Bảo lãnh là bảo lãnh gì?
Cầm hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp ký với ngân hàng, bà Trần Thị Thanh Ngân, một nhà đầu tư lo lắng: “Tháng trước, được nhân viên của ngân hàng T. tư vấn, tôi mua trái phiếu doanh nghiệp để được hưởng lãi suất 10%, thay vì hơn 8% như gửi tiết kiệm dài hạn thông thường.
Nghe bùi tai, lại được nhân viên ngân hàng khẳng định trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh, nên tôi đã đồng ý mua mà không đọc kỹ hợp đồng. Mãi đến gần đây, nhờ người xem lại, tôi mới biết, nếu doanh nghiệp phát hành xảy ra rủi ro, tiền của tôi có nguy cơ mất trắng”.
Điều khoản hợp đồng mà bà Ngân cung cấp ghi rõ: ngân hàng bảo lãnh phát hành (công ty chứng khoán của ngân hàng bảo lãnh). Tuy nhiên, điều này chỉ hàm ý, ngân hàng cố gắng phát hành tối đa hết trái phiếu cho doanh nghiệp, chứ không phải bảo lãnh thanh toán cho nhà đầu tư (thanh toán cho nhà đầu tư khi doanh nghiệp phát hành gặp rủi ro).
Câu chữ lắt léo, nhân viên ngân hàng chỉ giới thiệu chung chung là “có bảo lãnh” khiến nhà đầu tư nhầm tưởng và nhanh chóng xuống tiền mà không hỏi về việc thanh toán bao nhiêu phần trăm, ai thanh toán… khi doanh nghiệp phát hành vỡ nợ.
Như vậy, kịch bản xảy ra nếu doanh nghiệp phát hành xảy ra rủi ro là, ngân hàng đẩy trách nhiệm cho công ty chứng khoán, công ty chứng khoán đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp phát hành (đã gần phá sản). Hậu quả gần như chắc chắn: nhà đầu tư trắng tay.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thừa nhận, nhiều nhà đầu tư cá nhân đang bị nhầm lẫn giữa bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán và công ty chứng khoán (trực thuộc ngân hàng) bảo lãnh, thì ngân hàng mẹ sẽ chịu trách nhiệm.
Thực tế, các công ty chứng khoán chỉ đứng ra tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp, chịu trách nhiệm thẩm định tính chính xác về hồ sơ phát hành của doanh nghiệp, mà không chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với khoản đầu tư của cá nhân. Vì vậy, khi mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ gánh nhiều rủi ro.
Theo thống kê của một số công ty chứng khoán, 8 tháng đầu năm nay, ngân hàng và các công ty chứng khoán trực thuộc mua tới hơn 35% tổng lượng trái phiếu phát hành trên thị trường, trong đó có một lượng không nhỏ là mua về để bán lại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, ngân hàng đứng giữa ăn chênh lệch.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng xác nhận, nhiều ngân hàng thương mại đang có “chiêu” mua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất 13-14,5% rồi bán lại 9-9,5%. Việc này khiến ngân hàng tránh được rủi ro đầu tư vào trái phiếu, né được tín dụng bất động sản, lợi nhuận lại không nhỏ.
Đừng “chơi” trái phiếu vì ham lãi suất cao
Đánh giá cao sự phát triển bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hơn một năm qua, song nhiều chuyên gia cho rằng, đây là kênh đầu tư dành cho các nhà đầu tư tổ chức có nghiên cứu kỹ càng hoặc cho các nhà đầu tư cá nhân có khả năng phân tích. Cũng như cổ phiếu, trái phiếu không phải là kênh đầu tư dành cho mọi người dân, nhất là khi hành lang pháp lý bảo vệ nhà đầu tư cá nhân hiện nay đối với đầu tư trái phiếu hầu như chưa có.
“Rủi ro đối với nhà đầu tư là trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường chưa có đơn vị nào chấm điểm, xếp hạng và cũng rất khó giám sát doanh nghiệp sử dụng vốn đúng mục đích hay không, tình hình kinh doanh như thế nào”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cảnh báo.
Chuyên viên tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp của một công ty chứng khoán cho hay, sở dĩ ngân hàng hay công ty chứng khoán chỉ bảo lãnh phát hành, mà không bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp bởi họ cũng không giám sát được việc sử dụng vốn của doanh nghiệp sau huy động. Chưa kể, việc bảo lãnh thanh toán trái phiếu cũng không được phép.
Chuyên viên này đưa ra lời khuyên, nhà đầu tư đừng nhìn vào lãi suất cao, mà phải nghiên cứu kỹ cáo bạch phát hành trái phiếu, uy tín của đơn vị bảo lãnh phát hành, tài sản đảm bảo cho trái phiếu… Khi đã xác định mua trái phiếu doanh nghiệp, phải xác định đây là kênh đầu tư, mà đầu tư thì đương nhiên có rủi ro, không thể an toàn như gửi tiết kiệm.
Doanh nghiệp chết lâm sàng, trái chủ sẽ mất trắng
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng
Nhiều nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu đều tin rằng được ngân hàng bảo lãnh. Nhưng tôi đã kiểm tra kỹ nhiều hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp và thấy rằng, nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu gặp rủi ro, nhà đầu tư sẽ mất trắng. Dù nhiều ngân hàng có ghi là “bảo lãnh”, nhưng ngôn từ rất khôn khéo, đẩy trách nhiệm cho công ty chứng khoán trực thuộc. Nhà đầu tư đọc loáng thoáng tưởng ngân hàng và công ty chứng khoán bảo lãnh, song thực tế công ty chứng khoán chỉ bảo lãnh phát hành. Nếu rủi ro xảy ra, tăng trưởng GDP giảm tốc, thị trường gặp khó khăn, doanh nghiệp ‘chết lâm sàng’, thì trái chủ sẽ mất trắng.