Tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Hoạt động ngân hàng bán lẻ: Bình thường mới - Thích ứng nhanh gọn, hiệu quả, tận dụng lợi thế số”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, từ những bước đi ban đầu cách đây 10 năm, cùng với xu thế hội nhập và phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đến nay phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ đã trở thành xu hướng chuyển dịch tất yếu và là chiến lược phát triển trọng tâm của các ngân hàng.
Đặc biệt, trong năm 2021, theo ông Hùng, đại dịch COVID-19 tái bùng phát trong thời gian dài đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Việc một số địa phương trong đó có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các TCTD, song đây cũng là cơ hội thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số để thích ứng với tình hình.
“Bên cạnh việc tích cực thực hiện các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch, các ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số”, ông Hùng nói.
Trong diễn biến có liên quan, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, xu hướng số hoá đã diễn ra từ trước đại dịch COVID-19, tuy nhiên đại dịch là chất xúc tác thúc đẩy chuyển đổi số và ngân hàng bán lẻ. Hành vi tiêu dùng, nhu cầu khách hàng thay đổi mạnh mẽ, yêu cầu và kỳ vọng cao hơn (an toàn, bảo mật, thanh toán tức thời, trao quyền người dùng, cá nhân hóa trải nghiệm, phí hợp lý).
Minh chứng bằng các con số, ông Dũng dẫn số liệu năm 2021 so với năm 2020, thanh toán internet tăng 48,76% về số lượng và 32,59% về giá trị và thanh toán qua mobile tăng 75,97% về số lượng và 87,5% về giá trị. Riêng tốc độ tăng trưởng về giao dịch qua ví điện tử bình quân, giai đoạn từ 2017 - 2021 tăng tới 80,43% về số lượng và 71,86% về giá trị.
Ông Hùng cho biết thêm thống kê cho thấy, năm 2021 tín dụng ngân hàng đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng cho vay bán lẻ của nhóm ngân hàng quy mô vừa và lớn chiếm 40 - 50%, đặc biệt có ngân hàng lên đến gần 90%. Cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với 2020… Có thể nói, sự tăng trưởng của ngành ngân hàng trong năm 2021 có đóng góp tích cực của dịch vụ bán lẻ.
“Đây cũng là chìa khóa để ngành ngân hàng thực hiện được sứ mệnh giữ cho huyết mạch của nền kinh tế thông suốt trong mọi thời điểm, kể cả thời kỳ cao điểm của đại dịch. Kết quả trên còn đến từ sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các ngân hàng, công ty tài chính, công ty fintech với phạm vi rộng hơn, góp phần xây dựng nên hệ sinh thái số, qua đó giúp các bên tận dụng được thế mạnh của nhau, đồng thời giúp rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí trong quá trình chuyển đổi số của các TCTD”, ông Hùng nói.
Toàn cảnh Diễn đàn |
Thực tế đã cho thấy, để thúc đẩy ngân hàng bán lẻ, hoạt động chính yếu của các tổ chức tín dụng hơn nữa, chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt là nhân tố quan trọng. Do đó, ông Dũng cho rằng trước mắt cần 5 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sửa đổi, bổ sung một số Luật, Nghị định liên quan tới hoạt động ngân hàng và xây dựng, ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Thứ hai, phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số hóa, đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên Mobile như QR Code, mã hóa thông tin thẻ Tokenization, mobile payment, contactless, ví điện tử... Đồng thời khuyến khích hợp tác giữa ngân hàng với fintech.
Thứ ba, phát triển hạ tầng, nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (ACH), tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số.
Thứ tư, tăng cường an ninh, an toàn bảo mật, xây dựng công cụ, nâng cao hiệu quả giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ, rủi ro phát sinh. Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật và tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ năm, cần chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai các chương trình giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức về thanh toán không dùng tiền mặt
Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Hoạt động ngân hàng bán lẻ: Bình thường mới - Thích ứng nhanh gọn, hiệu quả, tận dụng lợi thế số” do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức ngày 25/3 tại Tp. Hồ Chí Minh bao gồm 1 phiên Báo cáo chính và 2 phiên Chuyên đề diễn ra song song.
Phiên Báo cáo chính diễn ra trong buổi sáng bàn về hành lang pháp lý, mô hình và giải pháp phát triển ngân hàng bán lẻ giai đoạn “bình thường mới”.
Buổi chiều - Phiên Chuyên đề thứ nhất tập trung giới thiệu các loại hình sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới, sáng tạo, hiệu quả. Phiên Chuyên đề thứ hai, giới thiệu các giải pháp công nghệ giúp tinh giảm các quy trình nội bộ, mở rộng kết nối, kiến tạo các sản phẩm ngân hàng số. Diễn đàn có sự tham dự và chia sẻ kinh nghiệm của nhiều CEO, lãnh đạo, chuyên gia tài chính, ngân hàng công nghệ, Fintech trong nước và quốc tế.
Song song với chương trình Hội thảo là chương trình Triển lãm Ngân hàng Bán lẻ với nội dung cập nhật các thành tựu công nghệ tiên tiến nhất phục vụ phát triển ngân hàng số như bảo mật, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và các giải pháp giúp phân tích nhu cầu khách hàng, gia tăng trải nghiệm khách hàng…