Nhìn lại diễn biến tín dụng thường tăng trưởng âm khá lớn trong mấy tháng đầu năm những năm gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh yếu tố mùa vụ, nhiều khả năng các ngân hàng dùng “tiểu xảo”, đẩy tín dụng tăng cao để chạy chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm sau, bởi bắt đầu từ năm 2013, NHNN đã thực hiện chia các ngân hàng theo nhóm để phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Tại thời điểm ngày 20/11/2013, con số tăng trưởng tín dụng được NHNN công bố chỉ đạt khoảng 7,21%, tuy nhiên, chỉ trong vòng mấy tuần cuối cùng của năm đã tăng vọt lên 12%. Mặc dù NHNN lý giải, do tín dụng của một số ngân hàng thương mại có gốc quốc doanh tăng đột biến nên đã hỗ trợ tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành. Thế nhưng, những băn khoăn của giới chuyên gia và thị trường không phải là không có cơ sở.
Sang năm 2014, tình hình tăng trưởng tín dụng đã có nhiều thay đổi tích cực, khi từ khoảng tháng 9 trở đi, tín dụng đã bắt đầu tăng đều, dao động trong mức 1 - 1,5% và đến tháng cuối năm tăng cao hơn, đạt gần 2%.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2015 của VietinBank, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã chia sẻ, trong những năm qua, quý IV, đặc biệt là tháng 12, tín dụng thường tăng trưởng rất cao, nhưng sang tháng 1 lại giảm rất nhanh. Điều đó chứng tỏ rằng, các ngân hàng còn có những biện pháp kỹ thuật, chạy theo hình thức, kết quả… Tuy nhiên năm 2014, tình trạng này đã được khắc phục một bước rất quan trọng.
Chia sẻ với ĐTCK, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB cho biết, OCB không có chủ trương và cũng không làm kỹ thuật để tăng dư nợ cho vay vào cuối năm 2014, bởi tăng trưởng tín dụng cao không phải là mục tiêu quan trọng nhất mà HĐQT cũng như Ban điều hành Ngân hàng quan tâm. Thay vào đó, OCB tập trung giải ngân cho các lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp đang kinh doanh hiệu quả, các dự án tốt... song song với việc định hướng tăng trưởng tín dụng bền vững, kiểm soát nợ xấu hiệu quả.
“Con số tín dụng của OCB giảm từ đầu năm đến giờ rất nhỏ, gần như không đáng kể, chủ yếu do việc tất toán một phần nợ vay trước Tết Âm lịch từ một vài khách hàng có dòng tiền thu về mạnh”, ông Quang nói.
Đồng quan điểm trên, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho rằng, mức tăng trưởng âm như hiện nay thể hiện rõ chu kỳ tất toán các khoản vay cũ và khách hàng chưa vội vay mới thời điểm 1 - 2 tuần trước Tết. Nhanh nhất phải sang tháng 3 nhịp kinh doanh mới sôi động trở lại, khi đó tăng trưởng tín dụng sẽ lên khỏi “mặt đất”.
Thực tế, tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” còn tồn tại khá nặng trong xã hội nên hoạt động sản xuất - kinh doanh thường có xu hướng chững lại trong thời gian này. Bên cạnh đó, việc sụt giảm mạnh của giá dầu thế giới cũng ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng của người dân bởi tâm lý kỳ vọng giá tiêu dùng sẽ giảm thêm nữa. Đơn cử, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam ANZ - Roy Morgan tháng 1/2015 vừa công bố cho thấy, niềm tin người tiêu dùng đã giảm nhẹ xuống 135,4 điểm (giảm 0,2 điểm phần trăm) trong tháng 1/2015.
Theo ANZ, xét về tình hình tài chính cá nhân hiện tại, 33% (giảm 1%) người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, tài chính gia đình họ hiện tại “tốt hơn” so với năm trước, trong khi đó 21% (giảm 1%) cho biết tài chính gia đình họ “xấu đi”. Trong số người tham gia khảo sát, 53% (giảm 5%) kỳ vọng rằng tài chính gia đình họ sẽ “tốt hơn” vào thời điểm này trong năm tới so với chỉ 6% (tăng 1%) tỷ lệ người tiêu dùng dự đoán rằng tình hình tài chính của họ sẽ “xấu đi”. Nhìn rộng hơn, 57% (giảm 2%) người tiêu dùng Việt Nam kỳ vọng rằng tình hình nền kinh tế Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong 5 năm tới (đây là tỷ lệ thấp nhất cho chỉ số này kể từ tháng 6/2014).
Ông Glenn Maguire, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á -Thái Bình Dương của ANZ nhận xét, sự sụt giảm mạnh của giá dầu thế giới cũng không ngăn cản được niềm tin người tiêu dùng Việt Nam vẫn tiếp tục giảm nhẹ trong những tháng vừa qua… Sự suy thoái đang diễn ra ở Trung Quốc và các tác động qua lại giữa sự suy thoái này với việc sụt giảm giá dầu thế giới có thể là nguyên nhân khiến niềm tin người tiêu dùng Việt Nam hiện đang không phục hồi mạnh như các nước láng giềng trong khu vực.
“Tiêu dùng nội địa giảm, nhu cầu của thế giới cũng không tích cực hơn khi ước tính xuất khẩu tháng 1 chỉ tăng 0,2% so với tháng trước. Đầu ra khó khăn khiến các doanh nghiệp e dè trong việc mở rộng sản xuất, kéo theo nhu cầu tín dụng giảm cũng là diều dễ hiểu”, một chuyên gia phân tích.