Đồng quan điểm này, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng, Tập đoàn BKAV đánh giá: “Thời gian gần đây, với sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, nhất là đối với doanh nghiệp, chúng tôi đánh giá có rất nhiều thay đổi mang đến thuận lợi cho doanh nghiệp.
Điển hình như những dịch vụ hành chính đã triển khai qua mạng như khai thuế hay sử dụng hóa đơn điện tử, cũng giúp tiết giảm thời gian và tiền bạc cho các doanh nghiệp. Ngay tại BKAV, sử dụng hoá đơn điện tử đã tiết kiệm cho doanh nghiệp mỗi năm hàng tỷ đồng, thay vì việc phải in ấn các hóa đơn giấy trước kia”.
Thông tin tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 được tổ chức vào ngày 2/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 khoá XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ” dưới sự đồng chủ trì của Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính được thúc đẩy một cách mạnh mẽ trong năm 2018, đặc biệt trong thủ tục hải quan.
Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 7/2018, 11 bộ ngành đã kết nối với cơ chế một cửa quốc gia và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,34 triệu hồ sơ của hơn 22.000 doanh nghiệp. Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối cơ chế một cửa quốc gia với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.
Hay như một khảo sát tại các địa phương cũng cho thấy xu hướng khá tích cực. Ví dụ như tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức giảm từ mức 66% trong năm 2015 xuống còn 55% trong năm 2018. Tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức giảm từ 11% năm 2015 xuống còn 7% năm 2018.
Việc tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp giảm từ 39% năm 2015 xuống còn 32% năm 2018. Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực kinh tế tư nhân giảm từ 49% năm 2015 xuống còn 37% năm 2018. Cán bộ công chức giải quyết công việc hiệu quả tăng từ 67% năm 2015 lên 75% năm 2018.
Thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn so với quy định tăng từ 67% năm 2015 lên 69% năm 2018. Nội dung làm việc của các đoàn thanh, kiểm tra bị trùng lặp giảm từ 26% năm 2015 xuống còn 11% năm 2018.
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho rằng: “Vẫn cần phải thúc đẩy để cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đây mới là bước đầu”.
Ông Trọng Điều gợi ý, về cơ chế, chính sách nhằm giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Thứ nhất, nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh, rõ ràng, một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện cho doanh nghiệp. Áp dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động quản lý, xóa bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, các giấy phép “con”, giấy phép “cháu” bất hợp lý.
“Nhà nước cần có định hướng đúng các chính sách vĩ mô để tạo điều kiện hướng đi cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đẩy mạnh hơn nữa việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Những việc gì mà doanh nghiệp tư nhân làm tốt nên để cho doanh nghiệp tư nhân được tham gia”, ông Trọng Điều nói.
Thứ hai, Nhà nước cần có chính sách công bằng đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, tránh tình trạng ưu ái cho các doanh nghiệp FDI hơn các doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận các nguồn lực (như đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ…) để phát triển sản xuất - kinh doanh.
Thứ tư, hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển và có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn có tiềm năng phát triển kinh doanh ra thị trường khu vực và thế giới, xây dựng được sản phẩm uy tín, thương hiệu tầm quốc tế…