Môi trường kinh doanh không thể thiếu các chốt chặn

Lo ngại về sự xuất hiện không hợp lý, không cần thiết của các điều kiện kinh doanh vẫn rất lớn. Bởi vậy, cơ chế chốt chặn, gác cổng, kiểm soát việc ban hành ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh là đòi hỏi cấp bách.
Một số điểm tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh về khám bệnh, chữa bệnh được cho là không hợp lý. Ảnh: Đ.T Một số điểm tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh về khám bệnh, chữa bệnh được cho là không hợp lý. Ảnh: Đ.T

VCCI lại “đối đầu” với các bộ, ngành

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại vừa phải gửi một loạt phản biện liên quan tới lý do phát sinh điều kiện kinh doanh.

Lần này, nơi nhận là Bộ Công an và Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Lý do là dự thảo này tiếp tục đặt yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy, chữa cháy cho người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy và một loạt điều kiện kinh doanh không thực sự phù hợp khác.

“Tại doanh nghiệp, người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật là người làm công tác điều hành doanh nghiệp. Người này có thể không trực tiếp, mà sẽ có người đủ chuyên môn để tham gia cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Việc quy định người đứng đầu doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề sẽ rất bất cập, can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh, tự tổ chức nội bộ của doanh nghiệp”, công văn của VCCI do ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế ký, đưa quan điểm không đồng tình và đề nghị bãi bỏ các điều kiện này.

Để lý giải, VCCI đưa ví dụ rất điển hình. Một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, gồm dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, kiểm định an toàn lao động, kiểm định thiết bị đo, kiểm định xe cơ giới, kiểm định chất lượng công trình xây dựng, thiết kế xây dựng…, nếu ngành nào cũng yêu cầu người đứng đầu phải có chứng chỉ hành nghề riêng, thì sẽ dẫn đến tình trạng một cá nhân phải có nhiều chứng chỉ. Trong khi đó, người đứng đầu doanh nghiệp là doanh nhân, chứ không phải là người trực tiếp làm kỹ thuật.

Cùng với đó, VCCI đề nghị Dự thảo bỏ yêu cầu cơ sở kinh doanh phải “có địa điểm hoạt động; phương tiện, thiết bị, địa điểm bảo đảm thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy”; bỏ quy định về thời hạn chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy, chữa cháy…

Mối lo điều kiện kinh doanh chưa có điểm dừng

Nếu nhìn vào những văn bản góp ý cho các dự thảo liên quan đến đầu tư, kinh doanh mà VCCI đã thực hiện trong vai trò là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, thì những câu hỏi, đề nghị có vẻ như đi ngược lại với mong muốn của các bộ, ngành trên đã quá quen.

Tháng trước, VCCI đã có công văn tương tự gửi Bộ Y tế về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh về khám bệnh, chữa bệnh; trang thiết bị y tế và mỹ phẩm. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho Ban Soạn thảo, khi Dự thảo bổ sung quy định hướng dẫn nội dung biển hiệu của cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó, quy định tiêu chí để đặt tên là “bệnh viện quốc tế” và tên một số cơ sở khám chữa bệnh mang tính đặc thù.

“Không rõ mục tiêu của việc đặt ra quy định về tiêu chí đặt tên là gì? Nếu mục tiêu hướng đến để nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng, thì quy định này chưa cần thiết, bởi vì dù là “bệnh viện quốc tế” hay không, thì cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật…”, VCCI gửi câu hỏi tới Ban Soạn thảo.

Việc đặt tên của cơ sở khám chữa bệnh mang tính đặc thù cũng được cho là khó giải thích, khi Dự thảo quy định quyền quyết định thuộc về Bộ trưởng Bộ Y tế. Câu hỏi khó là Bộ Y tế sẽ dựa vào cơ sở nào để quyết định, quy trình thủ tục mới sẽ như thế nào…

Tần suất của những câu hỏi như vậy tăng dần cùng với yêu cầu của Chính phủ về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh trong 3 năm qua.

Điều đáng nói hơn, những câu hỏi này không chỉ được VCCI đặt ra khi góp ý cho các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định. Trong nội dung không ít thông tư mà các bộ đã và đang lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp theo quy trình, nhiều quy định tương tự cũng được đặt ra.

