Hải Dương thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
Phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hải Dương về những kết quả nổi bật và định hướng trọng tâm chuyển đổi số của tỉnh.
Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương

Thưa ông, những kết quả nổi bật trong hoạt động chuyển đổi số của Hải Dương thời gian qua là gì?

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định cơ cấu nền kinh tế theo hướng “tăng trưởng xanh, chuyển đổi số”, coi thúc đẩy chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, là công cụ cốt lõi góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Hải Dương.

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số, Hải Dương là một trong những tỉnh đầu tiên trên toàn quốc ban hành Nghị quyết về Chuyển đổi số. Ngày 26/3/2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Ngày 25/6/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 2358/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cũng xây dựng và bước đầu triển khai kế hoạch thực hiện của ngành, địa phương mình.

Năm 2021 là năm đầu tiên tỉnh Hải Dương tập trung triển khai Nghị quyết về chuyển đổi số. Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, việc phát triển các dịch vụ chuyển đổi số đã góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền. Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đưa chính quyền tới gần người dân - doanh nghiệp và ngược lại. Kết quả xếp hạng năm 2021 về chuyển đổi số tỉnh Hải Dương đứng thứ 14 trong toàn quốc, trong đó, xếp hạng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thứ hạng của tỉnh so với cả nước lần lượt là 22, 9 và 13.

Năm 2022, Hải Dương xác định là năm của một giai đoạn mới đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ chuyển đổi số của tỉnh. Đây sẽ là một sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện, mà đầu tiên là sự chuyển đổi về phương thức, quy trình vận hành, về cách làm việc trong mọi lĩnh vực. Trước mắt là chuyển đổi số từ tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Thông tin và Truyền thông.

Theo lộ trình, việc chuyển đổi số sẽ tập trung ưu tiên vào lĩnh vực nào?

Năm 2022, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số; đưa nông sản lên sàn thương mại; biến mỗi hộ sản xuất nông sản là một cửa hàng số (đến cuối tháng 12/2021, tỉnh Hải Dương có 97.827 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, 95.563 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, 289 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn). Cùng với đó là triển khai chuyển đổi số trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, du lịch, giao thông vận tải và logistic, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp, quốc phòng, an ninh. Đây cũng là năm toàn ngành Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện các chiến lược mới như: hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chuyển đổi số báo chí.

Cũng trong chuỗi sự kiện Ngày Chuyển đổi số diễn ra vào ngày mai (26/3), Trung tâm Điều hành thông minh IOC của tỉnh với 20 hợp phần kết nối cơ sở dữ liệu các ngành; ứng dụng phục vụ người dân Smart Hải Dương; ứng dụng định danh Hải Dương ID là nền tảng của xã hội số sẽ được ra mắt. Trong đó, tập trung triển khai hệ thống báo cáo thời gian thực; triển khai hệ thống phản ánh hiện trường trên mọi lĩnh vực; nghiên cứu triển khai Trung tâm đổi mới sáng tạo miền Bắc...

Hải Dương sẽ đưa Trung tâm dữ liệu và Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng vào hoạt động làm nền tảng cho chuyển đổi số; hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; triển khai Kho dữ liệu dùng chung, phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của tỉnh và thực hiện số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của Chính quyền... Triển khai đồng bộ chuyển đổi số hệ thống Đài truyền thanh cấp xã từ hệ thống có dây sang Đài truyền thanh thông minh cho ít nhất 2 huyện. Cung cấp Dịch vụ Đô thị thông minh: Internet không dây (wifi) công cộng, bệnh viện; hệ thống chiếu sáng thông minh; camera, ngầm hoá hạ tầng kỹ thuật...

Hải Dương phấn đấu năm 2022, kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm trên địa bàn. Là cơ quan thường trực trong hoạt động chuyển đổi số, ông có thể cho biết những nhiệm vụ trọng tâm là gì?

Đó là, tiếp tục triển khai các dự án thành phần thuộc Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp và nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, từng bước hoàn thiện hạ tầng số cho xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh, phát triển kinh tế số và xã hội số. Dùng chuyển đổi số làm đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển, cụ thể:

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp xây dựng Chính quyền số bao gồm: đưa vào hoạt động của các Trung tâm DC, IOC, SOC làm nền tảng cho chuyển đổi số; hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; triển khai Kho dữ liệu dùng chung, phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của tỉnh và thực hiện số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của Chính quyền; Triển khai Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Hải Dương, Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số để các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện Chuyển đổi số hàng năm của cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Hải Dương.

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển Kinh tế số bao gồm: phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; Triển khai nền tảng chuyển đổi số hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và của tỉnh; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ doanh nghiệp giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp...

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển xã hội số: tập trung ưu tiên lựa chọn chuyển đổi số ở một số ngành, lĩnh vực cung cấp các tiện ích và trải nghiệm mới cho người dân và doanh nghiệp và xã hội như y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, tài nguyên và môi trường, du lịch... sau đó sẽ triển khai các lĩnh vực khác khi có điều kiện.

Người nông dân thay đổi nhận thức nhờ chuyển đổi số

- Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà

Trước đây, người nông dân rất ngại việc chuyển đổi công nghệ số đối với nông sản vì thương lái vẫn đến mua, nhưng do Covid-19 kéo dài, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn và nông dân bị thương lái ép giá, vì vậy họ đã thay đổi tư duy. Họ ngày càng chủ động trong sản xuất - tiêu thụ. Hơn nữa, ngày càng nhiều các hộ gia đình, hợp tác xã tham gia sản xuất nông sản theo chương trình OCOP, VietGap, GlobalGap... giúp nâng tầm thương hiệu và giảm giá thành.

Hầu hết nông sản được thu mua tại ruộng và hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Điển hình nhất là quả vải thiều Thanh Hà, nhiều năm gần đây đã xuất khẩu nên được nâng tầm giá trị. Với sự tham gia của các sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Sendo.vn, Voso.vn, Lazada.vn, bà con nông dân huyện Thanh Hà đã đưa vải thiều đặc sản Thanh Hà đến các tỉnh, thành phố trên cả nước và vươn ra được các thị trường kỹ tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia...

Việc đưa nông sản nói chung và vải thiều nói riêng lên sàn thương mại điện tử sẽ tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm đặc sản của các địa phương. Đồng thời, góp phần kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hậu cần kho bãi để phục vụ kinh doanh thương mại điện tử, qua đó khai thác tối đa tiềm năng phát triển nông nghiệp và nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp Hải Dương.

Tiêu thụ nông sản Hải Dương trên sàn thương mại điện tử rất khả quan

- Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Sendo

Hải Dương là một trong các tỉnh đầu tiên mà sàn thương mại điện tử Sendo có dịp đồng hành trong năm 2021 và kết quả thực tế rất khả quan. Dù là một trong các chiến dịch thử nghiệm đầu tiên, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, nhờ chất lượng sản phẩm cao, cộng với mô hình dịch vụ phù hợp, chúng tôi đã hỗ trợ các hợp tác xã Hải Dương tiêu thụ được hơn 50 tấn vải và 100 tấn rau cải xanh thông qua một kênh tiêu thụ là sàn thương mại điện tử.

Kết quả này, cùng với các bài học rút ra đã giúp chúng tôi mạnh dạn triển khai tiếp các hoạt động kinh doanh nông sản sạch, đồng thời tập trung hoàn thiện mô hình đi chợ kiểu mới Sendo Farm từ năm 2021 kéo dài đến nay.

Để phục vụ được cho dự án, Sendo cùng bà con nông dân và các cơ quan ban ngành địa phương đã làm việc rất chặt chẽ với nhau để xây dựng từ đầu nên một quy trình đóng gói, vận chuyển mà sau đó đã được tiếp tục áp dụng ở các tỉnh thành khác. Do đó, Sendo cũng tự tin năm nay chúng tôi sẽ đạt kết quả còn tốt hơn, vì chúng tôi đã có một lượng khách hàng đáng kể trung thành với nông sản sạch Sendo Farm và tin tưởng vào chất lượng nông sản sạch trên sàn Sendo.

Thương mại điện tử giúp chấm dứt hiện tượng “được mùa, rớt giá”

- Ông Ngô Bá Hương, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Hồng

Covid-19 đã thực sự làm thay đổi tư duy của chúng tôi. Từ những người quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chúng tôi đã bắt đầu chủ động tìm đến công nghệ, tìm đến mạng xã hội. Câu chuyện về vải thiểu Thanh Hà là một thí dụ minh chứng cho sự chuyển mình của nông sản Việt trong đại dịch. Trong suốt thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tuy đã thực hiện cấp “thẻ xanh” cho xe chở nông sản, thế nhưng, thương lái không thể đến vườn mua trực tiếp, các đầu mối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, bưởi Thanh Hồng đều giảm mạnh.

Nhờ bắt nhịp với xu hướng công nghệ 4.0, ứng dụng trồng vải Thanh Hà, trồng bưởi Thanh Hồng theo quy trình VietGap, GlobalGap, mà người dân đã có một vụ mùa 2021 bội thu. Không những không còn cảnh được mùa rớt giá như một số năm trước đây, thủ phủ vải thiều Thanh Hà năm 2021 đã được thu mua với giá khá cao và có thêm đơn hàng xuất khẩu bất chấp ảnh hưởng của Covid-19.

Thanh Sơn thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục