Năm 2018, có thể kiểm soát lạm phát dưới 4%

Thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch năm 2019, PGS-TS. Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tin rằng, năm 2018, Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát dưới 4%.
PGS-TS. Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. PGS-TS. Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) 9 tháng đầu năm nay tăng 3,57% so với cùng kỳ 2017. Vậy chúng ta đã có thể coi là Chính phủ kiểm soát lạm phát thành công chưa, thưa ông?

CPI bình quân 9 tháng đầu năm nay tăng 3,57%, thấp hơn mức tăng 3,79% cùng kỳ năm 2017. Trong bối cảnh giá cả của một số mặt hàng thiết yếu ở thị trường trong nước (đặc biệt là giá thịt lợn) và thế giới (giá dầu thô, xăng dầu thành phẩm, LPG) tăng mạnh, có thể nói, việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ khá thành công.

Đặc biệt là trong tháng 9 vừa qua, mặc dù là tháng cao điểm do vào mùa khai giảng năm học mới, giá học phí, dịch vụ giáo dục tăng, nhưng CPI chỉ tăng 0,59% so với tháng trước, thấp hơn dự báo, là thành công lớn trong điều hành. 

Từ thành công này và trên thực tế, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước đã có kinh nghiệm kiểm soát lạm phát, nên tôi tin rằng, năm nay CPI tăng dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đặt ra.  

Những tháng cuối năm, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng tăng cao hơn các tháng đầu năm, vì thế thông thường CPI sẽ tăng mạnh, thưa ông?

Nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng của cư dân vào 3 tháng cuối năm bao giờ cũng cao hơn những tháng đầu năm, luôn là thách thức trong việc kiểm soát lạm phát. Năm nay, việc kiểm soát lạm phát còn chịu tác động rất lớn từ bên ngoài. 

Cụ thể, bên cạnh giá dầu thô và xăng dầu diễn biến ngày càng khó lường, thì lạm phát còn chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản USD, các ngân hàng trung ương lớn như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ)… phát đi tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tác động lên tỷ giá giữa VND với các loại ngoại tệ mạnh, tác động lên lãi suất cả huy động lẫn cho vay của hệ thống ngân hàng, lãi suất huy động trái phiếu chính phủ… 

Nhằm kiểm soát lạm phát dưới 4%, trong 3 tháng còn lại của năm 2018, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá, điều hành lạm phát cơ bản trong khoảng 1,5 - 1,6%.

Liên bộ Công thương - Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, nhất là vào mùa rét, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu một cách phù hợp. Trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến và tỷ giá tăng cao, có thể sử dụng Quỹ Bình ổn giá và ngừng trích lập quỹ để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI nói chung. 

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh điều hòa cung - cầu mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là đối với sản phẩm thịt lợn; phối hợp với Bộ Công thương có giải pháp bình ổn giá thực phẩm, khắc phục tình trạng mất cân đối cục bộ, “găm” hàng chờ giá tăng.

Đó là những giải pháp từ nay đến cuối năm, còn về lâu dài, trước hết là năm 2019, Quốc hội dự kiến vẫn đặt mục tiêu kiểm soát CPI bình quân dưới 4%. Muốn vậy, theo ông phải có những giải pháp nào?

Kiểm soát lạm phát của Việt Nam khó hơn nhiều nước vì lạm phát không chỉ chịu tác động bởi thiên tai, hạn hán, bão lũ, thị trường thế giới, mà còn chịu áp lực bởi nhiều loại phí trước đây Nhà nước cung cấp với giá thấp, trong đó có những loại phí thiết yếu, tác động đến hầu hết người dân như viện phí, học phí, giờ chuyển thành giá dịch vụ cùng với lộ trình xã hội hoá. Khi phí chuyển thành giá thì phải tính theo giá thị trường, tất nhiên chưa thể tính theo giá thị trường ngay, mà phải có lộ trình tăng dần từng bước. 

Thời điểm tăng các loại giá dịch vụ rất quan trọng. Cơ quan quản lý nhà nước phải tính toán xem tăng bao nhiêu, ở thời điểm nào thì tăng loại giá dịch vụ nào, tránh tình trạng các loại giá dịch vụ cùng tăng trong một thời gian ngắn, vào những thời điểm nhạy cảm như dịp lễ, tết, khai giảng năm học mới thì đừng tăng học phí, viện phí.

Việc tăng giá điện, nước và các loại hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá cũng nên tránh điều chỉnh ở những thời điểm nhạy cảm.

Để kiểm soát lạm phát năm 2019 và các năm tiếp theo, theo tôi, cần tránh tăng giá dịch vụ vào những thời điểm nhạy cảm và tránh tăng giá dịch vụ đồng loạt trong thời gian ngắn. 

Kể từ ngày 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường sẽ tăng kịch khung, trong đó có thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, ông có cho rằng việc này sẽ tác động rất lớn đến việc kiểm soát lạm phát 4% trong năm 2019?

Theo lý thuyết kinh tế, ở các nền kinh tế đang phát triển, CPI tăng một điểm phần trăm, GDP tăng 1,2 - 1,5% là hợp lý. GDP năm nay tăng 6,7 - 6,9%, nên giả sử CPI tăng trong khoảng 4,2 - 4,5% cũng là chấp nhận được.

Tương tự, mục tiêu năm 2019, GDP tăng 6,7%, nên nếu CPI tăng 4,2%, thậm chí 4,5% cũng trong khả năng cho phép, vì như vậy sẽ kích cầu ở tất cả các lĩnh vực, cả sản xuất lẫn tiêu dùng. 

Tất nhiên, tốt nhất vẫn là kiểm soát lạm phát mục tiêu. Mục tiêu ở đây là CPI bình quân tối đa tăng 4% vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở thuộc loại lớn nhất thế giới (tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu gấp 2 lần quy mô GDP) nên chịu tác động rất lớn từ sự biến động của thị trường thế giới, chỉ cần lơ là, ngay lập tức lạm phát sẽ tăng mạnh trở lại.

Vì vậy, để giảm thiểu tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, cần sớm nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng sinh học E5, phấn đấu tăng tỷ trọng sử dụng nhiên liệu sinh học so với tổng lượng cung xăng dầu ra thị trường, đáp ứng hai mục tiêu bảo vệ môi trường và giảm mặt bằng giá xăng dầu.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục