng đi lên, gắn với bản chất vươn lên và hướng về những điều tốt đẹp của con người. Cú sốc nào rồi cũng sẽ qua, thời gian sẽ xóa nhòa đi những lo ngại và TTCK cũng sẽ dần hồi phục dù không có được sự hỗ trợ tích cực của vốn ngoại.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS
Nhìn lại giao dịch của khối ngoại 3 tháng gần đây có thể thấy rằng, nhà đầu tư nước ngoài đang gia tăng bán ra nhiều hơn và mua vào ít lại kể từ đầu tháng 8. Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại là theo chu kỳ hàng năm, khối ngoại vẫn bán ròng từ tháng 6 trở đi và với việc bán ròng khoảng 600 tỷ đồng từ đầu tháng 8 đến nay, thì mức dộ này chưa gây tác động lớn.
Dòng vốn năm nay của khối ngoại vào thị trường chứng khoán chưa thật sự tăng tốc và chỉ ngang bằng năm ngoái, trong khi có một điểm đáng lưu ý là thị trường Việt Nam vẫn được xem là “rẻ” hơn các thị trường sơ khai và mới nổi khác.
Việc mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần từ trên 49% đến 100% cho một số lĩnh vực sẽ là một bước ngoặt lớn trong tiến trình nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam từ sơ khai lên mới nổi trong thời gian tới.
Về việc FED nâng lãi suất trong thời gian tới, tôi cho rằng, mức độ ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam sẽ không quá lớn, do dòng vốn tiềm năng của các doanh nghiệp Mỹ vẫn chảy vào các thị trường như Việt Nam tìm cơ hội, trong đó có chứng khoán sau khi các hiệp định thương mại đã ký kết. Dĩ nhiên, vấn đề lãi suất cơ bản trong nước vẫn là vấn đề được quan tâm lớn nhất có đủ hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư vào Việt Nam hay không.
Trong trường hợp FED quyết định tăng lãi suất ngay trong ngày 17/9 tới thì sẽ tác động như thế nào đến thị trường Việt Nam?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển môi giới tư vấn, CTCK VNDirect
Thời gian vừa qua, dòng vốn ngoại và các dòng tiền đầu tư trong nước đang bị ảnh hưởng lớn bởi những biến cố bất thường của thị trường tài chính của nhiều quốc gia lớn, chứ không hẳn do lo ngại FED nâng lãi suất, đặc biệt là động thái phá giá nhanh và sốc của Trung Quốc trong thời gian vừa qua mới là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, như phân tích ở trên, cá nhân tôi không e ngại ảnh hưởng của việc FED nâng lãi suất tới TTCK Việt Nam.
Xét ở góc độ vĩ mô lẫn sự cải thiện của doanh nghiệp niêm yết và những chính sách cởi mở mới nhất là nới room, thì TTCK Việt Nam hiện khá nổi bật, nên dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại khi thị trường tài chính thế giới ổn định hơn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Tôi nghĩ, sẽ có thể tác động tiêu cực trong ngắn hạn như sự kiện Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã tác động xấu đến thị trường thế giới ngay lập tức, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Việc FED nâng lãi suất được đánh giá là thông tin mạnh hơn việc phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc, nên tác động trong ngắn hạn là đáng kể. Tuy nhiên, về trung hạn, nếu các biện pháp được triển khai đồng bộ để kinh tế Việt Nam hưởng lợi từ quyết định này và hạn chế những điểm bất lợi thì thị trường vẫn sẽ phát triển tốt.
Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tần Việt (TVSI)
Trong tâm lý thị trường mong manh như hiện tại, nếu quyết định của FED là tăng lãi suất thì tác động của quyết định đó đến thị trường thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng sẽ lớn hơn so với trong điều kiện thị trường ổn định về tâm lý. Dù vậy, những lo ngại về việc tăng lãi suất cũng sẽ dần được phản ánh vào các chỉ số chứng khoán, và như đã nói ở trên, bản chất của thị trường sẽ là tự khắc phục những cú sốc và vận hành theo xu hướng đi lên.
Riêng cá nhân tôi kỳ vọng FED chưa tăng lãi suất trong kỳ họp 17/9 lần này. Dù các điều kiện để FED tăng lãi suất như thị trường lao động cải thiện, tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể đạt mức 3%, nhưng với vai trò là đầu tàu kinh tế thế giới và trách nhiệm với nền tinh tế toàn cầu của Mỹ, FED sẽ rất cân nhắc quyết định của mình để đảm bảo sự ổn định hơn của nền kinh tế toàn cầu và thị trường chứng khoán thế giới.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS
Về việc FED tăng lãi suất trong tuần tới (nếu có), sẽ có một số tác động đầu tiên là dòng vốn từ nhiều nơi sẽ quay về Mỹ tìm lợi nhuận với mức rủi ro thấp. Ngoài ra, việc FED nâng lãi suất sẽ gây áp lực ngay lên tình trạng ngoại hối và với thị trường Việt Nam sẽ cần một lượng dự trữ USD mạnh để bơm ra thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Khanh
Tuy nhiên, hiện tại tình trạnh thâm hụt ngoại hối đang căng thẳng, từ đó có thể dẫn đến việc biên độ tỷ giá sẽ tiếp tục nới thêm. Sẽ có một số tác động tiêu cực đến thị trường trong ngắn hạn, tuy nhiên sẽ không có những đợt rút vốn ồ ạt như nhiều người tưởng tượng và như tôi đã nói ở trên, thị trường Việt Nam đang ở mức khá rẻ so với khu vực, vì vậy sẽ vẫn thu hút các dòng vốn khác nhau đầu tư vào thị trường.
Hai nhóm cổ phiếu đóng vai trò trụ đỡ là ngân hàng và dầu khí điều chỉnh đồng loạt, tạo áp lực lên nhóm các cổ phiếu còn lại, tuy nhiên, như dự báo của nhiều CTCK, thì 2 nhóm cổ phiếu này không có nhiều triển vọng tăng trở lại. Vậy nhóm ngành nào sẽ là nhóm dẫn dắt thị trường từ nay đến cuối năm?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển môi giới tư vấn, CTCK VNDirect
Các cổ phiếu ngân hàng theo đánh giá của tôi hầu hết đã ở mặt bằng giá hợp lý, thậm chí có nhiều trường hợp hơi quá đà so với định giá nội tại, ngoại trừ vài trường hợp định giá còn hấp dẫn như MBB, nhưng hết room ngoại.
Triển vọng của ngành ngân hàng trong thời gian gần đây đã cải thiện đáng kể ở khả năng huy động và thúc đẩy tín dụng, cũng như biên lợi nhuận, nhưng nhìn chung vấn đề chất lượng tài sản và giải quyết nợ xấu mới ở dạng đóng gói lại và thời gian giải quyết sẽ còn tương đối dài để giải quyết những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC.
Do đó, những đợt tăng giá ngắn hạn với cổ phiếu ngân hàng có thể xảy ra, bởi đây là nhóm chiếm vốn hóa lớn để dẫn dắt tâm lý và điểm số, nhưng sẽ khó có những đợt tăng giá mạnh như trước đó trong thời gian từ nay tới cuối năm và tôi thiên về hướng rủi ro giảm giá của nhóm ngành này đang tăng lên.
Nhóm cổ phiếu dầu khí đã giảm sâu theo giá dầu thế giới và ngắn hạn vẫn rất khó lường khi biến động của giá dầu là khó dự báo. Tuy nhiên, nhìn về lịch sử của nhóm ngành này thì ngay cả những năm giá dầu về tới mức sâu như 2008, những cổ phiếu này làm ăn vẫn lãi tốt và mức cổ tức trên thị giá khá hấp dẫn ở mặt bằng giá hiện tại. Hiện nhóm ngành này là khá hấp dẫn để mua đầu tư dưới góc nhìn dài hạn và những làn sóng hồi phục có thể xảy ra trong ngắn hạn khi giá dầu thế giới hồi phục.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Hai nhóm dầu khí và ngân hàng được gọi là dẫn dắt thị trường, vì có nhiều mã thuộc 2 nhóm này tác động mạnh mẽ đến Index nhất, bởi thế, nếu 2 nhóm này không tăng hoặc tệ hơn là giảm thì có thể nói là tác động xấu đến thị trường và thị trường khó mà tăng được. Bởi vì, những nhóm khác dù có tăng, nhưng lại không chiếm tỷ trọng lớn tác động đến Index.
Tuy nhiên, có 2 nhóm khác là chứng khoán và bất động sản dù không lớn bằng, nhưng cũng thuộc nhóm 4 ngành mạnh nhất. Dù vậy, 2 nhóm trên chỉ đóng vai trò dẫn dắt được nếu 2 nhóm dầu khí, ngân hàng không quá yếu.
Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tần Việt (TVSI)
Sau cú sốc lớn, thị trường sẽ cần thời gian để hồi phục. Theo quan sát của cá nhân tôi, trong giai đoạn hồi phục, các nhóm cổ phiếu sẽ luân phiên tăng điểm để kéo thị trường quay trở về mốc cao trước đó.
Ông Lê Đắc An
Trong giai đoạn hồi phục này, nhóm cổ phiếu dẫn dắt vẫn chưa xuất hiện, chính vì vậy, chúng ta sẽ quan sát thấy các mã chỉ duy trì đà tăng điểm trong 2 đến 3 phiên là gặp áp lực bán ra rất lớn và quay đầu giảm điểm. Giai đoạn hồi phục phản ánh sự khó khăn trong quyết định và sự bất ổn trong tâm lý của nhà đầu tư và hầu như sẽ không tìm thấy mã hay nhóm dẫn dắt trong giai đoạn này.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS
Từ đầu năm đến nay, nhóm dầu khí đã mất vị thế dẫn đắt và nhường lại vị thế này cho nhóm ngân hàng và cho đến nay, Index vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, mà cụ thể là 3 mã BID, VCB và CTG.
Với thị giá hiện tại đã tăng hơn 30% so với đầu năm, thì các cổ phiếu ngân hàng đã không còn rẻ, vì vậy khả năng tăng thêm vẫn khá thấp, trong khi đó, nhóm dầu khí vẫn chưa có tín hiệu quay lại do tác động giá dầu thế giới.
Do Index phụ thuộc khá lớn vào các cổ phiếu bluechip, vì vậy chỉ cần vài mã trong nhóm này thay đổi có thể kéo theo cả thị trường đi theo.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể khó tăng thêm nhiều để kéo Index, nhưng thị trường sẽ vẫn chịu tác động bởi nhóm cổ phiếu này do sự dịch chuyển đồng pha của cả nhóm cổ phiếu trong ngành. Điều này khác với các nhóm cổ phiếu của ngành chứng khoán hay bất động sản.
Như vậy, sẽ có những đợt điều chỉnh sâu và cả khi phục hồi sẽ có sự tác động lớn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Vì vậy, vấn đề là nhà đầu tư chọn cổ phiếu để đầu tư chứ không nên quá chú trọng đến cả nhóm ngành nào, vì trong một số ngành có những cổ phiếu khá tốt và giá đang hấp dẫn.
Thị trường vẫn ở giai đoạn lình xình, các ông dự báo như thế nào về việc thị trường có thể tạo "sóng" trong quý IV?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển môi giới tư vấn, CTCK VNDirect
Thật khó để có được câu trả lời chính xác cho thị trường trong 1 năm có quá nhiều biến cố bất thường của thị trường tài chính thế giới, ngoài dự báo như hiện tại. Nếu nhìn trên góc độ cơ bản, tôi vẫn tin tưởng rằng sẽ khó có những rủi ro khiến thị trường vỡ qua mức đáy của 3 năm liên tiếp là 515-520.
Hiện một số doanh nghiệp đã bắt đầu tiến hành mở room và dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại một cách có chọn lọc, nên tôi vẫn có cái nhìn lạc quan với thị trường trong những tháng cuối năm. Cơ hội có thể không nhiều và không phổ biến như các đợt sóng tăng trước nhưng triển vọng trong các tháng cuối năm theo tôi đánh giá là tích cực.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Theo quan sát của tôi, sóng nếu có chỉ là những con sóng nhỏ lẻ ở một số nhóm ngành, ngắn và theo đợt, chứ không mạnh như sóng dầu khí 2014 hay ngân hàng nửa đầu năm 2015.
Ông Phan Dũng Khánh
Những nhóm triển vọng thuộc con sóng cuối năm này là bất động sản, chứng khoán, một số mã bluechips lớn nhưng đơn lẻ như VIC, BVH... và nhóm cổ phiếu pennies. Ngoại trừ những thông tin đột biến như đàm phán TPP thành công, FED không tăng lãi suất, nới room được cho nhiều ngành nghề hơn..., thì khi đó có thể có nhiều con sóng lớn hơn.
Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tần Việt (TVSI)
Ở thời điểm hiện tại, với những hiểu biết hiện tại, cá nhân tôi cho rằng, thị trường vẫn chỉ trong giai đoạn hồi phục ít nhất hết nửa đầu quý IV và sóng nếu có cũng ở giai đoạn nửa sau của quý IV.
Chúng ta hãy cùng theo dõi thị trường, chấp nhận thực tế khách quan để điều chỉnh cho phù hợp, mọi dự đoán, dự báo về thị trường đều có thể bị thay đổi khi các yếu tố mới phát sinh.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS
Thị trường đã có một cơn sóng dập xuống khá nặng vừa qua do tác động của thị trường quốc tế và sau đó là call margin. Nhìn một bức tranh dài hạn thị trường Việt Nam đang trong tiến trình đi ngang và điểm cân bằng nằm quanh 670-580.
Chỉ số VN-Index dao dộng trong một biên độ rộng từ 510 - 640 và hiện tại đang tiếp cận gần điểm giữa này. Ngay tại mức này thì chỉ số thị trường Việt Nam vẫn khá hấp dẫn do PE vẫn dưới 12.
Việc thiếu động lực thanh khoản và mối lo ngại từ thị trường quốc tế có thể khiến thị trường có những cơn sóng giảm, nhưng tôi cho rằng, khi đó lại là cơ hội cho các nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu và về cái nhìn trung và dài hạn thị trường vẫn tích cực và nhiều cơ hội đầu tư.