Thủ tướng cho phép lập Quỹ hưu trí tự nguyện

(ĐTCK) Đề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện (HTTN) tại Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 144/2014 ngày 20/1, có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành. Điều này cho phép lần đầu tiên hình thành Quỹ HTTN, qua đó góp phần cải thiện an sinh xã hội, mở ra dư địa phát triển mới cho TTCK.
 
Thủ tướng cho phép lập Quỹ hưu trí tự nguyện

Đưa Quỹ HTTN đạt 10.000 - 12.000 tỷ đồng

Theo Đề án, việc hình thành và phát triển chương trình HTTN nhằm xây dựng hệ thống hưu trí đa trụ cột, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời khuyến khích tiết kiệm, mở rộng cơ sở NĐT vốn dài hạn trên thị trường vốn theo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020.

Để đạt mục tiêu trên, Đề án đưa ra những định hướng cụ thể: đến năm 2020, có khoảng 400 - 500 DN, với khoảng 150.000 người tham gia mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí, hoặc đóng góp vào các Quỹ HTTN theo hình thức ủy thác đầu tư. Đến năm 2020, doanh số tích lũy của các Quỹ HTTN để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường vốn, TTCK khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng. Khuyến khích đối tượng tham gia chương trình HTTN là người lao động và người sử dụng lao động (DN) có ký kết hợp đồng lao động. Người lao động, DN chỉ được tham gia và hưởng các chính sách ưu đãi đối với chương trình HTTN, khi đã tham gia đầy đủ các chương trình bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Theo kinh nghiệm, cũng như thông lệ quốc tế, để thúc đẩy hình thành và phát triển Quỹ HTTN trong giai đoạn ban đầu, nhà nước thường áp dụng đồng bộ các chính sách khuyến khích người lao động và DN tham gia Quỹ HTTN. Trong đó, quan trọng nhất là chính sách ưu đãi thuế. Nhiều nước áp dụng chính sách miễn thuế đối với cả 3 giai đoạn hình thành và phát triển của Quỹ HTTN là: khoản đóng góp ban đầu; khoản thu nhập nhận được từ hoạt động đầu tư của Quỹ; rút tiền khi thành viên của Quỹ nhận được các khoản lợi ích của mình...

Từ kinh nghiệm trên, theo Đề án vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nhà nước khuyến khích người lao động, DN tham gia chương trình HTTN theo các hình thức sản phẩm của chương trình và có các chính sách ưu đãi về thuế đối với các khoản đóng góp, lợi nhuận đầu tư và các khoản chi trả cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu. Điều kiện được hưởng mức ưu đãi thuế cụ thể thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và các văn bản hướng dẫn.

Cụ thể, theo quy định của Luật Thuế TNDN sửa đổi và Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNDN, Quỹ HTTN được ưu đãi thuế ở 2 khâu: thu nhập từ hoạt động đầu tư của quỹ; DN được trừ khỏi thu nhập chịu thuế với mức tối đa 1 triệu đồng/người lao động/tháng để trích nộp Quỹ HTTN. Còn theo quy định của Luật Thuế TNCN và Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN, cá nhân được miễn thuế 2 khâu: tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ Quỹ HTTN; mức đóng vào Quỹ HTTN được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế tối đa là 12 triệu đồng/năm.

Để cụ thể hóa hơn chính sách ưu đãi thuế đối với các đối tượng tham gia Quỹ HTTN, tại Đề án hình thành và phát triển chương trình HTTN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan trong năm 2014 phải hoàn thành xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết đối tượng, mức và điều kiện được tính vào chi phí, được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế, hoặc miễn/giảm thuế đối với các khoản đóng góp vào, lợi nhuận đầu tư và các khoản chi trả từ chương trình HTTN.

Thêm dư địa phát triển cho TTCK

Tại Nghị quyết 01/2014 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2014 của Chính phủ, một trong những giải pháp trọng tâm là Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tập trung triển khai các giải pháp để hình thành và phát triển Quỹ HTTN.

Để cụ thể hóa chỉ đạo trên, tại Đề án hình thành và phát triển chương trình HTTN, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định về Quỹ HTTN theo mô hình ủy thác trong năm 2014. Trong đó, quy định rõ cơ chế đăng ký thành lập Quỹ; những quy định khung về mô hình tổ chức và hoạt động; cơ chế đóng góp, chi trả, giới hạn đầu tư của Quỹ, đảm bảo an toàn của Quỹ HTTN; cơ chế thông tin, báo cáo, giám sát Quỹ. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý về quỹ đầu tư chứng khoán, ủy thác đầu tư trên TTCK theo hướng mở rộng, đa dạng hóa các loại sản phẩm đầu tư trên thị trường vốn, củng cố hệ thống NĐT có tổ chức trên thị trường theo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một lãnh đạo Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang khẩn trương nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định về Quỹ HTTN theo mô hình ủy thác, với các nội dung theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án vừa được phê duyệt.

Theo thông lệ quốc tế, hoạt động đầu tư của Quỹ HTTN được thiết kế theo hướng có sự tham gia của các công ty quản lý quỹ thông qua hệ thống quỹ mở, đồng thời có sự giám sát chặt chẽ của ngân hàng giám sát, cũng như cơ quan quản lý. Với hệ thống quỹ mở phát triển đa dạng đến thời điểm này là 10 quỹ, sắp tới sẽ có thêm một số quỹ ra đời, trong đó có nhiều quỹ đầu tư trái phiếu, đã đáp ứng tốt cho sự hình thành và phát triển của Quỹ HTTN, thỏa mãn yêu cầu số một là an toàn trong giai đoạn phát triển ban đầu. Bởi vậy, việc sớm hình thành Quỹ HTTN sẽ mở ra dư địa phát triển mới cho TTCK, nhất là đối với ngành quỹ, góp phần thúc đẩy thị trường vốn, TTCK phát triển nhanh và lành mạnh hơn.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục