Nâng hạng thị trường, chuyện "phải đến" năm 2025

(ĐTCK) Nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là mục tiêu mà Chính phủ quyết tâm thực hiện trong năm 2025.

"Thấy người mà ham"

Nhìn ra các thị trường lân cận, sau khi được MSCI nâng hạng lên nhóm mới nổi vào năm 2018, thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc thu hút mạnh mẽ dòng vốn quốc tế. Ước tính, khoảng 50 tỷ USD vốn ngoại đổ vào các cổ phiếu A-shares của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nâng hạng cũng cải thiện thanh khoản thị trường khi các cổ phiếu trong MSCI China A Index có khối lượng giao dịch hàng ngày cao hơn. Những cổ phiếu này chủ yếu là các công ty vốn hóa lớn và có tính thanh khoản cao. Điều này làm cho TTCK Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư toàn cầu.

Cơ cấu nhà đầu tư cũng có sự thay đổi tích cực. Theo đó, sau khi cổ phiếu A-shares được đưa vào các chỉ số MSCI, tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư tổ chức quốc tế gia tăng, làm giảm sự chi phối của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Các quỹ đầu tư lớn, đặc biệt là các quỹ ETF theo dõi chỉ số MSCI Emerging Markets, bắt đầu đổ vốn vào các cổ phiếu Trung Quốc, thúc đẩy sự phát triển của các công ty lớn và cải thiện cơ cấu vốn hóa thị trường.

Theo một nghiên cứu của JP Morgan, việc nâng hạng đã phản ánh những cải cách đáng kể của Trung Quốc trong việc mở cửa thị trường và cải thiện minh bạch, qua đó, nâng cao vị thế quốc gia này trên sân chơi tài chính quốc tế.

Khi gia nhập nhóm thị trường mới nổi của MSCI vào năm 2019, TTCK Thái Lan đã thu hút thêm khoảng 5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Cơ cấu nhà đầu tư theo đó có sự thay đổi tích cực, với sự gia tăng của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các quỹ đầu tư lớn từ châu Á và phương Tây. Điều này không chỉ cải thiện sự đa dạng hóa của các nhà đầu tư, mà còn giúp tăng cường sự cạnh tranh và hiệu quả của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Thái Lan.

Đối với Việt Nam, trường hợp được nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cải thiện thanh khoản và vị thế, hình ảnh của Việt Nam. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), trong trường hợp được nâng hạng bởi cả MSCI và FTSE Russell, thị trường Việt Nam có thể thu hút 6 - 7 tỷ USD trong những năm đầu và 25 tỷ USD đến năm 2030.

Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng nhà đầu tư được nâng cao, với sự tham gia của các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư quốc tế lớn với mục tiêu đầu tư dài hạn.

Việt Nam sẽ được công nhận là một nền kinh tế phát triển và mở cửa hơn với các nhà đầu tư quốc tế. Việc nâng hạng cũng sẽ giúp Việt Nam gia tăng sự hiện diện trong các chỉ số toàn cầu, qua đó gia tăng vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Chính vì thế, nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025 là quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Quyết tâm cao trong 2025

Năm 2024, TTCK Việt Nam có nhiều biến động, do ảnh hưởng từ tình hình trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, với lực đỡ từ các chính sách tài khóa, tiền tệ hiệu quả của Chính phủ, nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường, TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tính đến hết năm 2024, chỉ số VN-Index đạt 1.266,78 điểm, tăng 12,11% so với cuối năm 2023, tương đương mức tăng của năm 2023. Với mức tăng này, TTCK Việt Nam trở thành một trong các thị trường có mức tăng trưởng cao trong khu vực châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Singapore, tương đương với Trung Quốc và đứng trước Ấn Độ, Thái Lan, Phillipines.

Mức dao động của chỉ số VN-Index trong năm trong khoảng 1.200 - 1.300 điểm, phản ánh sự ổn định tương đối của thị trường trong một năm nhiều thách thức.

Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.173.300 tỷ đồng, tương đương 70,18% GDP của năm 2023, tăng 20,83% so với thời điểm cuối năm 2023. Giá trị giao dịch bình quân năm 2024 đạt hơn 20.800 tỷ đồng/phiên, tăng 19,18% so với bình quân của năm 2023.

Tuy nhiên, TTCK vẫn còn gặp phải một số hạn chế như việc bán ròng của khối ngoại. Tính chung cả năm 2024, khối này đã bán ròng 82.500 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu ở cả ba sàn, vượt xa mức bán ròng của năm 2023 là 22.800 tỷ đồng. Đặc biệt, khối này đã bán ròng gần như suốt cả năm (trừ tháng 1).

Bên cạnh đó, tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức còn hạn chế khi chiếm khoảng 10 - 15% giá trị giao dịch (tại thời điểm cuối tháng 11/2024 là khoảng 14%). Trong khi tại Thái Lan, tỷ trọng này là 30% và tại Malaysia là 40 - 50% tổng thanh khoản thị trường.

Trong trường hợp được nâng hạng, TTCK có điều kiện để cải thiện các chỉ tiêu quan trọng trên. Để thúc đẩy quá trình này, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC với nhiều quy định mới.

Cụ thể, Thông tư đã bỏ yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải ký quỹ trước giao dịch; tổ chức niêm yết, công ty đại chúng, Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) phải thực hiện công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Anh, trong đó tổ chức niêm yết và công ty đại chúng thực hiện theo lộ trình qua các năm 2025, 2026 và 2027 tùy theo quy mô của doanh nghiệp.

Sự ra đời của thông tư này được kỳ vọng cải thiện tiêu chí về bù trừ, thanh toán trên thị trường và từng bước cải thiện kết quả đánh giá của ba tiêu chí liên quan tới mức độ công bằng với nhà đầu tư nước ngoài.

Trong kỳ đánh giá tháng 10/2024, FTSE Russell vẫn giữ TTCK Việt Nam trong nhóm theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi. Báo cáo của FTSE Russell ghi nhận sự hỗ trợ liên tục của Chính phủ Việt Nam cho các cải cách thị trường và đánh giá cao mối quan hệ xây dựng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan quản lý thị trường khác và Nhóm Ngân hàng Thế giới, những người đang hỗ trợ chương trình cải cách thị trường rộng rãi hơn.

Chuyện không chỉ của ngành chứng khoán

Để thực hiện mục tiêu nâng hạng vào năm 2025 cũng như tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ việc nâng hạng, cần có các giải pháp đồng bộ với sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý, trong đó có vai trò quan trọng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Thứ nhất, thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, vận hành thị trường, nhằm tăng khả năng xử lý giao dịch, đáp ứng yêu cầu lớn hơn khi các nhà đầu tư quốc tế đầu tư nhiều hơn vào thị trường Việt Nam.

Năm 2015, Ả Rập Xê-út đã nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên TTCK lên công nghệ X-Stream do Nasdaq cung cấp; đưa mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) vào hoạt động (năm 2020) đối với cổ phiếu, chứng khoán có thu nhập cố định, chứng khoán phái sinh và quỹ hoán đổi danh mục (ETFs). Kết quả là thị trường này được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2021, với giá trị giao dịch tăng gấp 20 lần so với năm 2018.

Thứ hai, Thông tư 68 đã gỡ bỏ rào cản về yêu cầu ký quỹ đầy đủ với các tổ chức đầu tư nước ngoài, nhưng chưa thúc đẩy nhà đầu tư cá nhân nước ngoài; đồng thời, tính chủ động của cơ quan quản lý cũng bị ảnh hưởng. Do vậy, trong dài hạn, cơ quan quản lý cần nghiên cứu và triển khai mô hình CCP.

Hiện nay, có hơn 60 quốc gia đã áp dụng CCP, tiêu biểu là ở Mỹ, châu Âu và một số thị trường châu Á. Trong khu vực ASEAN, các thị trường Singapore, Malaysia, Indonesia đã áp dụng mô hình này vào hoạt động. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc áp dụng mô hình CCP sẽ giảm thiểu rủi ro đối tác, tăng cường tính minh bạch và ổn định thị trường, hiệu quả thanh toán và giảm chi phí giao dịch, thu hút nhà đầu tư quốc tế.

Thứ ba, thúc đẩy quá trình thoái vốn và cổ phần hóa để gia tăng lượng cổ phiếu có thể lưu hành trên thị trường. Giải pháp này sẽ góp phần tăng quy mô và thanh khoản thị trường, cải thiện chất lượng cổ phiếu và đa dạng hóa danh mục đầu tư, tăng cường tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là giải pháp nhằm đáp ứng điều kiện về nâng hạng thị trường, cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của thị trường.

Thứ tư, các bộ, ngành cần nghiên cứu trình Chính phủ tăng tỷ lệ sở hữu đối với một số ngành nghề, đồng thời đề xuất sửa các quy định của Luật Đầu tư liên quan đến giới hạn sở hữu nước ngoài.

Trần Thị Hà
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục