Trong số 14 nhà thầu thi công 4 dự án do Sở GTVT Cần Thơ quản lý trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay bị Thanh tra Bộ GTVT đề nghị xử lý trách nhiệm, nặng nhất là trường hợp của Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới (trước kia là Công ty cổ phần Bê tông 620 - Bình Minh). Nhà thầu này nhiều khả năng sẽ bị cấm tham gia đấu thầu các dự án trong ngành GTVT trong vòng 2 năm do vi phạm trong quá trình đấu thầu, không thực hiện hợp đồng theo quy định.
Hai nhà thầu khác là Công ty Thành An 119, Công ty cổ phần Xây dựng Vinashin cũng bị kiến nghị không xem xét chỉ định thầu do yếu kém về năng lực, thi công không đảm bảo tiến độ, không có trách nhiệm trong việc thực hiện hợp đồng. Ngoài 3 nhà thầu bị “thẻ đỏ” nói trên, Thanh tra Bộ GTVT còn đề nghị rút “thẻ vàng” - thông báo tới các chủ đầu tư cần thận trọng khi xét thầu đối với 7 đơn vị thi công xây lắp; 4 đơn vị tư vấn khác.
Được biết, số lượng “thẻ phạt” nhiều vào loại kỷ lục này được đưa ra sau khi Thanh tra Bộ GTVT có Kết luận số 1135/KL - BGTVT về công tác quản lý, thực hiện các dự án công trình giao thông từ năm 2009 đến nay của Sở GTVT Cần Thơ.
Cụ thể, có 4 dự án giao thông sử dụng vốn ngân sách rơi vào tầm ngắm của Thanh tra Bộ GTVT là Dự án Đường Thới Thuận - Thạnh Lộc (dài 12 km, tổng vốn ban đầu là 4,84 triệu USD); Dự án Mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui (dài 7 km, vốn đầu tư 886 tỷ đồng); Dự án Mở rộng Quốc lộ 91 đoạn Ngã tư Bến Xe - Trà Nóc (dài 7 km, đầu tư 1.398 tỷ đồng); Dự án Đường nối Vị Thanh - Cần Thơ qua TP. Cần Thơ (vốn đầu tư 470 tỷ đồng).
Theo đánh giá của Thanh tra Bộ GTVT, Sở GTVT Cần Thơ - chủ đầu tư 4 dự án đã để xảy ra nhiều sai sót, hạn chế trong công tác quản lý và điều hành dự án tại hầu hết các khâu quan trọng, từ khảo sát thiết kế; đấu thầu, thực hiện hợp đồng... tới nghiệm thu thanh toán cho các đơn vị thi công.
Những sai sót này có nguyên nhân không nhỏ từ việc Sở GTVT Cần Thơ lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát không trúng, đưa nhiều đơn vị tư vấn “hạng lông” vào các dự án.
Cụ thể, năng lực của Công ty cổ phần Kiến trúc và xây dựng MeKong miền Tây trong việc lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu quá yếu. Tại thời điểm giao thầu tư vấn, đơn vị chỉ có 7 nhân sự (kể cả bảo vệ), trong đó chỉ có 1 thạc sỹ kỹ thuật, 1 kỹ sư xây dựng. Điều đáng nói là “tuổi đời” của đơn vị tư vấn này rất mỏng, tính từ khi thành lập (tháng7/2009) đến khi được giao thầu (tháng 11/2009) chỉ… vỏn vẹn 4 tháng.
Năng lực của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Hoàng Nguyên tư vấn đấu thầu xây dựng Dự án Mở rộng Quốc lộ 91 đoạn Ngã tư Bến Xe - Trà Nóc cũng không khá hơn. Toàn bộ 4 thành viên tổ tư vấn được thành lập đều không phải là nhân viên của Công ty.
“Đây là một lý do khiến nhiều nhà thầu trúng thầu tại các dự án do Sở GTVT Cần Thơ làm chủ đầu tư nhanh chóng “đổ bệnh” do yếu kém về tài chính, năng lực thi công khiến tiến độ thi công bị kéo dài”, một chuyên gia đánh giá.
Việc thực hiện hợp đồng kinh tế của chủ đầu tư cũng có nhiều khiếm khuyết, khi Sở GTVT Cần Thơ đã để ít nhất 5 đơn vị, trong đó có cả những tên tuổi lớn như Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng, Tổng công ty Thành An... sau khi trúng thầu, được chỉ định thầu, nhưng không thực hiện mà ủy quyền cho đơn vị không có tên trong hồ sơ dự thầu triển khai thực hiện toàn bộ gói thầu (chưa có văn bản chấp thuận của chủ đầu tư). Theo Luật Đấu thầu, đây là một lỗi rất nghiêm trọng, có thể quy về hành động bán thầu (vốn bị cấm trong quá trình thực hiện dự án).
Công tác cấp phát tạm ứng - thu hồi tạm ứng các đơn vị xây lắp cũng bộc lộ sự thiếu chuyên nghiệp của chủ đầu tư. Cụ thể, tại Dự án Mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT Cần Thơ) đã không có sự thống nhất trong việc thực hiện chuyển tiền tạm ứng, thanh toán cho các nhà thầu: Gói thầu số 1 chuyển 25% tiền tạm ứng theo giá trị hợp đồng; gói thầu số 2 chuyển 17%; gói thầu số 3 chuyển 21%...
Bên cạnh đó, việc bố trí vốn thanh toán cho nhà thầu cũng không được Sở GTVT Cần Thơ thực hiện tròn trách nhiệm. Theo số liệu của đoàn Thanh tra, hiện Sở GTVT Cần Thơ còn nợ khối lượng của các đơn vị thi công tại 4 dự án nói trên tới 174 tỷ đồng.
Điều đáng lưu ý là, tại Dự án Mở rộng Quốc lộ 91, cho dù Sở GTVT Cần Thơ đã có văn bản đình hoãn, giãn tiến độ vào tháng 3/2011, nhưng đến thời điểm thanh tra (tháng 8/2013), chủ đầu tư chưa thu hồi tạm ứng còn lại của 3 nhà thầu, với tổng số tiền lên tới 41 tỷ đồng.
“Sở GTVT Cần Thơ cần kiểm điểm rút kinh nghiệm, đề ra biện pháp xử lý, khắc phục những tồn tại, sai sót; xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân theo phân cấp và báo cáo về Bộ GTVT trước ngày 15/3/2014”, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ GTVT yêu cầu.