Dòng tiền ưu tiên "hàng hiệu"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2024, thị trường chứng khoán tăng hơn 12%, chủ yếu nhờ một số nhóm cổ phiếu lớn. Kỳ vọng, thị trường năm 2025 sẽ khởi sắc hơn, nhất là giai đoạn cuối năm. Trong đó, dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu chất lượng cao.
Thị trường chứng khoán năm 2025 có kịch bản tích cực, với kỳ vọng về đầu tư công, tăng trưởng kinh tế và nâng hạng Thị trường chứng khoán năm 2025 có kịch bản tích cực, với kỳ vọng về đầu tư công, tăng trưởng kinh tế và nâng hạng

Vượt qua nhiều trắc trở

Năm 2024, sau đà tăng nửa đầu năm, VN-Index chủ yếu đi ngang trong vùng 1.200 - 1.300 điểm, thể hiện xu hướng “tích lũy chặt” suốt cả năm. Đây là một năm bất ổn với nhiều sự kiện không chắc chắn, tạo nên mặt bằng giá tương đối vững, nhưng thiếu động lực bứt phá. Các yếu tố gây áp lực bao gồm lãi suất cao, dòng tiền yếu và tâm lý thị trường không ổn định, khiến VN-Index kiểm định vùng 1.280 - 1.300 điểm ít nhất 6 lần, nhưng không thể vượt qua. Phân hóa thị trường trở nên rõ nét hơn, với các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng và công nghệ duy trì tăng trưởng ổn định, trong khi nhóm bất động sản và các doanh nghiệp nội tập trung vào thị trường trong nước gặp nhiều khó khăn.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC

Một trong những thách thức lớn nhất đến từ áp lực tỷ giá, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong các giai đoạn quan trọng. Tỷ giá tăng cao buộc Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa như hút ròng thanh khoản qua kênh thị trường mở (OMO) và bán USD, gây sức ép đến dòng tiền thị trường. Đồng thời, khối ngoại bán ròng mạnh tay, kết hợp với rủi ro toàn cầu gia tăng trong các tháng 3, 6 và 10, làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư, dẫn đến những đợt điều chỉnh sâu từ vùng 1.300 điểm, với mức giảm 8 - 10%.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đối mặt với những khó khăn trong việc phục hồi, đặc biệt là nhóm bất động sản. Các vấn đề pháp lý dự án được xử lý chậm chạp, cùng với tiến độ giải ngân đầu tư công không như kỳ vọng, khiến không ít dự án bị đình trệ, kéo theo sự sụt giảm của ngành vật liệu xây dựng và các ngành phụ trợ. Những yếu tố này khiến thị trường chứng khoán năm 2024 không thể bứt phá, mà chỉ duy trì trạng thái tích lũy và chờ đợi động lực mới trong năm 2025.

Năm qua, sự phân hóa trong thị trường chứng khoán được thể hiện rõ nét khi các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành ngân hàng và công nghệ tiếp tục thu hút dòng tiền và ghi nhận hiệu suất tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, cổ phiếu CTG và TCB đạt mức tăng lần lượt 39,5% và 59,5%, mã FPT đạt hiệu suất 82,4%. Điều này phản ánh sự ưu tiên của dòng tiền vào các doanh nghiệp đầu ngành, có nền tảng tài chính vững chắc và triển vọng tăng trưởng rõ ràng. Ngược lại, các ngành như bất động sản và chứng khoán chịu áp lực lớn, không thu hút được dòng vốn. Bất động sản tiếp tục đối mặt với các vướng mắc pháp lý và tiến độ giải ngân đầu tư công chậm, trong khi ngành chứng khoán bị kìm hãm bởi thanh khoản thị trường thấp. Sự thiếu đồng đều trong sự phục hồi giữa các nhóm ngành cho thấy vai trò dẫn dắt của cổ phiếu vốn hóa lớn trong bức tranh thị trường chung, nhưng đồng thời cũng phản ánh thách thức đối với nhóm vốn hóa trung bình và các ngành thiếu dòng tiền hỗ trợ.

Tập trung vào cổ phiếu chất lượng

Năm 2025 được dự báo sẽ là năm bản lề cho sự bứt phá của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhờ vào nhiều động lực quan trọng hỗ trợ. Trước tiên, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, với tăng trưởng GDP kỳ vọng đạt 7 - 7,5%, đóng vai trò then chốt. Chính phủ dự kiến tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, với các dự án trọng điểm như Cao tốc Bắc - Nam và hệ thống giao thông đô thị, tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng, bất động sản. Cùng với đó, chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước, duy trì lãi suất thấp và kiểm soát tốt tỷ giá, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tín dụng tăng trưởng mạnh, kích thích dòng tiền chảy vào thị trường.

Một yếu tố quan trọng khác là khả năng thị trường chứng khoán được nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi FTSE Rusells và MSCI. Sự kiện này không chỉ thu hút dòng vốn quốc tế lớn, mà còn gia tăng thanh khoản và tính minh bạch của thị trường. Ngoài ra, dòng vốn ngoại dự kiến sẽ quay lại mạnh mẽ nhờ sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và triển vọng dài hạn. Các chính sách cải cách pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán, cũng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các nút thắt, tạo môi trường đầu tư minh bạch và thuận lợi hơn.

Với những động lực này, VN-Index có tiềm năng tiến tới ngưỡng 1.500 điểm, phản ánh kỳ vọng tích cực từ nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Trong năm 2025, các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành ngân hàng và bất động sản dự kiến sẽ dẫn dắt thị trường, nhờ tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ. Trong ngành ngân hàng, các mã như VCB và TCB được kỳ vọng đạt tăng trưởng lợi nhuận khoảng 17% nhờ vào việc giảm chi phí tín dụng, duy trì biên lãi ròng ổn định và hệ số định giá P/B vẫn ở mức hấp dẫn. Đặc biệt, tăng trưởng EPS toàn ngành được dự báo đạt khoảng 15%, tạo nền tảng cho các ngân hàng vốn hóa lớn giữ vững vai trò trụ cột trong thị trường.

Tương tự, trong ngành bất động sản, các cổ phiếu lớn như VHM và NVL có lợi thế lớn nhờ doanh thu bán trước tăng mạnh, dự kiến lên tới 40% trong năm 2024, hỗ trợ lợi nhuận toàn ngành năm 2025 tăng trưởng. Đồng thời, các cải cách pháp lý và nhu cầu nhà ở cao (gấp đôi nguồn cung) sẽ là động lực chính giúp các doanh nghiệp lớn bứt phá.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành công nghệ thông tin như FPT sẽ là điểm sáng với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận đạt trên 20%. FPT sẽ hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt khi có mối quan hệ chiến lược với các tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia.

Ngoài ra, các mã thuộc ngành tiêu dùng như VNM và MWG có thể ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 13 - 15%, nhờ sức mua phục hồi mạnh mẽ và nhu cầu tiêu dùng tăng lên.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn này không chỉ đảm bảo sự ổn định, mà còn mang lại cơ hội tăng trưởng vượt trội, tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán trong năm 2025.

Tuy nhiên, diễn biến chung của thị trường có thể giống như nửa cuối năm 2024, tiếp tục phân hóa mạnh. Theo đó, dòng tiền tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành và có nền tảng vững chắc.

Bùi Văn Huy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục