Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII (tháng 11/2014) đã thông qua nhiều đạo luật liên quan đến thể chế kinh tế như: Luật DN (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật sửa đổi một số điều của các luật thuế, nhằm thực hiện 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính”.
Dĩ nhiên, để thực hiện mục tiêu trên, trong nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIII cần phải thông qua nhiều đạo luật quan trọng khác như Luật Tổ chức chính phủ, Luật Chính quyền địa phương; Luật Ngân sách nhà nước và cả Bộ luật Dân sự (sửa đổi), nhưng các đạo luật liên quan trực tiếp đến thể chế kinh tế nêu trên đã mang một dấu ấn rất quan trọng về đổi mới tư duy quản lý kinh tế, thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ về thể chế kinh tế, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Nhìn suốt quá trình đổi mới, đặc biệt từ năm 1991, khi ra đời Luật Công ty và Luật DN tư nhân, thì quyền tự do kinh doanh của công dân (một loại quyền đương nhiên trong thể chế kinh tế thị trường) để được xác lập đã trải qua 3 thời kỳ: (1) phải được Nhà nước cho phép trước khi lập DN (Luật năm 1991); (2) được đăng ký lập DN và kinh doanh các ngành nghề theo giấy phép đăng ký (Luật năm 2000) và (3) được kinh doanh những gì mà luật không cấm hoặc ghi điều kiện (Luật năm 2014).
Cải cách thể chế, động lực của tăng trưởng
Trong 25 năm thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế (từ năm 1991 đến nay), nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng cao nhất là trong 5 năm đầu (1991 - 1995). Riêng năm 1995, GDP tăng 9,5%, mức cao nhất cho đến nay và kéo dài đến hết năm 1996 (GDP tăng 9,3%), trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính khu vực (1997 - 1999). Có thể nói, giai đoạn này là thời kỳ nền kinh tế có sức bật mạnh nhất, nhờ động lực đổi mới thể chế kinh tế, trong đó, cùng với Luật Đầu tư nước ngoài (1988), Luật Đất đai (1993), Luật DN tư nhân và Luật Công ty (1991) đã tạo cơ sở pháp lý để nền kinh tế nước ta vận hành theo cơ chế thị trường, tạo khuôn khổ pháp lý phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Nhưng thời gian tăng trưởng chỉ được 4 năm (1992 - 1996), cuộc khủng hoảng tài chính khu vực đã kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1997 - 2000, mà năm 1999 được xem là đáy của suy giảm (GDP tăng 4,8%). Bước qua giai đoạn 2001 - 2005, tình hình kinh tế khu vực và thế giới diễn biến thuận lợi hơn, đặc biệt là sự ra đời của Luật DN 2000, nền kinh tế nước ta như có một luồng sinh khí mới để phục hồi tốc độ tăng trưởng, dù chưa lấy lại được tốc độ tăng trưởng của giai đoạn 1992 - 1996. Năm 2005, tốc độ tăng GDP đạt mức cao nhất của thời kỳ này là 8,4% và bắt đầu suy giảm dần từ 2006 (tăng 8,2%) cho đến chạm đáy vào năm 2012 (5,25%) do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, sự bất ổn vĩ mô của nền kinh tế trong nước; động lực về thể chế của nền kinh tế giảm tác dụng, trong điều kiện hội nhập với kinh tế khu vực và toàn cầu.
Như vậy trong gần 5 kế hoạch 5 năm từ 1991 đến 2015, thì trong 5 năm đầu (1991 - 1995), nhờ vào cải cách đột phá về thể chế (luật hóa hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân), nền kinh tế đã tự vượt qua cuộc khủng hoảng từ bên trong (1986 - 1988) và đặc biệt là vượt qua sự hụt hẫng do mất chỗ dựa từ khối xã hội chủ nghĩa. Trong 5 năm tiếp theo (1996 - 2000) do động lực tạo ra sức bật giảm dần cùng với khủng hoảng tài chính khu vực, nền kinh tế trở nên trì trệ. Trong 5 năm kế tiếp (2001 - 2005), nhờ vào sự tiếp tục cải cách thể chế (nổi bật là Luật DN 2000 và Luật Đất đai 2003, sự phát triển mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong nước (tốc tộ tăng trưởng của khu vực tư nhân cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài). Tuy nhiên, do sự yếu kém về thể chế (luật pháp, quản trị công, tiêu cực trong quản lý nhà nước...) đã tạo ra bong bóng của TTCK và thị trường bất động sản, mà sự bùng nổ của nó diễn ra trong 2 năm 2006 - 2007. Hai bong bóng này đã góp phần gây nên tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài từ năm 2008 - 2013.
Đón nhận cơ hội từ hội nhập
Theo quy định cũ, DN chỉ kinh doanh những gì được Nhà nước cho phép (gọi là “chọn cho”), nhưng với Luật DN sử đổi, thì DN được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm (“chọn bỏ”). Đây chính là điểm đột phá trong tư duy quản lý nền kinh tế thị trường.
Ngoài 6 nội dung cấm kinh doanh, Luật DN quy định những ngành nghề đầu tư - kinh doanh có điều kiện, tức là những ngành nghề phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được cụ thể hóa tại Phụ lục số 4 kèm theo Luật và chi tiết về nội dung các điều kiện Luật “phải được đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia”, nhằm tạo ra sự công khai, minh bạch, tránh tình trạng các cơ quan quản lý hành chính nhà nước “đẻ” ra các loại “giấy phép con” như đã từng xảy ra.
Luật Đầu tư và Luật DN mới tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho những DN kinh doanh chấp hành tốt pháp luật, định hướng cho DN hoạt động tự giác tuân thủ pháp luật và hạn chế “đất sống” của các DN làm ăn sai trái và sự nhũng nhiễu của một bộ phận công chức thừa hành công vụ.
Có thể nói, những đạo luật liên quan đến thể chế kinh tế thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ, là cơ sở pháp lý để tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng. Việc áp dụng luật vào cuộc sống có kết quả đến đâu còn tùy thuộc ở bộ máy vận hành từ Trung ương đến địa phương, tức còn tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức nền hành chính và đội ngũ công chức thực thi công vụ, nhưng chúng ta kỳ vọng sự đổi mới đồng bộ giữa thể chế kinh tế với đổi mới nền hành chính công và tài chính công, mà những dự án luật có liên quan đang nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 13 sẽ thông qua trong năm 2015.
Bước sang năm 2015, các “di chứng” của giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn tiếp tục phải khắc phục như: vấn đề nợ xấu, lãi suất tín dụng cao, nhiều DN làm ăn thua lỗ, phá sản ngừng hoạt động và suy giảm niềm tin của thị trường… Tuy nhiên, năm nay cũng là năm mở ra nhiều cơ hội với Việt Nam; trong đó, cần xem hội nhập như một cơ hội để chúng ta phát triển nhanh và DN phải tận dụng cơ hội này để phát triển. Tất nhiên, trong hội nhập, cơ hội luôn song hành cùng với thách thức, nhưng chính thách thức là điều kiện giúp DN vượt qua để phát triển bền vững.
Hiện nay, các chính sách và thể chế kinh tế được cải cách mạnh mẽ và đang đi vào cuộc sống, đáp ứng được mặt bằng chung về môi trường pháp lý như các nước trong khu vực. Thiết nghĩ, một nền kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ chính là ba nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho DN phát triển và hội nhập tốt, chứ không phải các gói ưu đãi cụ thể nào đó.