Môi trường kinh doanh và sự sốt ruột của báo chí

Chỉ cần điểm một vài bài viết nóng trên báo chí kinh tế, sẽ thấy bức tranh môi trường kinh doanh Việt Nam không chỉ nhiều góc cạnh, mà còn thấy cuộc đấu trí giữa những dòng tư duy phát triển. Tuy xu hướng đi cùng sự phát triển của thế giới, thuận cho sự phát triển của doanh nghiệp đang lấn át, nhưng báo chí đang muốn xu thế này rõ nét hơn…
Mối quan tâm của báo chí không chỉ là môi trường kinh doanh đã có những thay đổi thế nào mà còn là có thực sự theo hướng cải cách vì sự phát triển hay không. Mối quan tâm của báo chí không chỉ là môi trường kinh doanh đã có những thay đổi thế nào mà còn là có thực sự theo hướng cải cách vì sự phát triển hay không.

1. Cuộc thảo luận giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Ngân hàng Thế giới (WB) về cách tiếp cận mới nhằm nâng cao hiệu quả cải cách môi trường kinh doanh diễn ra vào cuối tuần trước, với sự tham gia của chuyên gia pháp lý nhiều bộ, ngành, địa phương. Chủ đề được  WB đề xuất là biến khu vực tư nhân thành động lực tăng trưởng quan trọng, ưu tiên về cải cách môi trường pháp lý cho kinh doanh.

“Tôi có mời báo chí. Nếu các nhà báo song hành với các phương pháp mới, họ không chỉ hiểu để truyền thông, mà còn đòi hỏi các bộ, ngành thay đổi”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói ngay trong lời mở màn cuộc làm việc.

Sự cẩn thận này của ông Cung có lý do. Các chuyên gia pháp lý luôn muốn mọi thông tin báo chí tiếp cận được là thông tin cuối cùng. Họ muốn an toàn, nhất là khi các đề xuất cải cách lần này trực tiếp vào các vấn đề đang được coi là rào cản lớn, đã tồn tại lâu chưa xử lý được,. Đó là các quy định về bảo vệ quyền sở hữu tài sản, các vấn đề liên quan đến quy định và thực thi quy định…

“Kinh nghiệm 30 năm chiến đấu với… giấy phép con cho tôi bài học về sự tham gia của báo chí. Những bộ phận đang được hưởng lợi với cơ chế hiện hành luôn có nhu cầu càng chậm thay đổi càng tốt, vì điều đó thể hiện quyền lực và cả lợi ích của họ. Một thể chế mà nơi nào giữ thông tin là nơi đó có quyền lực, thì sẽ không thể có sự phối hợp, chia sẻ. Đây là lúc áp lực mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, của báo chí… đóng vai trò rất quan trọng, bên cạnh việc sử dụng hệ thống hành chính chỉ huy”, ông Cung thẳng thắn chia sẻ.

Đây là thực tế. Còn nhớ thời gian đầu thực hiện Nghị quyết 19/2014/NQ-CP, phiên bản đầu tiên của nghị quyết liên quan đến các giải pháp cải cách môi trường kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, rất ít bộ, ngành, địa phương quan tâm đến cách tính điểm mới về môi trường kinh doanh. Trong vai cơ quan được giao theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện, CIEM nhắc đến tình trạng này nhiều lần.

Tình hình chỉ thay đổi khi những  địa chỉ không thực hiện đúng yêu cầu xuất hiện trên báo chí.

2. Việc Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục Sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam bị Bộ Tư pháp thổi còi sau 2 tháng ban hành, cũng là 2 tháng có hiệu lực có dấu ấn mạnh của báo chí.

Theo Văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, quy định này có thể dẫn đến cách hiểu là Danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 02 được áp dụng đối với cả trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam không mang tính chất thương mại.

Trước đó, khoảng 1 tháng sau khi Thông tư 02 có hiệu lực, những bài viết đầu tiên về việc có thông tư quy định theo kiểu “lợn không được ăn cây chuối”, “thỏ không được ăn cà rốt…”. Lý do là danh mục liệt kê giới 18 sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán, trong đó không có cây chuối, cà rốt… Mặc dù Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cơ quan chắp bút nội dung thông tư này giải thích rằng, quy định này chỉ áp dụng với thức ăn sản xuất thương mại, chứ không áp dụng với các thức ăn tự cung tự cấp của nông hộ, và rằng quy định của Thông tư “hoàn toàn đang vì doanh nghiệp, tạo cơ chế rất tốt”.

Nhưng, báo chí đặt vấn đề lớn hơn, đó là tư duy xây dựng chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo cách “chọn - cho” mà Thông tư này ban hành, người dân và doanh nghiệp chỉ được làm những gì quy định này đưa ra. Với cách này, chỉ cần cơ quan nhà nước không liệt kê đầy đủ hoặc không biết đến một loại thức ăn theo tập quán ở một vùng quê nào đó, người dân và doanh nghiệp sẽ rơi vào thế rủi ro rất cao.

Hơn thế, cách quản lý trên sẽ cản trở sự tự do sáng tạo của người dân và doanh nghiệp. Ví dụ, như khi người dân phát hiện ra một loại thức ăn chăn nuôi mới, sẽ không được phép đưa vào kinh doanh… Chưa kể, tư duy quản lý này đi ngược lại tinh thần của Hiến pháp 2013, theo hướng mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm… Với tư duy này, quản lý nhà nước phải được thực hiện theo cơ chế “chọn - bỏ”, chỉ quy định các điều cấm, còn lại để người dân, doanh nghiệp thực hiện quyền của mình.

Mọi sự thay đổi theo hướng tích cực. Hiện tại, Cục Chăn nuôi đang tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Thông tư 02.

3. Vào thời điểm hiện tại, không chỉ giới kinh doanh vận tải, mà cả giới chuyên gia kinh tế, giới khởi nghiệp sáng tạo đang chờ đợi số phận của Dự thảo lần thứ 9 Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Vì một lần nữa, Bộ Giao thông – Vận tải giữ đề xuất các xe hợp đồng điện tử phải gắn “mào”.

Giải trình lý do, trong Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Giao thông – Vận tải cho rằng, đây là cách để bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi; đồng thời, phân biệt với xe cá nhân.

“Tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh, dẫn đến gây khó khăn cho lượng lượng tuần tra kiểm soát và công tác tổ chức giao thông đô thị (đường có biển cấm loại phương tiện này, nhưng do không có nhận diện nên vẫn đi vào các tuyến phố bị cấm dẫn đến ùn tắc giao thông) và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải”, Bộ Giao thông – Vận tải báo cáo Chính phủ.

Bộ này cũng cho biết, Bộ Công an và các thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP.HCM đồng thuận với quy định trên để tăng cường công tác quản lý vận tải, cũng như tổ chức giao thông đô thị và phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát trên đường...

Báo chí không muốn trở thành phía bên kia của cơ quan quản lý nhà nước, nếu như những rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt trước mỗi thay đổi của cơ chế, chính sách luôn được tính đến...   

Vấn đề tưởng như rất nhỏ trong một văn bản lớn này đã được báo chí xới xáo mấy năm nay. Phải nhắc lại, một trong lý do các xe taxi truyền thống cần hộp đèn gắn trên xe là để thông báo với khách hàng về sự xuất hiện của mình, cộng với đó là sự nhận diện có hay không có khách trên xe. Trong khi đó, với nền tảng ứng dụng mà các xe hợp đồng điện tử đang sử dụng, đây không phải là cách kết nối với khách hàng.

Ngay cả khi giả thuyết rằng việc nhận diện là cần, nhưng câu hỏi mà nhiều bài báo đã đặt ra là có cách  khác chi phí rẻ hơn không, hay chỉ có cách gắn hộp đèn 12 x 30 cm, dường như vẫn chưa thực sự được để tâm.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM đã từng thử tính toán chi phí mà các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện khi yêu cầu gắn mào xe hợp đồng điện tử được thực thi. Cách đơn giản nhất là dùng công cụ tìm kiếm trên mạng, sẽ thấy một xe phải bỏ ra khoảng 200.000 đồng để làm hộp đèn theo yêu cầu. Nhân lên hàng ngàn phương tiện, cộng thêm chi phí đưa xe đi gắn mào, thì tổng số chi phí xã hội bỏ ra không hề nhỏ.

“Tôi chỉ muốn đặt vấn đề rằng, nếu các cơ quan quản lý nhà nước trước khi đề xuất điều kiện kinh doanh thử tính toán xem doanh nghiệp sẽ phải mất chi phí tuân thủ thế nào để tự đặt câu hỏi có cách nào rẻ hơn không, chắc chắn mọi việc có thể sẽ khác”, ông Hiếu nói.

Nhưng, mọi việc đã không khác trong trường hợp của Bộ Giao thông – Vận tải với việc sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

4. Mục tiêu mà báo chí hướng tới không đơn giản chỉ là các câu hỏi có cần gắn mào cho xe hợp đồng điện tử hay không, mà chính là câu hỏi cơ quan quản lý nhà nước có sẵn sàng tháo bỏ tuy duy cũ, để mở lối cho các mô hình kinh doanh, ý tưởng sáng tạo mới có đất thử nghiệm, phát triển hay không.

Báo chí cũng không muốn đặt câu hỏi cắc cớ rằng, thỏ có được ăn cà rốt không, mà muốn gửi gắm tâm tư rằng, các nhà hoạch định chính sách đã bao giờ thử tính xem chi phí mà người dân, doanh nghiệp bỏ ra để tuân thủ một vài dòng quy định mà họ đưa ra chưa.

Báo chí cũng không muốn trở thành phía bên kia của các cơ quan quản lý nhà nước, nếu như những rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt trước mỗi thay đổi của cơ chế, chính sách… luôn được tính đến trong các văn bản, quy định mới.

Môi trường kinh doanh Việt Nam đang được cải thiện, đang bước lên nấc thang cao hơn trong xếp hạng của giới đầu tư – kinh doanh thế giới. Nhưng để thực sự bứt phá, để Việt Nam trở thành địa điểm phải tính đến của dòng vốn và dòng nhân lực của đổi mới, sáng tạo, chặng đường sẽ chưa hết gập ghềnh, trong từng người, từng cơ quan và cả trong các cuộc tranh luận trên báo chí.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục