Theo đó, về phát triển Chính phủ số, TP.Hải Phòng đặt mục tiêu đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; 60% hồ sơ công việc tại các cơ quan thành phố, 50% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 70% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; cơ quan nhà nước thành phố có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
Về phát triển Kinh tế số, phấn đấu Kinh tế số chiếm 10% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 9%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 15%.
Về phát triển Xã hội số, phấn đấu hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 80% hộ gia đình; triển khai dịch vụ 5G tại khu đô thị trung tâm, khu công nghiệp. Phấn đấu phổ cập điện thoại di động thông minh, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 30%, cung cấp danh tính số trên nền tảng di động cho tối thiểu 20% người dân sống và làm việc trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Với 11 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, tại Kế hoạch này, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đã yêu cầu các Sở, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên tuyền về chuyển đổi số, ứng dụng số và kỹ năng số cho người dân trên các nền tảng truyền thông của thành phố; rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông, doanh nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, xây dựng các giải pháp chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn thành phố...
UBND các quận, huyện xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn. Phát triển hạ tầng mạng di động 5G; nâng cấp mạng di động 4G tại các khu dân cư trên địa bàn; ưu tiên triển khai tại các khu công nghiệp, cơ quan Nhà nước, trường học, bệnh viện, bảo đảm sự kết nối, liên thông trong toàn thành phố. Triển khai các giải pháp để phổ cập điện thoại di động thông minh trên địa bàn. Triển khai nền tảng số hóa đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương để phục vụ lưu trữ, quản lý, sử dụng khai thác hiệu quả trên môi trường số làm cơ sở thiết lập kho dữ liệu dùng chung kết nối với kho dữ liệu dùng chung của thành phố, trong đó cho phép doanh nghiệp, người dân tham gia số hóa dữ liệu.
Để phát triển Chính quyền số, UBND Thành phố sẽ tập trung phát triển, nâng cấp hạ tầng mạng LAN, WAN, mạng internet của các cơ quan, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, bảo đảm vận hành ổn định, hiệu quả, có tính dự phòng và sẵn sàng cao không bị gián đoạn kết nối. Chuyển đổi Ipv6 trong cơ quan Nhà nước thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2021 – 2025, tập trung chuyển đổi mạng lõi của Trung tâm tích hợp dữ liệu thành phố và hệ thống Chính quyền điện tử. Nâng cấp thiết bị công nghệ thông tin, cơ sở vật chất tại các cơ quan, đơn vị từ cấp thành phố đến cấp xã và đảm bảo các trang thiết bị đầu cuối (máy tính, máy in...) đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Duy trì, nâng cấp hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến trên cơ sở bảo đảm cho phép sử dụng trên môi trường web, có khả năng kết nối với hệ thống họp không giấy tờ.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ thông minh, tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp: Xây dựng kho lưu trữ dữ liệu điện tử về tổ chức, cá nhân và cơ quan Nhà nước; hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính (nâng cấp đường truyền, bổ sung các thiết bị công nghệ thông tin, ngoại vi, thiết bị quét mã vạch tích hợp với hệ thống phần mềm một cửa điện tử.
Số hoá và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan Đảng, mặt trận tổ quốc, tổ chức đoàn thể và các cấp chính quyền; số hóa kết quả thủ tục hành chính còn hiệu lực; số hóa toàn bộ các văn bản chỉ đạo điều hành, quản lý, lưu trữ, hồ sơ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức, đoàn thể từ năm 2010 đến nay. Xây dựng và vận hành thử nghiệm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) thành phố Hải Phòng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố.
Kế hoạch của UBND Thành phố cũng định hướng chuyển đổi số một số ngành kinh tế chính của thành phố. Trong đó khuyến khích các doanh nghiệp số hỗ trợ, thúc đẩy sử dụng ứng dụng công nghệ số trong ngành điện; thu hút đầu tư các dự án năng lượng sử dụng công nghệ 4.0, công nghệ sạch, công nghệ cao tập trung vào công nghiệp điện khí; hỗ trợ và thúc đẩy các cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất và các kỹ thuật canh tác nông nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin quản lý về cảng biển, hậu cần cảng biển, kinh tế biển và dịch vụ logistic... Phát triển xã hội số, thông qua chuyển đổi số trong y tế, chăm sóc sức khỏe, phát triển mô hình bệnh viện thông minh, triển khai bệnh án điện tử, sổ theo dõi sức khỏe điện tử; Xây dựng ứng dụng du lịch thông minh cho du khách đến thành phố Hải Phòng...