Môi giới địa ốc tiếp tục thanh lọc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023 trở thành năm ghi nhận nhiều cuộc chia ly nhất trong lịch sử bất động sản Việt Nam khi hàng chục nghìn môi giới mất việc, bỏ nghề do thị trường khó khăn kéo dài. Phần lớn môi giới còn hoạt động phải làm thêm công việc khác để duy trì cuộc sống.
Thách thức chưa qua với người làm môi giới bất động sản. Ảnh: Dũng Minh Thách thức chưa qua với người làm môi giới bất động sản. Ảnh: Dũng Minh

Số liệu thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, tới cuối năm 2023, chỉ khoảng 20% môi giới địa ốc - tương đương khoảng 60.000 người - còn hành nghề, dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng này ngay khi thị trường chớm hồi phục.

Giai đoạn cuối năm, thị trường chứng kiến “cuộc đua” tuyển dụng nhân sự môi giới của các sàn giao dịch bất động sản. Trong khi đó, các chủ đầu tư cũng đưa ra các chính sách hấp dẫn để thu hút các sàn, đơn vị phân phối qua việc hỗ trợ marketing hoặc tăng các khoản thưởng nóng.

Trên thực tế, từ cuối tháng 9/2023, nhiều công ty môi giới nhà đất lớn như Vietstarland, Newstarland, Đông Tây Land, One Housing… đã đăng thông báo tuyển dụng từ hàng trăm đến hàng ngàn nhân viên. Không những vậy, các đơn vị thành viên chuyên về hoạt động phân phối của các chủ đầu tư lớn như Vinhomes cũng liên tục đăng tin tuyển dụng.

Tuy nhiên, việc thị trường hồi phục chậm khiến không ít môi giới còn băn khoăn trong việc quay trở lại với nghề, bởi kèm theo các khoản thưởng nóng cũng là áp lực lớn về doanh số. Chưa kể, nếu muốn có khách lúc này thì phải chấp nhận “cắt máu”, trích một phần hoa hồng của mình để bớt cho khách nhằm chốt deal nhưng cũng không dễ dàng, nhất là khi nỗi lo không được thanh toán hoa hồng còn đeo bám bởi nhiều sàn vẫn đang chật vật thu hồi các khoản “nợ khó đòi” từ các chủ đầu tư.

“Nhu cầu mua nhà luôn hiện hữu, nhưng chủ yếu là người mua để ở, chứ người đầu tư rất ít, nếu rót tiền đầu tư thì họ cũng rất cẩn trọng và đòi hỏi nhiều thứ hơn. Vì vậy, tôi chưa quyết định quay trở lại với nghề lúc này, cho dù công ty cũ nhiều lần liên hệ. Vả lại, vợ chồng tôi cũng mới mở quán ăn nên không thể bỏ ngang”, Thu Hương - cựu môi giới Hải Phát Land chia sẻ.

Một khảo sát lương năm 2023 do Navigos Group công bố gần đây cho thấy, thu nhập nhân sự quản lý ngành xây dựng và bất động sản đã giảm đáng kể, nhiều vị trí giảm một nửa so với 2 năm trước đó.

Với nghề môi giới bất động sản, mức lương cơ bản là từ 3,5-5 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền hoa hồng, phụ cấp… thì mức thu nhập trung bình dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng. Với những người làm lâu năm, mức thu nhập có thể cao hơn, đạt 20-30 triệu đồng/tháng, nhưng rất ít môi giới đạt được mức này trong năm qua.

“Gần Tết, đối với đa số môi giới là rất khó tìm kiếm khách hàng, chỉ số ít có thu nhập tốt nhờ vào nguồn khách quen hoặc gặp may”, Phượng - một môi giới tự do cho hay.

Có thể thấy, 2 năm qua là thời gian vô cùng khó khăn đối với nghề môi giới địa ốc. Câu hỏi đặt ra lúc này là bước sang năm 2024, khi thị trường bất động sản đang xuất hiện nhiều hơn tín hiệu tích cực, liệu thách thức với người làm nghề có sớm qua?

Cũng cần lưu ý thêm rằng, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi mới được thông qua có quy định, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản ngoài việc phải có chứng chỉ hành nghề, thì còn phải làm trong một tổ chức kinh doanh dịch vụ giao dịch, môi giới bất động sản.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS nhấn mạnh, người làm môi giới bất động sản muốn trụ vững trên thị trường ở bối cảnh hiện tại không chỉ cần có quyết tâm, đam mê nghề nghiệp, mà còn phải liên tục nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nếu không sẽ phải rời bỏ thị trường như một cơ chế sàng lọc tự nhiên, bởi khi đó cơ hội sẽ thuộc về những người có kỹ năng và kinh nghiệm tốt hơn.

Còn TS. Nguyễn Quốc Huy - Chủ tịch Gooroo Group đánh giá, giai đoạn khó khăn cũng là cơ hội để các cá nhân, doanh nghiệp môi giới nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Theo ông Huy, môi giới địa ốc là một nghề đòi hỏi sự chuyên nghiệp và người môi giới cần phải “đa nhiệm”, hiểu biết nhiều lĩnh vực, thay vì chỉ tập trung vào sản phẩm cụ thể của một dự án. Người môi giới ngoài kiến thức chuyên môn, còn cần cả những kiến thức bổ trợ về tài chính, pháp lý, quản trị, phong thủy, quảng cáo - truyền thông… để tiếp cận được khách hàng.

Bên cạnh đó, trải nghiệm khách hàng cũng là yếu tố cần quan tâm. Do đó, người môi giới ngoài việc bán được bao nhiêu sản phẩm thì cần đặt mục tiêu phục vụ được bao nhiêu khách hàng và bao nhiêu người quay lại trở lại mua hàng của mình.

Linh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục