Chỉ tiêu không còn là vấn đề
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, thời gian qua, Ngân hàng liên tục cập nhật tình hình thị trường, nhu cầu thực tế của nền kinh tế, định hướng điều hành của NHNN cũng như chủ trương của Chính phủ, để chủ động có phương án, chương trình cũng như đưa các sản phẩm tín dụng vào từng phân khúc khách hàng cụ thể.
Thực tế cho thấy, nhu cầu vốn đang có dấu hiệu tăng lên, phản ánh đúng tính thời vụ của thị trường, nhưng đây cũng là kết quả có được từ tác động của các chính sách trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian qua.
“Tăng trưởng tín dụng tại VietinBank khá tốt, cuối tháng 10 đạt 11%, hết tháng 11 khoảng 13,5%, dự kiến hết năm 2014 đạt khoảng 15 - 16% so với cuối năm 2013”, ông Thọ cho biết.
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, thời điểm cuối năm, hoạt động kinh doanh của các DN sôi động hơn, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, nên tín dụng quý IV được đẩy khá mạnh. Mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng khối quốc doanh tính đến cuối tháng 11 trung bình đạt được khoảng 10%, bên cạnh khối thương mại cổ phần cũng có tăng trưởng tốt, như SHB đạt trên 27%, Sacombank 15%... Do vậy, mục tiêu 12% đến cuối năm 2014 hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên
Theo ông Đông, hiện tín dụng đã đi vào thực chất hơn, bởi với việc bắt đầu áp dụng Thông tư 09 trên toàn hệ thống, câu chuyện bán nợ, xử lý rủi ro đã được gạt bớt. Bên cạnh đó, đầu ra của dòng tiền đã chắc chắn, chứ không theo trào lưu, bong bóng như trước.
Liên quan đến vấn đề này, ông Thọ cho biết, nhiều năm trước, tín dụng tăng trưởng rất cao, hơn 30%, thậm chí có năm lên đến 50%, nhưng tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 7%. Như vậy, mỗi phần trăm tăng trưởng kinh tế cần đến 3 - 4% tăng trưởng tín dụng. Trong 3 năm gần đây, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 12 - 14% nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt ở mức 6%, cho thấy hiệu quả của đồng vốn tăng lên, chất lượng tăng trưởng tín dụng đã tốt hơn rất nhiều.
“Hệ thống ngân hàng một mặt vẫn tăng trưởng tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn, mặt khác vẫn phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ và chất lượng tăng trưởng, để đảm bảo mức tăng trưởng đó đi vào những lĩnh vực thực chất của nền kinh tế”, ông Thọ nói.
… và đi vào thực chất hơn
Ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB chia sẻ, các ngân hàng quốc doanh lớn ngoài hoạt động kinh doanh như các NHTM, còn gánh vác thêm nhiều trách nhiệm từ Chính phủ, cơ quan quản lý, thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu hỗ trợ, nên tập trung nhiều nguồn lực hơn vào cho vay trong 5 lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng TMCP khác trong nền kinh tế, ngoài những lĩnh vực ưu tiên, các hoạt động, ngành nghề kinh doanh hợp pháp khác cũng đều rất cần thiết và là đối tượng khách hàng tiềm năng của ngân hàng.
Lĩnh vực nào cũng đều có đóng góp nhất định đối với nền kinh tế và bản thân các ngân hàng đều cố gắng đa dạng hóa danh mục khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, khi cầu của nền kinh tế chưa thực sự khởi sắc. Do vậy, làm thế nào để tìm được một khách hàng tốt, có báo cáo tài chính lành mạnh, phương án kinh doanh rõ ràng, sử dụng đồng vốn đúng mục đích mới là điều các ngân hàng quan tâm nhất.
“Các ngân hàng TMCP hiện không có nhiều ‘quyền’ đến mức chỉ tập trung cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, vấn đề quan trọng của các ngân hàng là thẩm định thực tế nhu cầu vay của khách hàng có thực hay không và ngân hàng có quản lý được mục đích sử dụng vốn của khách hàng đúng như thẩm định hay không?”, ông Quang nói và cho rằng, hiện nay, bản thân các các ngân hàng cũng đã tự nâng cao ý thức quản trị rủi ro và đặt vấn đề này lên hàng đầu trong công tác quản trị ngân hàng, bởi nếu để xảy ra hậu quả sẽ không chỉ tác động xấu đến hoạt động ngân hàng, mà sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của ngân hàng.
“Chưa bao giờ công tác giám sát tín dụng, hậu kiểm, kiểm toán nội bộ… lại gắt gao đến như vậy. Đó là chưa kể đến việc NHNN liên tục có những nhắc nhở, xử lý sau khi cơ quan thanh tra phát hiện ra một số ngân hàng sử dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng dư nợ, tổng tài sản… Do vậy, tôi tin, dòng tín dụng đã đi vào thực chất hơn”, ông Quang nhấn mạnh.