Mùa quả ngọt AI mới chỉ bắt đầu

0:00 / 0:00
0:00
Sau 4-5 năm nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều doanh nghiệp Việt bắt đầu “hái ra tiền” từ AI…
Hệ sinh thái các sản phẩm AI của VNPT đang cung cấp cho các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, thương mại điện tử. Hệ sinh thái các sản phẩm AI của VNPT đang cung cấp cho các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, thương mại điện tử.

Quả ngọt từ AI

Hơn 100.000 xe SUV của một hãng xe lớn châu Âu ứng dụng sản phẩm AI nâng cao quan sát trong suốt (JellyView) của VinAI sắp ra mắt trên thị trường là dấu mốc quan trọng cho chiến lược mang sản phẩm AI người Việt ra quốc tế. Chỉ sau 4 năm đầu tư lớn cho AI, VinAI đã tạo ra hàng loạt sản phẩm ứng dụng AI, đặc biệt là AI trong sản xuất ô tô, góp phần tạo nên thành công cho việc chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ ngày 15/8 của VinFast.

“Khi mọi người nói về AI tạo sinh như là một trào lưu mới về AI 2.0, thì VinAI đã nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực này từ 4 năm trước. Tập hợp gần 200 nhà nghiên cứu và kỹ sư hàng đầu, VinAI luôn nỗ lực hết sức để cải tiến sản phẩm và phát triển những tính năng mới vượt trội, nhằm giải quyết những vấn đề thiết thực cho khách hàng và cộng đồng”, GS-TS. Bùi Hải Hưng, Tổng giám đốc VinAI cho biết.

Trong khi đó, Techcombank đã thực hiện chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào 3 trụ cột chuyển đổi số hóa, dữ liệu và nhân tài. Trong đó, AI và Big Data đã mang lại “trái ngọt” giúp Ngân hàng tăng trưởng ấn tượng trên hành trình chuyển đổi số. “Techcombank đầu tư chỉn chu vào ngân hàng số Techcombank Mobile cả về hệ thống, thiết kế, trải nghiệm, sản phẩm”, ông Pranav Seth, Giám đốc Văn phòng chuyển đổi số Techcombank cho biết.

Tại FPT, sau thời gian đầu tư lớn cho AI, doanh số dịch vụ IT ký mới với các thị trường nước ngoài cán mốc 1 tỷ USD, tăng gần 40% so với năm trước. Doanh thu dịch vụ chuyển đổi số cũng tăng mạnh 33%, đạt 7.349 tỷ đồng. FPT hướng tới 1 triệu khách hàng trong nước và hưởng lợi từ việc Chính phủ giải ngân đầu tư chuyển đổi số các dự án công.

“FPT đã có những dự án nghiên cứu liên quan đến mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để tăng thêm mức độ chính xác của AI. Chẳng hạn, trong mảng dịch vụ chăm sóc khách hàng, ứng dụng AI của Công ty giúp hỗ trợ gần 10 triệu khách hàng/tháng với độ chính xác từ 96-98%”, ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud cho biết.

Tại các nhà mạng lớn như VNPT, Viettel, MobiFone, ứng dụng AI cũng đã sớm được triển khai từ 5 năm trước và hiện xuất hiện ở hầu khắp các sản phẩm của họ. Tại VNPT, hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện (các bộ giải pháp về chính phủ số, thành phố thông minh, doanh nghiệp số, y tế điện tử, giáo dục điện tử…) đều sử dụng công nghệ AI.

Mảnh đất vẫn đủ cho doanh nghiệp canh tác

Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc VNPT, doanh nghiệp Việt vẫn có nhiều cơ hội trong cuộc cạnh tranh AI. Lợi thế lớn nhất là phát triển các sản phẩm AI đặc thù, giải quyết các bài toán quốc gia của Việt Nam, phục vụ người Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra một không gian phát triển mới cho doanh nghiệp số là phát triển trợ lý ảo AI cho công chức, viên chức nhà nước. Một trong những ứng dụng hiệu quả nhất mà AI mạng lại, nhất là khi xuất hiện “generative AI” dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn, là trợ lý ảo.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các start-up AI đã huy động được hơn 25 tỷ USD đầu tư mạo hiểm. Đáng chú ý, mới đây, SK Telecom (Hàn Quốc) đầu tư 100 triệu USD vào công ty trí tuệ nhân tạo Anthropic của Mỹ nhằm mở rộng hoạt động trong lĩnh vực AI.

“Trợ lý ảo cho hệ thống công viên chức nhà nước là một bước tiến lớn của chính phủ số. Việc xây dựng trợ lý ảo công viên chức nhà nước sẽ đi cùng với phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt. Mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt cũng sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp khác phát triển các loại trợ lý ảo tiếng Việt, ví dụ trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho mọi người dân”, Bộ trưởng Hùng nói.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, trong nghiên cứu, ứng dụng AI, Việt Nam mạnh nhất ở các sản phẩm trợ lý ảo thuần Việt. Nhóm thứ 2 là các sản phẩm xử lý ảnh, camera nhận dạng người, biển số xe... Nhóm thứ 3 là các sản phẩm trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính, giúp tự động gợi ý sản phẩm cho khách hàng.

Theo ông Duy, các công ty AI của Việt Nam nên tham gia một số lĩnh vực hẹp của AI như thị giác máy tính, camera thông minh. Tiếp theo là chatbot, gợi ý sản phẩm trong thương mại điện tử hoặc những bài toán liên quan tới việc tạo ra nội dung. Phần lớn các công ty công nghệ trên thế giới đều đi theo một ngành hẹp như thế, rất ít công ty phát triển theo hướng bao trùm như các gã khổng lồ Big Tech.

“Viettel đang tập trung nghiên cứu phát triển AI với 3 lĩnh vực chính là xử lý tiếng nói và ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và phân tích dữ liệu. Ngoài ra, Viettel cũng đang phát triển thêm 2 lĩnh vực Robotic và Digital Twin (bản sao số)”, ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace) chia sẻ.

Mảnh đất ứng dụng AI tại Việt Nam rất màu mỡ. Rất có thể sau làn sóng blockchain, Việt Nam sẽ tiếp bước trở thành cái nôi của công nghệ AI chatbot.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục