Ai bảo vệ an toàn cho quỹ?
Đó là câu hỏi được nhiều bên liên quan đặt ra khi cơ chế bảo vệ an toàn cho tài sản của quỹ HTTN chưa được làm rõ tại dự thảo Nghị định về quỹ HTTN. Điều này xuất phát từ đặc thù quỹ HTTN là sản phẩm rất dài hạn, thời gian tồn tại 30 - 40 năm, thậm chí hàng trăm năm.
Sau khi người lao động nghỉ hưu, tổ chức nào sẽ đứng ra giám sát, quản lý các công ty được phép lập và quản lý quỹ HTTN (như dự thảo cho phép là gồm 3 đối tượng: ngân hàng, công ty quản lý quỹ và DN bảo hiểm nhân thọ)? Trường hợp các DN này giải thể, phá sản thì ai, cơ chế nào bảo vệ an toàn tài sản, cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp cho những người tham gia quỹ HTTN?
Những câu hỏi trên được đặt ra xuất phát từ hiện trạng pháp lý hiện nay của Việt Nam. Trên thế giới, hiện quỹ hưu trí được tổ chức dưới dạng 3 mô hình: có tư cách pháp nhân, không có tư cách pháp nhân (tương tự như mô hình các quỹ mở, quỹ ETF mà các công ty quản lý quỹ Việt Nam đang quản lý) và quỹ theo mô hình tín thác.
Sở dĩ các nước cho phép 3 đối tượng gồm: ngân hàng, công ty quản lý quỹ và DN bảo hiểm nhân thọ được đứng ra lập và quản lý quỹ HTTN vì các nước có hệ thống pháp luật về người nhận ủy thác.
Theo đó, luật này cho phép duy nhất đối tượng được thành lập quỹ là người nhận ủy thác (3 đối tượng trên). Điểm đặc biệt là pháp luật về tín thác cho phép người nhận ủy thác (người thành lập quỹ) được đứng tên sở hữu các tài sản, tiền huy động vào quỹ HTTN, nhưng những người chủ sở hữu tài sản đích thực vẫn là các bên góp tiền vào quỹ.
Tuy nhiên, hiện hệ thống pháp luật của Việt Nam không có quy định về tín thác, có nghĩa là tài sản đứng tên ai, thì người đó chính là chủ sở hữu tài sản đó.
Theo thông lệ quốc tế, sau khi người nhận ủy thác thành lập và huy động vốn lập quỹ hưu trí, người nhận ủy thác ủy quyền cho các đối tượng tham gia vận hành quỹ hưu trí, cụ thể: ủy quyền cho công ty quản lý quỹ thực hiện chức năng đầu tư; ủy quyền cho ngân hàng thực hiện chức năng giám sát; ủy quyền cho tổ chức quản trị quỹ thực hiện chức năng quản trị hệ thống tài khoản.
Từ phân tích trên, do Việt Nam không có luật về người nhận ủy thác theo thông lệ quốc tế, nên không thể áp dụng mô hình quỹ tín thác, mà chỉ có thể lựa chọn 1 trong 2 mô hình là quỹ có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân.
Để đảm bảo nguyên tắc số 1 khi triển khai quỹ HTTN là an toàn tài sản cho các bên tham gia, mô hình quỹ hưu trí có tư cách pháp chỉ được triển khai ở các nước có hệ thống pháp luật đồng bộ về người nhận ủy thác, vì nó cho phép bên tổ chức và quản lý quỹ đứng tên tài sản của các bên đóng góp vào quỹ, nhưng bản chất tài sản vẫn thuộc sở hữu của các bên tham gia quỹ.
Trong khi đó, nếu áp dụng mô hình này tại Việt Nam, sẽ dẫn tới tình trạng tài sản của DN, người lao động, người dân đóng góp vào quỹ HTTN bị hạch toán vào tài sản của bên thành lập và quản lý quỹ HTTN (DN bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng như dự thảo cho phép).
Việc không có hệ thống quy định pháp luật về người nhận ủy thác dẫn đến tài sản đứng tên ai thuộc sở hữu của người đó. Điều này nghĩa là tài sản của người tham gia quỹ HTTN sẽ được chuyển quyền sở hữu sang tay DN bảo hiểm và ngân hàng. Nếu DN bảo hiểm và ngân hàng chẳng may lâm vào tình trạng giải thể, phá sản, thì tài sản của các bên góp vào quỹ HTTN sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Điều này cho thấy, dự thảo không giải quyết được một bài toán lớn khi triển khai quỹ HTTN tại Việt Nam là cách nào để bảo vệ tài sản cho người tham gia, khi quỹ này có tuổi thọ hàng trăm năm, trong khi các bên tổ chức và quản lý quỹ có thể đối mặt với giải thể, phá sản bất cứ lúc nào.
Giải pháp nào khả thi?
Từ kinh nghiệm quốc tế, cũng như điều kiện thực tiễn của Việt Nam, quỹ HTTN chỉ có thể sớm ra đời nếu triển khai theo mô hình quỹ hưu trí không có tư cách pháp nhân.
Với mô hình này, trước mắt, các công ty quản lý quỹ đáp ứng các đòi hỏi khắt khe về quản trị, an toàn tài chính, có hệ thống hạ tầng theo chuẩn mực quốc tế… sẽ được phép đứng ra thành lập và quản lý quỹ HTTN.
Khi đó, toàn bộ tài sản của quỹ được hạch toán hoàn toàn độc lập với công ty quản lý quỹ. Bởi vậy, ngay cả khi công ty quản lý quỹ giải thể, phá sản thì tài sản của quỹ vẫn được an toàn. Chừng nào Việt Nam có hệ thống pháp luật về người nhận ủy thác, thì mới nên cho phép thêm 2 đối tượng như dự thảo đề xuất là: ngân hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ được phép lập quỹ hưu trí.
Bởi vậy, để đảm bảo tính khả thi cho triển khai quỹ HTTN tại Việt Nam, dự thảo Nghị định về quỹ HTTN nên điều chỉnh theo hướng phân vai rõ ràng chức năng cho các bên tham gia.
Cụ thể, công ty quản lý quỹ được phép thành lập và quản lý quỹ hưu trí, trong đó quỹ này được tổ chức và vận hành tương đối độc lập với công ty quản lý quỹ.
Toàn bộ tài sản của quỹ được hạch toán hoàn toàn tách bạch với tài sản của công ty quản lý quỹ. Hoạt động đầu tư của quỹ tuân thủ các quy định về hạn mức đầu tư vào các loại tài sản khác nhau do Nghị định về quỹ HTTN đặt ra, cũng như điều lệ của quỹ và chịu sự giám sát của ngân hàng giám sát.
Với các ngân hàng, vì hiện không có hành lang pháp lý về người nhận ủy thác, cũng như thực tiễn hoạt động của các ngân hàng hiện chỉ thuần túy là ngân hàng tín dụng (chứ không phải mô hình ngân hàng đa năng như nhiều nước với chức năng được phép nhận ủy thác), do đó chưa nên trao quyền được phép đứng ra lập và quản lý quỹ HTTN như dự thảo vì những lý do như trên.
Các ngân hàng chỉ nên đảm đương chức năng giám sát hoạt động của quỹ HTTN như thông lệ quốc tế cũng như đang thực hiện đối với các quỹ đầu tư là quỹ mở, quỹ ETF do các công ty quản lý quỹ đang quản lý trên thị trường.