Theo dự thảo Nghị định về HTTN, do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi, có 3 đối tượng gồm: ngân hàng, công ty quản lý quỹ (QLQ) và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được tham gia cung cấp dịch vụ quản lý Quỹ HTTN.
Các công ty QLQ đã không giấu được sự... ngỡ ngàng với hướng dự thảo trên, bởi theo mường tượng của họ, công ty QLQ là đối tượng chính cung cấp dịch vụ quản lý Quỹ HTTN.
Một số công ty QLQ quan tâm tới triển khai Quỹ HTTN như: CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM)... đề xuất Bộ Tài chính trong giai đoạn đầu triển khai Quỹ HTTN, chỉ nên trao quyền cho công ty QLQ quản lý quỹ này.
Lý lẽ để các công ty QLQ đưa ra đề xuất trên xuất phát từ đặc thù hoạt động của Quỹ HTTN mang tính chất ủy thác đầu tư. Pháp lý hiện hành đã quy định rõ công ty QLQ được phép nhận ủy thác để đầu tư vào thị trường trái phiếu, cổ phiếu, trong khi ngân hàng không được phép nhận ủy thác đầu tư.
Nếu cho phép ngân hàng tham gia, thì phải sửa nhiều văn bản pháp lý. Các công ty QLQ cho rằng, họ có nghiệp vụ chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, nên sẽ tham gia triển khai tốt Quỹ HTTN. Việc cho phép nhiều đối tượng tham gia cung cấp dịch vụ quản lý Quỹ HTTN sẽ dẫn đến phân tán nguồn lực, khó hình thành quỹ.
Theo tính toán của các công ty QLQ, nếu trong 3 năm đầu hoạt động mà các công ty QLQ không huy động được quỹ với số vốn tối thiểu khoảng 300 tỷ đồng, thì sẽ khó duy trì sự tồn tại của Quỹ HTTN. Lý do là bởi, mức vốn này mới đủ trang trải cho các chi phí liên quan đến quản trị quỹ, trả chi phí cho các bên cung cấp dịch vụ ngân hàng lưu ký, giám sát.
Nhưng đó là lý lẽ của các công ty QLQ. Còn các đối thủ của họ thì không hoàn toàn nghĩ như vậy. Đại diện Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ PVI Sun Life cho rằng, khi Ban soạn thảo đưa ra quy định: ngân hàng, công ty QLQ và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được tham gia cung cấp dịch vụ quản lý quỹ HTTN đã nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế.
Ban soạn thảo cần bổ sung quy định chi tiết các điều kiện về người giữ chức danh tổng giám đốc, kinh nghiệm quản trị, vốn..., để tạo mặt bằng chung giữa ngân hàng, công ty QLQ và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Đơn cử như để triển khai sản phẩm HTTN, các công ty bảo hiểm nhân thọ phải có vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng, trong khi các công ty QLQ chỉ có vốn tối thiểu là 25 tỷ đồng. Việc quá khác biệt về mức vốn, năng lực quản trị, điều hành… sẽ không đảm bảo một mặt bằng chung, nên sẽ khó triển khai tốt chương trình lập Quỹ HTTN.
Ngoài hạn chế về vốn, một điểm yếu nữa của công ty QLQ mà đại diện PVI Sun Life chỉ ra là hệ thống công nghệ thông tin. Tuy các công ty QLQ có chuyên môn về đầu tư, nhưng một vấn đề quan trọng trong quá trình quản lý, vận hành hệ thống tài khoản cá nhân của Quỹ HTTN là đòi hỏi hệ thống công nghệ thông tin được đầu tư bài bản, có chiều sâu, để quản lý quỹ suốt vài chục, thậm chí hàng trăm năm.
Liên quan đến hạ tầng triển khai quỹ, nhiều dịch vụ của các công ty QLQ phải đi thuê bên ngoài, trong khi với các ngân hàng quốc tế, công ty bảo hiểm nhân thọ có đủ kinh nghiệm và hệ thống công nghệ thông tin, để triển khai hiệu quả Quỹ HTTN…
Từ phía ngân hàng, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phụ trách khối dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng Citibank Việt Nam cho biết, việc cung cấp các dịch vụ lưu ký, giám sát cho các quỹ đầu tư đã được các ngân hàng nỗ lực thực hiện tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dịch vụ này gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến mở rộng quy mô cung cấp các dịch vụ này.
“Trong dự thảo Nghị định về Quỹ HTTN còn nhiều vấn đề chưa rõ về sự tham gia của Trung tâm Lưu ký (VSD) và các thành viên lưu ký trong cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản đầu tư của các quỹ hưu trí. Dự thảo cũng chưa làm rõ trách nhiệm của ngân hàng giám sát, cũng như của các công ty QLQ. Ban soạn thảo nên tổ chức buổi làm việc với VSD và các ngân hàng, để phân định rõ không gian cung cấp dịch vụ cho các bên...”, bà Hà đề nghị.