Nói như vậy là bởi vấn đề trên đã được Nhóm công tác thị trường vốn nêu ra tại VBF giữa kỳ 2015 diễn ra vào đầu tháng 6 năm nay.
Trên thực tế, sau kiến nghị này, với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện, Bộ Tài chính đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy xây dựng chính sách. Tuy nhiên, việc không rõ thời điểm nào chính sách này sẽ được ban hành cùng sự xuất hiện yếu tố chồng chéo trong xây dựng cơ chế đang gây quan ngại.
Tại VBF cuối kỳ 2015 vừa diễn ra, Nhóm công tác thị trường vốn được biết Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện và đang tiến hành các bước có liên quan trước khi trình lên Chính phủ. Tuy nhiên, nhóm công tác này tỏ ý quan ngại khi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đang xây dựng một nghị định có nội dung tương tự, nên kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bên có liên quan để không còn sự chồng chéo, đảm bảo văn bản này được ban hành trong thời gian sớm nhất.
Đại diện Bộ Tài chính trấn an, dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện đã lấy ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp, nên sẽ sớm được ban hành. Khi hành lang pháp lý cho thành lập quỹ hưu trí được mở ra sẽ giúp tăng dòng tiền cho TTCK.
Một mặt tỏ ý chưa an tâm với lời hứa từ phía cơ quan quản lý, mặt khác giới đầu tư cảm thấy sốt ruột vì sự chậm trễ trong ban hành quy định về quỹ hưu trí tự nguyện. Họ sốt ruột bởi chủ trương ban hành chính sách này đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra từ khá sớm, khi yêu cầu Bộ Tài chính phải trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện trong năm 2014.
Giới đầu tư sốt ruột, bởi các yếu tố cho triển khai quỹ hưu trí tự nguyện theo mô hình ủy thác lần đầu tiên tại Việt Nam hiện khá chín muồi, có sự sẵn sàng của cả phía cung cấp dịch vụ (công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát...) lẫn bên sử dụng dịch vụ (các doanh nghiệp, người lao động).
“Chúng tôi cảm nhận rõ đang có khoảng cách khá lớn từ chủ trương cho tới việc ban hành chính sách cho quỹ hưu trí đi vào hoạt động. Sau không dưới một lần lỗi hẹn, không biết đến bao giờ mới có chính sách này”, lãnh đạo một công ty quỹ lớn đặt câu hỏi.
Càng chậm trễ trong triển khai quỹ hưu trí, sẽ càng khó khăn hơn trong sớm hiện thực hóa mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã định ra là đến năm 2020, doanh số tích lũy của các quỹ hưu trí tự nguyện để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường vốn, TTCK đạt khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng...
Một thông điệp cụ thể về thời điểm ban hành chính sách cho sự ra đời của quỹ hưu trí tự nguyện, hoặc nếu tiếp tục chậm trễ thì cần nêu lý do cụ thể, đang là điều các doanh nghiệp, giới đầu tư chờ đợi cơ quan quản lý lên tiếng.