Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố chính thức dỡ bỏ lệnh trừng phạt (bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính) đối với Myanmar, chỉ một tháng sau cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tại Nhà Trắng. Điều đó giúp khoảng 100 công ty và các giới chức doanh nghiệp Myanmar vốn nằm trong “danh sách đen” của Mỹ được “giải phóng” khỏi những han chế trong hoạt động kinh doanh với các tập đoàn Mỹ.
Zaw Zaw, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Max Myanmar Holding - một trong những doanh nhân từng bị đưa vào danh sách hạn chế - nhấn mạnh, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt thực sự đã trở thành hiện thực mà bấy lâu nay ông trông đợi. Tập đoàn Max Myanmar bắt đầu hoạt động năm 1993, ban đầu với việc nhập khẩu xe đã qua sử dụng từ thị trường Nhật Bản. Hãng đạt doanh số bán trên 200 triệu USD trong tài khóa kết thúc cuối tháng 3/2015.
Sự phát triển nhanh chóng của Max Myanmar đã đặt Zaw Zaw vào tầm ngắm của “danh sách hạn chế” hồi năm 2009, với những nghi ngờ ông có liên quan tới chính quyền quân sự. Hoạt động kinh doanh của Max Myanmar và các công ty Mỹ sau đó bị cấm, thậm chí cả các công ty ngoài nước Mỹ cũng “chùn chân” khi không dám hợp tác với Max Myanmar do lo ngại ảnh hưởng tới hình ảnh và danh tiếng.
“Một khi các lệnh trừng phạt đã trở thành câu chuyện của ngày hôm qua, Max Myanmar sẽ có đủ điều kiện cần và đủ để hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư nước ngoài, mở rộng hoạt động kinh doanh và tăng trưởng trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng và thị trường vốn”, Chủ tịch Zaw Zaw cho biết.
Ở chiều ngược lại, các công ty Mỹ từng mong muốn đẩy mạnh kinh doanh tại Myanmar cũng có thêm lý do để xóa bỏ hoàn toàn các lo ngại trừng phạt. Một ví dụ điển hình là tập đoàn điện lực khổng lồ General Electric (GE), khi hãng này đã đặt chân trở lại thị trường Myanmar hồi năm 2012, đánh dấu sự hiện diện đáng chú ý của các doanh nghiệp Mỹ.
GE sau đó tập trung vào lĩnh vực năng lượng, giành được một số hợp đồng sản xuất tua-bin cho dự án nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt tự nhiên lớn nhất của Myanmar tại thành phố miền Bắc Mandalay. Công ty hiện cũng đặt mục tiêu mở rộng hoạt động tại Myanmar trong lĩnh vực chăm sóc y tế và hoạt động hàng không.
Các doanh nghiệp Mỹ khác cũng thể hiện sự quan tâm rất lớn tới quốc gia Đông Nam Á này. Microsoft đã thành lập văn phòng hoạt động đầu tiên của mình tại Myanmar cuối tháng 9 vừa qua. Ngân hàng Citibank và Tập đoàn bảo hiểm American International Group (AIG) cũng đang cân nhắc các kế hoạch nghiêm túc để đặt chân tại thị trường giàu tiềm năng này. Bản thân các công ty Mỹ cũng ngày càng ý thức hơn về tầm quan trọng của Myanmar.
Một điểm đáng chú ý khác là hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, Myanmar đã thu hút được 9,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong tài khóa 2015 (kết thúc vào ngày 31/3/2016).
Giới phân tích nhận định, trong thời gian tới, Myanmar sẽ ngày càng trở thành một quốc gia theo xu hướng “mở cửa” nhiều hơn. Là một thị trường lớn, nhưng hầu hết chưa được khai thác, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, mang đến những cơ hội kinh doanh lớn mà từ lâu đã không còn tìm thấy ở những thị trường phát triển hơn trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Với tư cách là thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Myanmar đang có nhiều thuận lợi trong các hoạt động ngoại giao thương mại và thu hút đầu tư, giúp nước này nắm bắt những cơ hội quan trọng của khu vực và quốc tế để củng cố cải cách trong nước.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán rằng, kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng khoảng 8% trong tài khóa 2016 nhờ cải cách nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả.
Những tín hiệu lạc quan nói trên một lần nữa khẳng định các cơ hội không thể bỏ lỡ mà giới đầu tư toàn cầu đang “đổ xô” tới quốc gia này.