Số liệu đưa ra từ NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 11/2014 tăng 10,22% và người đứng đầu ngành cho biết, việc đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra 12 - 14% là không khó. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn chưa thoát tình trạng tăng trưởng tín dụng âm và dự báo khó cải thiện ngay cả trong mùa cao điểm cuối năm.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 9/2014, một số ngân hàng vẫn bị ám ảnh bởi nỗi lo tín dụng tăng trưởng âm. PVcombank qua 9 tháng tăng trưởng âm 6,84%, tiếp đến ABBank âm 1,4%; DongABank âm 0,54%. Tăng trưởng tín dụng ở Eximbank vẫn âm tính đến cuối tháng 10.
Một cán bộ cấp cao Eximbank cho hay, vẫn biết tín dụng tăng trưởng âm sẽ gặp khó khăn nhất định trong việc tăng nguồn thu và hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận khi 3 quý đầu năm chỉ mới hoàn thành phân nửa so kế hoạch 1.800 tỷ đồng trước thuế. Thế nhưng, theo vị cán bộ trên, rất khó để hạ chuẩn tín dụng, vì như thế, nợ xấu sẽ cao hơn tăng trưởng dư nợ. Nợ xấu của Eximbank đang dần có xu hướng tăng và gần chạm ngưỡng cho phép 3%.
Mặc dù nguồn vốn huy động dôi dư, song theo lãnh đạo các nhà băng, việc đẩy mạnh cho vay lúc này đồng nghĩa với chuốc lấy rủi ro cao. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, với cán bộ tín dụng cấp cao đang điều hành tại các chi nhánh, nếu tỷ lệ nợ xấu trong quá trình triển khai hoạt động tín dụng tăng trên 3% sẽ tạm thời “giáng” chức, nhưng sau đó, nếu điều chỉnh giảm được tỷ lệ nợ xấu sẽ nhanh chóng phục chức. Theo ông Toàn, việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trong lúc này còn quan trọng và khó hơn cả với đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, cho dù tỷ lệ nợ xấu đang được ACB kiểm soát ở mức 3%.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng tại TP. HCM còn cho hay, không phải đợi đến khi tỷ lệ nợ xấu lên 3% mới cảnh báo mà nhà băng này còn đưa ra tỷ lệ thấp hơn. Cụ thể, khi nợ xấu vượt mức 2,5%, ngân hàng ông đã cảnh báo rủi ro và yêu cầu cán bộ tín dụng điều chỉnh, tập trung thu hồi nợ và tái cơ cấu cũng như nuôi những doanh nghiệp “sống sót” bằng chính sách lãi suất ưu đãi.
Một lãnh đạo ABBank cho biết, tín dụng không tăng trưởng được trong 9 tháng qua, dù lãi suất đã được điều chỉnh giảm mạnh. Thế nhưng, nợ xấu lại có dấu hiệu tăng. Từ đầu năm đến nay, ABBank đã bán 1.000 tỷ đồng nợ xấu và đẩy mạnh xử lý các khoản nợ xấu khác, song theo vị phó tổng trên, tình hình cho vay vẫn rất khó khăn. Một phần do cạnh tranh với các NHTM khác để giành doanh nghiệp tốt, phần khác vì cán bộ sợ trách nhiệm nếu rủi ro phát sinh.
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank thì cho biết, Ngân hàng hưởng ứng chủ trương đẩy mạnh việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để cho vay tín chấp, nhưng do cán bộ tín dụng ở các chi nhánh phải tuân thủ các quy định về kiểm soát rủi ro nợ xấu và không thể hạ chuẩn tín dụng nên để dư nợ tăng mạnh là rất khó.
“Giám đốc chi nhánh của chúng tôi ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long không dám mạnh dạn ra vốn, vì với các lĩnh vực trên, hiện cũng khá rủi ro khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và không thể tránh khỏi tình trạng một kho hàng được thế chấp vay nhiều nơi”, ông Khang nói và cho biết, dư nợ tín dụng của Ngân hàng tăng trưởng gần 15% trong 11 tháng đầu năm chủ yếu thuộc về khối khách hàng cá nhân, chiếm hơn 50% tổng dư nợ.
Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính, tiền tệ, NHNN đang nới lỏng tín dụng để doanh nghiệp có thể dễ dàng vay vốn và giải quyết bài toán thanh khoản, song do sức mua thị trường còn yếu nên chưa thể khơi dòng tín dụng. Thế nhưng, đại đa số doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khi tiếp cận vốn vay. Trong khi đó, mức độ hấp thụ vốn của nhiều doanh nghiệp mạnh lại chậm.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nợ xấu hiện vẫn trong tầm kiểm soát của ngân hàng, song nó đã tác động rất lớn đến quá trình tăng trưởng tín dụng. Theo TS Lịch, nếu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu kỳ vọng năm nay 12-14% thì từ nay đến cuối năm, cả nền kinh tế phải “nuốt” thêm một lượng vốn lớn so với sức cầu về vốn của doanh nghiệp.
HSBC nhận định rằng, nền kinh tế đang còn đi trên con đường gập ghềnh, chỉ hồi phục một cách từ từ và chỉ kỳ vọng tín dụng toàn hệ thống năm sau tăng 10%.