Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 - 15% trong năm 2015: Dễ không?

Cầu tín dụng năm 2015 được dự báo tăng trưởng khả quan, bởi nền kinh tế đang hồi phục và cải thiện rõ nét hơn.

Cầu tín dụng năm 2015 được dự báo tăng trưởng khả quan, bởi nền kinh tế đang hồi phục và cải thiện rõ nét hơn Cầu tín dụng năm 2015 được dự báo tăng trưởng khả quan, bởi nền kinh tế đang hồi phục và cải thiện rõ nét hơn

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra cho năm nay là 13 - 15%, theo nhận định chung, diễn biến tích cực của hoạt động tín dụng năm 2014 là tiền đề tốt để các ngân hàng thương mại đạt mục tiêu này.

Ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc VietA Bank cho hay, dư nợ tín dụng của khối khách hàng doanh nghiệp (DN) của Ngân hàng tăng 20% trong 2 tháng qua. Vì thế, kế hoạch đưa ra trong năm nay của VietA Bank là tiếp tục thực hiện chính sách lãi suất ưu đãi cho khách hàng, với gói 500 tỷ đồng, lãi suất chỉ 7 - 8%/năm.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng cho biết, nhu cầu vốn của DN trên địa bàn Thành phố đã tăng trưởng đáng kể. 

Theo ông Minh, chủ trương của NHNN và UBND TP.HCM là tiếp tục đẩy mạnh vốn lãi suất ưu đãi cho DN trong năm 2015, cộng với chương trinh bình ổn thị trường. Các ngân hàng thương mại tham gia cho vay bình ổn với lãi suất từ 5,5%/năm.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, nhu cầu vốn của DN năm nay được kỳ vọng cải thiện hơn khi thị trường chung và thị trường bất động sản nói riêng đang ấm dần. Năm 2014, Chương trình Kết nối cung cầu DN - ngân hàng đã phần nào giải quyết được khó khăn cho các DN đang vướng nợ. Chỉ với chương trình này, trong năm qua, riêng địa bàn TP.HCM đã hỗ trợ cho các DN 30.000 - 40.000 tỷ đồng, với lãi suất khá ưu đãi, góp phần giải quyết nợ xấu của các DN ở nhóm này.

Để tín dụng tăng trưởng tốt trong năm nay, theo TS. Lịch, cần giảm lãi suất cho vay trung hạn cho nhóm DN làm ăn tốt để kích thích nhu cầu vốn đầu tư mới của các DN. Tình hình năm 2014 cho thấy, các DN có nhu cầu đầu tư mới chủ yếu dùng vốn tự có, chứ không phải vốn vay, một phần do lãi suất cho vay vốn trung của các ngân hàng vẫn còn khá cao, tới 11 - 12%/năm.

Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cho biết, dù có được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, thì họ sẽ kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và nâng cao chất lượng tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hệ thống. Một điều chắc chắn là, họ sẽ không bằng mọi giá để hoàn thành chỉ tiêu tín dụng được giao.

Ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng trong năm qua tương đối tốt, vượt chỉ tiêu NHNN giao. Tuy nhiên, do con số tăng trưởng dư nợ tuyệt đối của Nam A Bank chỉ ở mức vài chục ngàn tỷ đồng, nên chưa đáng kể. Vả lại, tăng trưởng tín dụng luôn phải kèm giải pháp kiểm soát chặt chất lượng tín dụng.

Theo các chuyên gia, trước mắt, NHNN tiếp tục định hướng tăng trưởng tín dụng ở mục tiêu tăng 13 - 15%, chỉ trong điều kiện cần thiết mới điều chỉnh tăng thêm, vì sức hấp thụ của nền kinh tế vẫn chưa thực sự bền vững. Nhưng một số kênh tín dụng, như bất động sản, đang dấy lên lo ngại dòng tiền nóng chảy vào khu vực này. Do đó, sự thận trọng đối với nhà điều hành là cần thiết. Bản thân NHNN cũng xác định, cần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng tăng vốn đầu tư tín dụng, nhưng phải đảm bảo chất lượng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, bong bóng tín dụng đối với phân khúc tín dụng bất động sản vẫn có thể xảy ra trong tương lai, nếu các ngân hàng lại cho vay ồ ạt như đã xảy ra ở Mỹ vào những năm đầu tiên của thập niên 90 và ở Việt Nam trong những năm 2005 - 2010. Do vậy, việc đẩy mạnh vốn tín dụng vào bất động sản luôn phải có sự kiểm soát chặt chất lượng cho vay, vì rủi ro đối với lĩnh vực này luôn tiềm ẩn. Đồng thời, các ngân hàng dưới sự quản lý của NHNN phải có cơ chế và chính sách quản lý rủi ro chặt chẽ để lường trước những rủi ro trong cho vay bất động sản.

Thùy Vinh
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục