Mùa Xuân thứ 30 của công cuộc Đổi mới

Năm 2015 đã ở lại phía sau, cả nước hân hoan mừng đón Xuân 2016 - mùa Xuân thứ 30 của công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng, dẫn đường.

 
Một mùa Xuân mới lại về trong ngập tràn niềm vui và hứa hẹn nhiều thành quả tốt đẹp trong năm 2016. Ảnh Đức Thanh Một mùa Xuân mới lại về trong ngập tràn niềm vui và hứa hẹn nhiều thành quả tốt đẹp trong năm 2016. Ảnh Đức Thanh

Năm qua, mùa Đông về muộn bởi đặc điểm của biến đổi khí hậu, khiến cuộc sống của người đời đây đó xôn xao. Nắng nóng khắp vùng, nhiều thứ hoa đua nhau nở: hoa dã quỳ ở Tây Nguyên, hướng dương ở Phủ Quỳ xứ Nghệ, tam giác mạch ở cao nguyên đá Đồng Văn… Chỉ riêng người trồng đào ở Nhật Tân, Đông Anh (Hà Nội) mất ăn, kém ngủ vì lo thời tiết khiến hoa đào nở sớm.

Đó là dư vị thời tiết quanh ta trong khi đời sống đương đại cả năm 2015 dẫu rằng cả nước phải tần tảo lo toan cuộc sống, nhưng thành tựu đem về không hề nhỏ. Nền kinh tế nước nhà sau ít năm phát triển chững lại, năm 2015 bắt đầu khởi sắc, đậm yếu tố của tăng tốc, của phát triển. Bởi thế, GDP cả nước đạt mức tăng trưởng 6,68%. Lạm phát được kiềm chế. Kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng được giữ vững.

Trên diễn đàn Quốc hội khóa XIII (kỳ họp thứ 10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo tỷ lệ hộ nghèo cả nước chỉ còn 12% (theo chuẩn mới). Hội nhập kinh tế quốc tế tăng cao. 

Năm qua, không ít số phận oan trái, dính đến pháp luật được tháo gỡ. Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) ngồi tù oan 10 năm mới được minh oan. Cận Tết Bính Thân (2016), công dân Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) được đoàn tụ gia đình sau hơn 17 năm ngồi “bóc lịch” trong nhà giam khi bị kết oan tội giết người. Đó là một trong những biểu hiện rất mừng của dân chủ hóa xã hội.

Thời điểm ấy, ở Thủ đô Paris của nước Pháp có hai việc có thể được coi là sự kiện hay ấn tượng khó quên đối với nước Việt. Một là, người đứng đầu Chính phủ ta, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị COP21 về biến đổi khí hậu đã cam kết giảm 8% tỷ lệ khí phát thải nhà kính và đóng góp tiền để chung tay khắc phục biến đổi khí hậu trong điều kiện đất nước còn khó khăn. Hai là, Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ra quyết định công nhận trò chơi kéo co của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vậy là, cuộc sống đương đại của người Việt chúng ta trong gian lao để dựng xây cơ đồ, chấn hưng đất nước đâu chỉ có gạo cơm, mà còn ắp đầy hoa hồng, tình yêu thương. Phải chăng, đó là hoa trái của 29 năm đất nước đi qua Đổi mới. Đó là điều khẳng định trong thực tiễn đời sống xã hội, được ghi vào Báo cáo Chính trị của Đảng ta tại Đại hội lần thứ XII sắp tới.

Không phải kể nhiều, chỉ thông qua Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX diễn ra tại Hà Nội trong tháng 12/2015 cũng đủ cho tất thảy người Việt Nam ta mừng vui khó tả về chặng đường vừa qua của 5 năm “Người người thi đua, ngành ngành thi đua”, như chính lời Bác Hồ kêu gọi từ mấy thập kỷ trước.

Nhớ lại, 30 năm trước, nền kinh tế nước nhà sau chiến tranh kiệt quệ, lạm phát vọt lên con số trên 730%. Bữa ăn hàng ngày hầu hết là bobo. Trẻ em thiếu sữa, thiếu đường… Như có “phép màu” của Đổi mới, nền kinh tế nước nhà dần thoát ra khủng hoảng nhờ cải cách nông nghiệp, công nghiệp… Bởi thế, từ nhiều năm qua, nước ta xuất khẩu gạo, hạt tiêu, hạt điều, đồ may mặc, hàng thủy sản… đều nằm trong top 3 - 4 thế giới.

Chỉ riêng năm 2016, Quốc hội ra Nghị quyết chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%. Bội chi ngân sách, nợ công, nợ xấu… đều nằm trong phạm vi kiểm soát. Đó là cái đích của phát triển, của hy vọng, của tầm nhìn, của lao động, yêu thương và dâng hiến của 93 triệu trái tim khát vọng ấm no, hạnh phúc của đồng bào cả nước vốn sinh ra từ bọc trăm trứng huyền thoại, để rồi tạo nên những huyền thoại khác kế tiếp nhau, sinh sôi nảy nở, dệt nên những mùa Xuân mới của Tổ quốc Việt Nam ngàn năm văn hiến.

Mùa Xuân này, một sự kiện đáng nhớ, đó là Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những quyết sách quan trọng, hiện thực và khả thi của Đại hội là sợi chỉ đỏ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hướng tới những gì tốt đẹp nhất, để cho ta niềm tin, khát vọng và ước mơ về cuộc đời mới, giản dị mà ấm nồng chủ nghĩa nhân văn của người Việt.

Có thể nghĩ rằng, chẳng có đâu như đất và người ở xứ ta, trời đất sinh ra đã liên tục từ thế hệ này đến thế hệ khác một lòng, một dạ kiên trung trong sáng tạo để chống giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt… và cuối cùng đều hát khúc khải hoàn trong khúc dân ca quan họ, ví giặm, then, chèo, xẩm…, thi thoảng pha nhạc giao hưởng của thế giới đương đại.

Một nước Việt Nam mới, một mùa Xuân mới lại về trong ngập tràn hứa hẹn, đan xen thách thức.

Nguyễn Xuân Lương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục