Cổ phiếu bất động sản khởi sắc, chứng khoán tăng phiên thứ 2 liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Sau phiên giảm điểm đầu năm mới Ất Tỵ, thị trường chứng khoán đã hồi phục trở lại trong 2 phiên sau đó, lấy lại cả vốn lẫn lãi, dù chưa thể qua được “cửa ải” 1.270 điểm.
Cổ phiếu bất động sản khởi sắc, chứng khoán tăng phiên thứ 2 liên tiếp

Trong phiên sáng, tiếp nối nhịp tăng mạnh hôm qua, thị trường mở cửa trong sắc xanh và VN-Index có lúc vượt lên trên ngưỡng 1.270 điểm. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, chỉ số bị đẩy lùi trở lại và duy trì ở biên độ hẹp trong suốt thời gian còn lại của phiên sáng, dù nhận được sự hỗ trợ khá đắc lực của các bluechip như VCB, VNM, VHM, VRE, LPB…, cũng như sự hồi phục trở lại của nhóm công nghệ sau phiên giảm sâu đầu năm.

Bước vào phiên giao dịch chiều, thị trường một lần nữa lại được kéo lên để thử thách ngưỡng 1.270 điểm và cũng như phiên sáng, VN-Index không thể qua được ải này do dòng tiền vẫn chưa mạnh dạn.

Chốt phiên, VN-Index tăng 4,93 điểm (+0,39%), lên 1.269,61 điểm với 270 mã tăng, trong khi có 187 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 587,3 triệu đơn vị, giá trị 13.343,6 tỷ đồng, giảm 11% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 53,6 triệu đơn vị, giá trị 1.421,7 tỷ đồng.

Trong rổ VN30, các mã tăng trong phiên sáng vẫn duy trì phong độ với VRE tăng 3,37%, LPB tăng 2,28%, VNM tăng 2,16%, BCM tăng 2,13%, VPB tăng 1,60%. Ngoài ra, một số mã khác cũng bứt lên như GAS tăng 1,04%, SAB tăng 0,76%, trong khi VCB hạ nhiệt chỉ còn tăng 0,65%, VHM thậm chí chỉ còn tăng 0,26%; các mã ngân hàng như VIB, MBB, TCB, TPB, ACB tăng từ 0,2% đến gần 0,6%. FPT cũng chỉ còn tăng 0,07%.

Ở chiều ngược lại, MSN giảm 1,6% xuống 67.500 đồng, SSI giảm 1% xuống 25.050 đồng, SHB giảm 0,95%, SSB giảm 0,80%, số còn lại chỉ giảm nhẹ.

Xét về nhóm ngành, tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng không phải LPB mà là NAB tăng 3,28% lên 17.300 đồng, trong khi SHB chính là mã giảm mạnh nhất nhóm.

Nhóm chứng khoán cũng vẫn 4 mã tăng còn lại giảm như phiên sáng. Trong đó, APG vọt lên kịch trần 7.980 đồng, còn 3 mã CTS, VND và TVS chỉ tăng nhẹ dưới 0,5%. Ở chiều ngược lại, VIX là mã giảm mạnh nhất khi mất 1,58% xuống 9.990 đồng, khớp 18,9 triệu đơn vị, cao nhất nhóm và thứ 2 trên sàn sau DIG.

Nhóm bất động sản và xây dựng, DIG lấy lại sắc tím 18.900 đồng và còn dư mua giá trần, khớp 24,1 triệu đơn vị, cao nhất thị trường. Trong khi đó, CTD vươn lên vượt qua PDR trở thành mã tăng mạnh thứ 2 với 4,04% lên 79.900 đồng, PDR tăng 3,67% lên 19.750 đồng, LGL cũng bứt phá trong phiên chiều với mức tăng 3,66% lên 2.550 đồng, HTN tăng 3,41% lên 10.600 đồng, NTL cũng tăng 3,22%... Trong khi đó, DXG dù chỉ tăng 1,31% lên 15.450 đồng, nhưng có thanh khoản khá tốt với 16,22 triệu đơn vị, đứng thứ 3 trên sàn. Bất động sản là nhóm có giao dịch tích cực nhất hôm nay khi chỉ có chưa tới 10 mã giảm giá.

Nhóm thép chỉ có duy nhất TLH tăng nhẹ, cùng DTL, HSG và TNI đứng giá, còn lại giảm nhẹ.

Sàn HNX chiều nay không có nhiều điểm nhấn khi chỉ số chính dao động trong biên độ hẹp và đóng cửa nhỉnh hơn phiên sáng một chút.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,37 điểm (+0,61%), lên 227,98 điểm với 85 mã tăng và 63 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,7 triệu đơn vị, giá trị 821,8 tỷ đồng, giảm 21% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Chiều nay có thêm 5 mã gia nhập nhóm thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó chỉ có 2 mã giảm là SHS giảm 0,72% xuống 13.700 đồng, khớp 6,8 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau CEO. Mã thứ 2 giảm là VFS giảm 0,58% xuống 17.100 đồng, khớp 1,2 triệu đơn vị. Trong khi đó, CEO với thông tin có kết quả kinh doanh 2024 khởi sắc đã tăng mạnh 4,62% lên 13.600 đồng, khớp 10,8 triệu đơn vị. Tuy nhiên, vẫn không tăng ấn tượng bằng SJE khi mã này lên mức kịch trần 21.200 đồng, khớp 1 triệu đơn vị. Các mã khác tăng không quá mạnh.

UPCoM sau ít phút rung lắc đầu phiên chiều đã lấy lại đà tăng và đóng cửa cũng nhỉnh hơn phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,59 điểm (+0,61%), lên 95,9 điểm với 178 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46 triệu đơn vị, giá trị 737 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,7 triệu đơn vị, giá trị 43,9 tỷ đồng.

UPCoM phiên chiều cũng có thêm 5 mã gia nhập nhóm thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, nâng số mã nhóm này lên 9 mã và không có mã nào đóng cửa giảm giá. Trong đó, có 7 mã tăng và 2 mã đứng giá. Thanh khoản tốt nhất là BGE tăng 10% lên 6.600 đồng, khớp 5,52 triệu đơn vị, trong khi tăng mạnh nhất là BOT tăng kịch trần 14,29% lên 5.600 đồng, khớp 2,36 triệu đơn vị và còn dư mua trần.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng theo thị trường cơ sở và mức tăng cũng quanh mức tăng của VN30-Index. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 2 là VN30F2502 tăng 5 điểm (+0,38%), lên 1.333,5 điểm với 160.904 hợp đồng được chuyển nhượng, tương đương giá trị 21.466 tỷ đồng; khối lượng mở 38.592 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có 9 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 5 mã do SSI phát hành, 2 mã do ACBS phát hành, 2 mã còn lại do HSC và KIS phát hành. Đứng đầu là CVPB2407 do SSI phát hành với thanh khoản 4,38 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,45% lên 330 đồng. Tiếp theo là CMBB2407 do ACBS phát hành với 4,23 triệu đơn vị, đóng cửa tham chiếu 1.550 đồng.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có hơn 4,3 triệu đơn vị được giao dịch, tổng giá trị 4.325 tỷ đồng, trong đó dẫn đầu là VDI12101 của Thương mại và Đầu tư Việt Đức với 14.000 đơn vị, giá trị 2.219,4 tỷ đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục