Tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá diễn ra vào cuối tháng 9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong 3 tháng cuối năm, sẽ không tăng giá điện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, ngành điện đang chịu nhiều căng thẳng về chi phí đầu vào. Cụ thể, năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đã phát sinh khoản chênh lệch chi phí đầu vào với tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện là 3.071 tỷ đồng, chi phí tài nguyên nước 102 tỷ đồng/năm (từ năm 2017), chênh lệch giá khí 1.000 tỷ đồng. Tựu chung, chi phí tăng thêm của EVN tới hết năm 2018 là 5.300 tỷ đồng.
Như vậy, Tổng chi phí tăng thêm của EVN trong năm 2019 bao gồm các chi phí của năm 2018, năm 2019 nêu trên là khoảng 20.735 tỷ đồng.
Việc này sẽ dẫn đến có thể phải xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ trong năm 2019 theo quy định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg (đây là những thông số đầu vào cơ bản được xem xét để điều chỉnh giá bán lẻ điện).
Về vấn đề này, ông Hải cho biết, “Bộ Công thương sẽ phối hợp với các đơn vị kiểm tra giá thành sản xuất điện năm 2017 của EVN có qua kiểm toán và sẽ báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá”.
Bên cạnh giá điện, giá xăng dầu cũng được đặt lên bàn cân khi đang theo chiều hướng đi lên. Thực tế, thời gian qua, việc “xả” Quỹ Bình ổn xăng dầu với liều lượng phù hợp theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ đã giúp giá xăng E5RON92 chỉ tăng 10,9% và xăng RON95 tăng 6,2% so với đầu năm, trong khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tăng trên 22%.
“Việc sử dụng Quỹ Bình ổn không chỉ giúp giảm CPI, mà còn hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân”, ông Hải nói và cho biết thêm, tới ngày 31/8, các doanh nghiệp đã trích Quỹ 5.500 tỷ đồng để điều hành giá xăng và số dư đang là 3.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ nay tới hết năm, theo quy luật, giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới thường tăng do sử dụng nhiều nguyên liệu hơn vào mùa đông.
Trong bối cảnh này, Bộ Công thương cho rằng, cần phải “gia cố” Quỹ Bình ổn xăng dầu trên cơ sở điều hành trích lập, “xả” Quỹ phù hợp với thực tiễn, bảo đảm không tăng giá vào dịp Tết.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc kỹ về thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Mức thuế này sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít đối với xăng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, trùng vào thời điểm Tết Nguyên đán, khiến giá xăng dầu đi lên, tác động tới điều hành CPI.
Bởi vậy, ông Đỗ Thắng Hải kiến nghị, cần thực hiện tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vào thời điểm khác thích hợp hơn.
Trong khi đó, đại diện Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, thuế môi trường dành cho xăng E5 tăng tới kịch trần nhưng chỉ ở mức 3.850 đồng/lít (không ở mức 4.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường/lít như các loại xăng khác).
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang thực hiện hướng dẫn việc hoàn lại 2% thuế tiêu thụ đặc biệt của xăng E5RON92 (dự kiến khoảng 700 tỷ đồng) cho các doanh nghiệp nhập khẩu, khuyến khích việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ loại xăng sinh học này.
Nhìn xa hơn, với chỉ tiêu lạm phát năm 2019 được dự kiến là 4%, Thứ trưởng Bộ Công Thương dự báo, việc tăng giá các loại hàng hoá ngay từ đầu năm 2019 và căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang sẽ gây khó khăn trong việc đảm bảo chỉ tiêu này.
Nhìn nhận về câu chuyện chỉ số giá cuối năm nay, giới chuyên gia tỏ ra thận trọng bởi trên thị trường, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu khác vẫn ở mức cao. Đơn cử, theo thống kê của Agromonitor, giá thịt lợn hiện dao động ở khoảng trên 52.000 đồng/kg và không thấy có dấu hiệu giảm từ nay đến cuối năm.
Giá lương thực cũng được nhận định có khả năng tăng nhẹ do chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp đang tăng mạnh. Chẳng hạn, giá phân bón đi lên do tỷ giá ngoại tệ tăng và nhu cầu gia tăng trên thế giới, trong khi nguyên liệu sản xuất khan hiếm hơn.
Cụ thể, phân đạm đã tăng giá ít nhất 500 đồng/kg kể từ đầu tháng 9 lên xấp xỉ 8.000 đồng/kg. Giá phân đạm nhập cảng đã nhảy lên trên 300 USD/tấn, cao hơn 80 USD/tấn so với hồi đầu năm.