Khi trả lời Công văn số 2223/BVHTTDL-TCDL của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, VCCI đã phải nhắc lại quy định tại Điều 7, Luật Đầu tư, khi Dự thảo quy định các tiêu chí để một cơ sở đào tạo được phép đào tạo, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch, bởi dù không gọi đúng tên, thì đây vẫn là một dạng điều kiện kinh doanh.

Theo quy định này, điều kiện kinh doanh chỉ có thể được quy định trong văn bản từ cấp nghị định trở lên. Hơn nữa, nội dung điều kiện kinh doanh phải được thiết kế theo hướng bảo vệ các lợi ích công cộng, như an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng… Nhưng dự thảo trên của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại yêu cầu trình độ chuyên môn của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành…

Câu trả lời là cơ chế gác cổng

Đây không phải lần đầu, những nội dung trên được bàn tới.

Đơn cử, khi góp ý cho Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), câu hỏi có cần hay không yêu cầu trình độ chuyên môn của giám đốc doanh nghiệp được đặt ra khá nhiều.

Ý kiến từ doanh nghiệp thường là không, vì quy định bắt buộc người đứng đầu có bằng cấp sẽ cản trở cơ hội kinh doanh đa ngành, đa nghề của các doanh nghiệp, cản trở khả năng một doanh nghiệp tận dụng nguồn lực nhàn rỗi để đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng suất lao động.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp lý (VCCI) cho biết, trong giai đoạn thực hiện rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, nhiều bộ, ngành đã chủ động đề xuất bãi bỏ các quy định về chuyên môn cho người đứng đầu doanh nghiệp. Hiện tại, chỉ khoảng 4 ngành, lĩnh vực đòi hỏi chứng chỉ hành nghề dành cho giám đốc, liên đến dịch vụ pháp lý, kiểm toán, kế toán...

Ngay trong Dự thảo mà Bộ Công an đang lấy ý kiến doanh nghiệp, Ban Soạn thảo cũng đã thừa nhận, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về phòng cháy và chữa cháy của doanh nghiệp do những người có trình độ chuyên ngành, có chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy thực hiện, còn đối với người đứng đầu doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh chỉ cần bồi dưỡng kiến thức cơ bản…

Vậy nhưng, ý muốn của bộ này vẫn là phải có chứng chỉ và chứng chỉ do cơ sở có chức năng đào tạo nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy cấp. Bộ Công an sẽ quy định về nội dung, thời lượng bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.

Thực ra, nếu soi vào các quy định hiện tại, đề xuất của bộ này cũng không sai, vì Luật Doanh nghiệp 2014 vẫn có quy định về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của giám đốc, người quản lý doanh nghiệp. Song nhìn vào xu thế, khi Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mà Quốc hội sẽ cho ý kiến vào cuối tuần này, nội dung trên đã được đề xuất bãi bỏ, chỉ giữ lại đối với doanh nghiệp nhà nước, thì hướng xử lý của Ban Soạn thảo sẽ rất khác.

Điều đó cũng tương tự khi nhìn vào cơ chế kiểm soát mới mà Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) liên quan đến ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh đang đưa ra.

“Theo tôi, đây là các chốt chặn quan trọng mà các bộ, ngành sẽ phải cân nhắc trước khi đưa ra các đề xuất liên quan đến ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Nhưng quan trọng vẫn là tư duy và trách nhiệm thực thi của các bộ, ngành. Có lẽ, cũng phải đề xuất cả cơ chế kiện văn bản quy phạm pháp luật, nếu các văn bản đưa ra không đúng quy định, để chấm dứt tình trạng cài cắm điều kiện như hiện tại”, ông Đức đề xuất.

Ngoài những nội dung theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư kinh doanh phải phân tích sự cần thiết, mục đích, nội dung của việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư - kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư - kinh doanh phù hợp với quy định tại các khoản 1, 3, 4, 4a và 4b, Điều 7 của luật này; đánh giá tính hợp lý, khả thi của việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư - kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư - kinh doanh và sự phù hợp với điều ước quốc tế về đầu tư; đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư - kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư - kinh doanh đối với công tác quản lý nhà nước và hoạt động đầu tư - kinh doanh của các đối tượng phải tuân thủ.

Trích Điều 8, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi)

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục