Tháng 8, Bộ Tài chính chốt đề án quỹ hưu trí tự nguyện

(ĐTCK) Sau thời gian dài bị trì hoãn, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tháng 8 tới, dự kiến phương án lập quỹ hưu trí tự nguyện theo mô hình ủy thác sẽ được Bộ chốt trên cơ sở tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, DN… để trình lên Chính phủ xem xét.
 
Sự phát triển của ngành quản lý quỹ thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc sớm triển khai thành công Quỹ HTTN Sự phát triển của ngành quản lý quỹ thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc sớm triển khai thành công Quỹ HTTN

Có bị chậm thêm?

Đại diện Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện (HTTN) theo mô hình ủy thác, cho biết, dự thảo đang được khẩn trương hoàn thiện, để chuẩn bị công bố lấy ý kiến các thành viên thị trường. Do đây là mô hình lần đầu tiên được đề xuất triển khai tại Việt Nam, nên Ban soạn thảo đã nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm quốc tế, cũng như căn cứ bối cảnh thực tiễn của Việt Nam, để đề xuất phương án triển khai khả thi.

Theo phương án lập quỹ HTTN mà Bộ Tài chính sắp trình Chính phủ xem xét phê duyệt, ngoài làm rõ mô hình tổ chức và hoạt động của quỹ, khung pháp lý cũng định ra các cơ chế đóng góp, chi trả, giới hạn đầu tư của quỹ, nguyên tắc về minh bạch thông tin, giám sát hoạt động của quỹ, để đảm bảo quỹ hoạt động an toàn, hiệu quả.

Đại diện Bộ Tài chính nhìn nhận, việc hình thành Quỹ HTTN sẽ góp phần gia tăng sức cầu đáng kể và bền vững cho TTCK, đồng thời tạo thêm dư địa phát triển mới cho các công ty quản lý quỹ thông qua quản lý ủy thác các nguồn vốn đầu tư từ Quỹ HTTN vào TTCK...

Việc Bộ Tài chính sắp công bố dự thảo Nghị định về Quỹ HTTN đang thu hút sự quan tâm của các thành viên thị trường, nhất là trong bối cảnh hiện có những thông tin khá “nhiễu” liên quan đến xây dựng chính sách này. Cụ thể như gần đây, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, đang có sự lúng túng, chồng lấn trong xây dựng khung pháp lý cho Quỹ HTTN ra đời và hoạt động, khi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đang được giao xây dựng hai dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm hưu trí bổ sung và bảo hiểm HTTN.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, lẽ ra Bộ Tài chính phải trình Chính phủ dự thảo Nghị định về Quỹ HTTN theo mô hình ủy thác trong năm 2014. Tuy nhiên, vì lý do cần có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình tổ chức và triển khai một mô hình khá phức tạp và hoàn toàn mới đối với Việt Nam, nên Bộ Tài chính đã đề xuất lùi thời hạn trình dự thảo Nghị định vào khoảng quý II/2015, nhưng nay lại tiếp tục lùi sang quý III/2015. Câu hỏi mà các thành viên thị trường đặt ra là, ngoài lý do cần có thêm thời gian nghiên cứu thấu đáo phương án triển khai Quỹ HTTN, thì có hay không tình trạng lúng túng, chồng lấn trong xây dựng chính sách, nên dẫn đến cơ chế cho Quỹ HTTN ra đời đang bị chậm trễ? Việc chậm trễ này nếu tiếp tục kéo dài, thì không chỉ gây thất vọng cho các thành viên thị trường, mà còn khó đạt mục tiêu như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu là đến năm 2020, doanh số tích lũy của các Quỹ HTTN để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường vốn, TTCK đạt khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng...

Theo ý kiến của các công ty quản lý quỹ, nếu trong năm nay, Quỹ HTTN được phép thành lập và đi vào hoạt động, sẽ tạo đột phá đối với ngành quản lý quỹ. Trong giai đoạn 2015 - 2016, cũng như dài hơi hơn, sự phát triển của ngành quản lý quỹ sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc sớm triển khai thành công Quỹ HTTN... Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quỹ đầu tư lớn nhất trên thế giới đều là các quỹ hưu trí, nó tạo ra sức cầu rất lớn cho TTCK. 

Cần ưu đãi thuế

Ngoài lý do chưa hợp khẩu vị của NĐT, việc thiếu các chính sách hỗ trợ, nhất là về phí, thuế đang khiến cho quỹ mở và quỹ ETF hoạt động mờ nhạt như hiện tại. Bởi vậy, chuyên gia trong lĩnh vực quỹ đầu tư cho rằng, đừng để “vết xe đổ” này lặp lại khi triển khai Quỹ HTTN, nếu nhà quản lý muốn thúc đẩy Quỹ HTTN phát triển.

Theo thông lệ quốc tế, việc xem xét đánh thuế đối với Quỹ HTTN được cân nhắc ở 3 giai đoạn: khoản đóng góp ban đầu, khoản thu nhập nhận được từ việc đầu tư của Quỹ và rút tiền khỏi Quỹ HTTN. Trong khi hầu hết các nước đều miễn thuế đối với hai giai đoạn đầu, một số nước chỉ đánh thuế khi người lao động rút tiền khỏi Quỹ HTTN, thì rất nhiều nước như: Hàn Quốc, Séc, Phần Lan… đều miễn thuế hoàn toàn đối với cả 3 giai đoạn, nhằm khuyến khích Quỹ HTTN phát triển.               

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục