Cải cách môi trường kinh doanh phải thêm lửa

Gần hết tháng 4/2019, nhưng một số bộ, ngành vẫn chưa công bố tài liệu hướng dẫn để thực hiện trách nhiệm cắt giảm các chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo Nghị quyết 02/2019/NQ-CP. Công cuộc cải cách môi trường kinh doanh phải được thêm lửa.
Thủ tục đăng ký đầu tư, kinh doanh đã có nhiều cải thiện, song vẫn gây nhiều phiền toái cho doanh nghiệp. Thủ tục đăng ký đầu tư, kinh doanh đã có nhiều cải thiện, song vẫn gây nhiều phiền toái cho doanh nghiệp.

Thành tích của Bộ Công thương

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) đành phải đặt câu hỏi “Bộ Công thương có phải đang làm vì thành tích”, khi nhắc đến Quyết định 756/QĐ-BCT về việc công bố danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) đã được cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của bộ này.

Quyết định 756/QĐ-BCT được ban hành ngày 29/3/2019, kèm theo danh mục hàng trăm mặt hàng sắt thép, sản phẩm dệt may chắc chắn sẽ đưa Bộ Công thương trở lại là điểm sáng trong cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Trong 3 tháng thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021, số văn bản được ban hành theo yêu cầu của Nghị quyết rất ít.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay, thời gian làm thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới ở Việt Nam gấp 2 lần của Thái Lan, 3 lần của Malaysia và lâu hơn nhiều so với Singapore. Chi phí nhập khẩu mà các doanh nghiệp phải thực hiện ở các cửa khẩu của Việt Nam cũng cao hơn 2 lần so với Thái Lan, Malaysia và Singapore...   

Thậm chí, đến thời điểm gần hết tháng 4/2019, nhiều bộ, ngành như Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể Thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường… vẫn chưa ban hành tài liệu hướng dẫn việc thực hiện cắt giảm các chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia trên các bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Ngân hàng Thế giới (WB).

“Nhưng đọc nội dung quyết định, chúng tôi không thấy việc cắt giảm đúng như tiêu đề của quyết định này đã ghi”, bà Thảo lý giải khi đặt câu hỏi trên.

Điều 1 của Quyết định ghi là cá nhân không phải nộp cho cơ quan Hải quan chứng từ liên quan đến kết quả kiểm tra chuyên ngành đối với các sản phẩm, hàng hóa tại Phụ lục kèm theo quyết định này để thông quan hàng hóa. Như vậy, có thể hiểu là thủ tục kiểm tra chuyên ngành sẽ được thực hiện sau thông quan, chứ không phải được cắt giảm.

“Nếu chuyển sang sau thông quan, không còn áp lực của thời gian thông quan, thì động lực để cải cách, cắt giảm các thủ tục không cần thiết sẽ giảm đi rất nhiều. Khi đó, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam sẽ lại càng lùi xa so với các nước”, bà Thảo lo ngại.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả dừng ở tháng 11/2018

Tại Hội thảo “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Kiên trì cải cách trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động” do CIEM tổ chức cuối tuần qua, thêm một câu hỏi khó trả lời liên quan đến cải cách môi trường kinh doanh được đặt ra. Đó là: “Đã ai nhìn thấy tín hiệu của sự bứt phá?”

“Tôi phải đặt câu hỏi về sự bứt phá trong cắt giảm điều kiện kinh doanh khi đây được chọn là nút thắt kìm hãm doanh nghiệp. Mọi kết quả dường như dừng ở tháng 11/2018. Từ đó đến nay, chưa có gì mới”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM chia sẻ quan điểm.

Các nghiên cứu của CIEM cho thấy, đà phục hồi tăng trưởng trong những năm qua có một phần quan trọng từ những cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng.

“Chúng tôi đã nghiên cứu theo cơ sở dữ liệu Chỉ số Quản trị toàn cầu của WB, tốc độ tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) được cải thiện đáng kể nhờ cải cách thể chế kinh tế. Chẳng hạn, nếu chất lượng văn bản quy phạm pháp luật tăng 1%, thì tốc độ tăng TFP có thể tăng thêm 1,37 điểm phần trăm”, ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nói.

Đây cũng là lý do các chuyên gia nghiên cứu luôn đòi hỏi Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu về cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là khi Nghị quyết 02/NQ-CP đã đặt ra hàng loạt nhiệm vụ với trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương.

Phải nhắc lại, kết quả cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh năm 2018 được ghi nhận là điểm sáng lớn của môi trường kinh doanh Việt Nam, lan tỏa niềm tin về xu hướng cải cách. Mặc dù vậy, các nội dung rà soát, cắt giảm mới được giới hạn trong các quy định ở tầm nghị định. Việc cắt bỏ, sửa đổi điều kiện kinh doanh trong phạm vi các luật mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, chưa có rà soát tổng thể. Ngay cả ở cấp nghị định, một số nghị định sửa riêng từng nghị định đã được đưa ra lấy ý kiến từ năm ngoái, nhưng đến nay vẫn khá im ắng.

Riêng Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được nhắc đến liên tục lại vẫn đang lúng túng quanh tư duy quản hay mở với mô hình kinh doanh mới…

“Hầu hết các bộ chưa đánh giá về mức độ chuyển biến thực chất và hiệu quả thực thi các cải cách này. Các kế hoạch tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng chưa được các bộ, ngành đưa ra, trừ Bộ Công thương, dù mới dừng lại ở kế hoạch”, bà Thảo nói.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục