Trung tâm Năng lượng Than (JCOAL) của Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế Ngày than sạch lần thứ 31 theo hình thức trực tuyến vào ngày 5 và 6/9/2022.
Đây là Hội nghị được tổ chức thường niên dưới sự hỗ trợ của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Tổ chức Phát triển Công nghệ và Năng lượng Mới (NEDO) và Cơ quan tài nguyên dầu, khí và kim loại quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) và có sự tham gia của hầu hết tổ chức năng lượng, các tập đoàn liên quan đến than của Nhật Bản cùng nhiều đại diện của các nước sản xuất và sử dụng than trên thế giới.
Do ảnh hưởng của dịch COVID nên năm nay Hội nghị tiếp tục tổ chức trực tuyến với địa chỉ đăng ký https://jcoal-ccd2022.com/en/
Chủ đề năm nay là “Con đường hướng tới trung hòa carbon” với nhiều bài tham luận của các tổ chức và các tập đoàn năng lượng liên quan đến thị trường than hiện nay, xu hướng về công nghệ sử dụng than, phát triển công nghệ chuyển dịch năng lượng nhằm hướng tới trung hòa Carbon.
Hội nghị cũng sẽ cập nhất các thông tin liên quan đến vấn đề năng lượng than của thế giới và Nhật Bản trong tình hình mới hiện nay.
Trong một khía cạnh khác, Báo cáo cập nhật thị trường Than của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) vừa được công bố trong tháng 7/2022 cho hay, tiêu thụ than trên toàn thế giới tăng trở lại khoảng 6% vào năm 2021 khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh chóng sau cú sốc ban đầu của đại dịch Covid.
Cụ thể, tiêu thụ than trên toàn thế giới năm 2021 đã đạt 7,947 tỷ tấn và đã tăng trên mức của năm 2019.
Sử dụng than cho sản xuất điện tăng 7% so với năm trước, đạt 5,350 tỷ tấn. Sản lượng công nghiệp tăng đã nâng mức tiêu thụ than trong các lĩnh vực phi điện khoảng 3% và đạt 2,597 tỷ tấn.
Trung Quốc, nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới đã dùng 4,23 tỷ tấn, tăng 4,6%, (tương đương 185 triệu tấn) so với năm 2020. Trong nửa cuối năm 2021, Trung Quốc gặp tình trạng thiếu điện và than, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, và lĩnh vực bất động sản lao dốc. Do đó, nhu cầu điện tăng trưởng chậm lại và sản lượng sụt giảm trong các ngành sử dụng nhiều than như thép và xi măng. Trong cả năm, sử dụng than trong sản xuất điện tăng 8%, trong khi tiêu thụ trong các lĩnh vực khác giảm 0,8%.
Quốc gia tiêu thụ than lớn thứ 2 là Ấn Độ với 1,053 tỷ tấn than vào năm 2021. Tới 3/4 nhu cầu than của Ấn Độ là để phát điện. So với năm 2020, tiêu thụ than của Ấn Độ tăng 12% (khoảng 117 triệu tấn)
Mức tiêu thụ than tăng đáng kể khác được ghi nhận ở Hoa Kỳ (+ 15%) và Liên minh Châu Âu (+ 14%), chủ yếu là do chuyển đổi khí đốt sang than trong sản xuất điện khi giá khí đốt tăng trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, tiêu thụ than của cả Hoa Kỳ và EU trong năm 2021 đều dưới mức của năm 2019.
Theo IEA, trong nửa đầu năm 2022, tiêu thụ than toàn cầu ít thay đổi so với nửa đầu năm 2021. Còn cả năm 2022, nhu cầu than toàn cầu sẽ tăng 0,7% so với năm 2021 và đạt mức khoảng 8 tỷ tấn than. Mức này thấp hơn một chút so với dự báo 8,022 tỷ tấn mà IEA dự bảo vào tháng 12/2021 do kinh tế của nhiều quốc gia tăng trưởng yếu hơn.
Trong báo cáo của IEA có cho hay, tiêu thụ than của Liên minh châu Âu (EU) ước tính đã tăng 10% trong 6 tháng đầu năm 2022, do nhu cầu than cho điện tăng 16%.
Với thực tế mùa đông đang tới gần, tiêu thụ than cũng được dự đoán là sẽ tăng trong nửa cuối năm, do nhu cầu tiết kiệm khí đốt cho mùa đông trong bối cảnh dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu không chắc chắn.
Một số quốc gia trong EU (Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Cộng hòa Séc, Hungary và Áo) đang kéo dài tuổi thọ của các nhà máy than dự kiến đóng cửa, mở lại các nhà máy đã đóng cửa hoặc nâng giới hạn thời gian làm việc của các nhà máy than để giảm tiêu thụ khí đốt. Điều này sẽ làm tăng sản lượng nhiệt điện than vào nửa cuối năm 2022 và dẫn đến nhu cầu nhiệt điện than tăng khoảng 33 triệu tấn trong cả năm.
Đức được cho là nước sẽ chiếm mức tiêu thụ bổ sung lớn nhất. Vào tháng 7/2022, Chính phủ Đức đã tạo ra một “nguồn dự trữ thay thế khí đốt” với tổng công suất là 10,6 GW từ than, trong đó có các nhà máy được lên kế hoạch ngừng hoạt động vào năm 2022 và 2023 trước đó.
“Mức tiêu thụ than của EU sẽ tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 476 triệu tấn vào năm 2022”, IEA nhận định.