Năng suất lao động thấp, cảnh báo từ những con số

(ĐTCK) Hội thảo về năng suất lao động của Tổng cục Thống kê tuần qua gây sự chú ý với doanh nghiệp về tính cảnh báo của những con số. Tình trạng này cũng được chuyên gia Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề cập trong bài viết dưới đây.
Trình độ văn hóa được đánh giá là khá, nhưng trình độ nghề của lao động Việt Nam còn rất thấp Trình độ văn hóa được đánh giá là khá, nhưng trình độ nghề của lao động Việt Nam còn rất thấp

53,4 triệu lao động

Tính đến 31/12/2014, dân số nước ta là 90,7 triệu người, số người từ 15 tuổi trở lên là 70,06 triệu (chiếm 78%), trong đó có 54,4 triệu người thuộc lực lượng lao động. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế là 53,4 triệu người, tăng 1,56% so với năm 2013, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 46,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 21,4%; khu vực dịch vụ chiếm 32%.

Năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân tăng 3,7%/năm trong giai đoạn 2005 - 2014. Tuy nhiên, năng suất lao động Việt Nam năm 2014 chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6 của Malaysia, bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.

Mặc dù tiến trình đô thị hóa ở Việt Nam đã và đang diễn ra, nhưng lao động nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ lớn, gần 70% lực lượng lao động. Vẫn còn khác biệt về mức độ tham gia hoạt động kinh tế giữa khu vực thành thị và nông thôn, khoảng 11,2 điểm phần trăm (70,5% và 81,7%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ là 73,6%, thấp hơn 9 điểm phần trăm so với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nam (82,6%).     

… quá nửa chưa qua đào tạo

Năng suất lao động xã hội năm 2014 theo giá hiện hành của toàn nền kinh tế ước đạt 3.515 USD/lao động, trong đó, năng suất lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bằng 38,9% mức năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng gấp 1,8 lần và khu vực dịch vụ gấp 1,36 lần.

Năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân tăng 3,7%/năm trong giai đoạn 2005 - 2014. Tuy nhiên, năng suất lao động Việt Nam năm 2014 chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6 của Malaysia, bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.

Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới năng suất lao động của Việt Nam là do: tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao; chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, hiệu quả sử dụng qua đào tạo chưa cao; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ trong ngành chế biến, chế tạo nhìn chung lạc hậu; trình độ tổ chức quản lý, quản trị doanh nghiệp còn yếu, hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp. Ngoài ra, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong các ngành sản xuất và dịch vụ ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Đáng chú ý, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Nguồn nhân lực nước ta yếu về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, thiếu tác phong lao động công nghiệp...

Trong tổng số 53,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế chỉ có khoảng 49% qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên chiếm khoảng 19%. Khoảng cách khác biệt về tỷ lệ này giữa khu vực thành thị và nông thôn là khá cao. Cụ thể, ở khu vực thành thị, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 20,4%, trong khi ở khu vực nông thôn là 8,6%.

Bên cạnh đó, thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém (cả về chiều cao, cân nặng, cũng như sức bền, sự dẻo dai), chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong sử dụng máy móc, thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Công tác chăm sóc sức khỏe và an toàn nghề nghiệp chưa tốt.

Đặc biệt, kỷ luật lao động còn kém, một bộ phận lớn người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.

Chính phủ đang quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh như giảm thủ tục nộp thuế giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, tạo cơ chế để thị trường can thiệp nhiều hơn vào vấn đề giá cả…

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu DNNN, thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân. Trong khi đó, nền kinh tế tiếp tục có những tín hiệu khởi sắc, tăng trưởng GDP năm nay và năm tới dự kiến đạt mức cao.

Theo đó, Việt Nam đang ngày càng thu hút các doanh nghiệp mới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, điều này làm tăng tính cạnh tranh trong thu hút nhân tài. Mặc dù cơ hội việc làm xuất hiện ở nhiều ngành, nhưng sự thiếu vắng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật là một thách thức, không ít công ty có xu hướng tìm kiếm lao động Việt Nam từ nước ngoài trở về. Thách thức là không nhỏ với các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh tìm nguồn nhân sự có trình độ.         

Bùi Sỹ Lợi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục