Dấu ấn trên chặng đường 70 năm vẻ vang của ngành Kế hoạch và Đầu tư

Tại buổi lễ ngành Kế hoạch và Đầu tư đón nhận Huân chương Sao Vàng được tổ chức tại Hội trường Ba Đình lịch sử ngày 4/11/2000, Thủ tướng Phan Văn Khải đã cho phép lấy ngày 31/12/1945 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch kiến thiết là ngày truyền thống của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Trải qua chặng đường 70 năm vẻ vang, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã ghi ấn những dấu mốc chính quan trọng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Đảng, Chính phủ trong điều hành kinh tế đất nước. Ảnh: Đức Thanh Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Đảng, Chính phủ trong điều hành kinh tế đất nước. Ảnh: Đức Thanh

1.Thời kỳ 1945 - 1954: Ra đời của Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch kiến thiết

Ngày 31/12/1945, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 78-SL, thành lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch kiến thiết - tiền thân của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trước đây và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay.

Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng của ngành Kế hoạch và Đầu tư, bởi Hồ Chủ tịch chính là người sáng lập và là người đứng đầu Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch kiến thiết.

Mở đầu Sắc lệnh số 78-SL có đoạn viết: “Xét rằng ngay khi lo việc kháng chiến, Chính phủ đã bắt đầu công việc kiến quốc, nhưng sự kiến quốc cần phải có một chương trình cụ thể được nghiên cứu một cách kỹ càng...”.

Lời mở đầu đó vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính chỉ đạo thực tiễn đã xuyên suốt quá trình 70 năm hình thành và phát triển của ngành Kế hoạch và Đầu tư.

2.Thời kỳ 1955 - 1960: Hình thành Ủy ban Kế hoạch Quốc gia.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, ngày 8/10/1955, Hội đồng Chính phủ họp và ra Nghị quyết thành lập Ủy ban Kế hoạch Quốc gia.

Trong Thông tư số 603/TTg, ngày 14/10/1955 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký gửi Ủy ban Kế hoạch Quốc gia, các Bộ, các khu và tỉnh ghi rõ:

“Trong chế độ Dân chủ nhân dân của chúng ta ở miền Bắc, việc khôi phục và phát triển kinh tế và văn hoá phải dần dần kế hoạch hoá. Ủy ban Kế hoạch Quốc gia sẽ thực hiện từng bước công việc kế hoạch hoá, bảo đảm việc củng cố miền Bắc. Như vậy, việc thành lập Ủy ban Kế hoạch Quốc gia là một thắng lợi, đánh dấu một bước tiến mới trong toàn bộ công tác của chúng ta”. 

Những năm đầu khôi phục kinh tế ở miền Bắc, Ủy ban Kế hoạch Quốc gia cùng với các cơ quan kế hoạch của các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh, thành phố đã nghiên cứu xây dựng kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế 5 năm (1955 - 1960) sau chiến tranh.

3.Thời kỳ 1961 - 1965: Ra đời của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Theo Điều 3 Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, công bố ngày 26/7/1960, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước là một trong 24 cơ quan Bộ và ngang Bộ.

Nghị định số 158-CP ngày 09/10/1961, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước: “Ủy ban Kế hoạch Nhà nước là cơ quan của Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hàng năm và kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế quốc dân và văn hoá theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước…”.

“Ủy ban còn có trách nhiệm quản lý công tác xây dựng cơ bản của Nhà nước, bảo đảm công tác xây dựng cơ bản đúng theo đường lối, chính sách, kế hoạch của Nhà nước, nhằm rút ngắn thời gian xây dựng, bảo đảm chất lượng công trình tốt và giá thành hạ”.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã phối hợp cùng với các cơ quan nghiên cứu kế hoạch trong các Bộ, ngành, tỉnh thành phố ở miền Bắc tổ chức nghiên cứu, thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất ở miền Bắc XHCN (1961-1965).

4.Thời kỳ 1965 - 1975: Chuyển nền kinh tế sang thời chiến.

Từ năm 1965 đến giữa năm 1975, Đảng và Chính phủ đã chủ trương chuyển nền kinh tế sang thời chiến.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cùng với các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời chiến ở miền Bắc. Hình thức kế hoạch hóa chủ yếu trong thời kỳ này là kế hoạch ngắn hạn, kế hoạch năm, kế hoạch quý và vào lúc cao điểm của chiến tranh phá hoại, đã áp dụng hình thức “kế hoạch tháng” để đáp ứng nhanh nhạy trong chỉ đạo điều hành và trong tổ chức thực hiện.

Ngay trong những năm chiến tranh ác liệt, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, đã tập trung nghiên cứu, chuẩn bị cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước sau chiến tranh với tinh thần: “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

5.Thời kỳ 1975 - 1986: Hình thành Kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội cả nước sau chiến tranh.

Năm 1975, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã cùng với các ngành, các cấp, các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 2 (1976-1980), khôi phục và phát triển kinh tế của cả nước sau chiến tranh. Đây là kế hoạch 5 năm đầu tiên của nước Việt  Nam thống nhất, được tổ chức nghiên cứu với quy mô lớn nhất thời ấy.

Tiếp theo đó, toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư đã bắt tay vào xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 3 (1981-1985) và trình ra Đại hội Đảng lần thứ V tháng 3/1982 và được tổ chức triển khai thực hiện trong cả nước.

Kết thúc kế hoạch 5 năm (1981-1985), nhiều chỉ tiêu đã đạt được mức kế hoạch đề ra, một vài chỉ tiêu vượt mức kế hoạch.

6.Thời kỳ Đổi mới và thành lập Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngày 27/11/1986, Hội đồng Bộ trưởng có Nghị định số151/HĐBT giải thể Ủy ban Phân vùng kinh tế Trung ương, giao công tác phân vùng kinh tế cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Ngày 6/8/1988, Hội đồng Nhà nước đã ban hành quyết định phê chuẩn việc thành lập Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư.

Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1986-1990 và được Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) thông qua.

Bước vào thời kỳ 1991-1995, bộ máy tổ chức của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có thêm một số thay đổi, như Chính phủ giao Ủy ban Kế hoạch Nhà nước quản lý Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đảm nhận thêm nhiệm vụ xây dựng chính sách, luật pháp về lĩnh vực kinh tế phục vụ công cuộc đổi mới đất nước (Nghị định số 7-CP ngày 27/1/1992).

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước kết hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức và triển khai nghiên cứu, soạn thảo Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (1991-2000).

Đồng thời, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã tổ chức cùng với các Bộ, ngành địa phương triển khai nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 5 (1991-1995), được Đại hội Đảng lần thứ VII thông qua.

Ngày 01/11/1995, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/CP thành lập Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở hợp nhất Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 6 (1996-2000) và được Đại hội Đảng lần thứ VIII (tháng 7/1996) thông qua. Những thành tựu về kinh tế - xã hội đạt được qua 10 năm thực hiện Chiến lược là to lớn và rất quan trọng. Đất nước ra khỏi khủng hoảng, từng bước vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển.

Chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ IX, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm đầu của thế kỷ XXI  - Chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đồng thời với việc xây dựng Chiến lược; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì nghiên cứu xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 7 (2001 - 2005) và được Đại hội Đảng lần thứ IX thông qua.

Giai đoạn 2006 - 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 8 (2006 - 2010); cụ thể hoá các nội dung của Chiến lược 10 năm (2001 - 2010) và tìm các giải pháp để thực hiện kế hoạch 5 năm (2006 - 2010).

7.Bộ Kế hoạch và Đầu tư với thời kỳ hội nhập mạnh mẽ của đất nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015 với những quan điểm mới, gắn với 3 đột phá chiến lược là Đẩy mạnh cải cách thể chế; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.

Giai đoạn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ, trình Quốc hội thông qua nhiều bộ luật quan trọng như: Luật Hợp tác xã, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Xây dựng một số quyết sách quan trọng về đổi mới lĩnh vực đầu tư công, chuyển từ đầu tư hàng năm sang đầu tư trung hạn, góp phần khắc phục cơ bản tình trạng phân bổ vốn dàn trải, manh mún và thiếu hiệu quả.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 (trình Đại hội Đảng lần thứ XII); Báo cáo tầm nhìn Việt Nam đến năm 2035; các đề án điều phối công tác vĩ mô như: Đề án tái cơ cấu nền kinh tế 2013 - 2020, tổng kết 30 năm Đổi mới, Đề án về cải cách thủ tục hành chính (Nghị quyết 19), Đề án đổi mới công tác thống kê…

Trải qua chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, luôn khắc sâu hệ thống quan điểm chỉ đạo kinh tế của Hồ Chủ tịch; phát huy cao độ bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm trước Tổ quốc, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của nhân dân, cán bộ ngành Kế hoạch và Đầu tư đã kế thừa và phát huy được truyền thống của Ngành từ những ngày đầu thành lập.

Bá Thư
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục