Mở “room” tín dụng để tránh rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đã chia sẻ góc nhìn về việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại của năm nay. 
Không chỉ các doanh nghiệp, ngân hàng cũng "ngóng" room tín dụng mới. Không chỉ các doanh nghiệp, ngân hàng cũng "ngóng" room tín dụng mới.

Có ý kiến cho rằng, trước đây, Ngân hàng Nhà nước băn khoăn chuyện điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng trong phần còn lại của hạn mức 14% đặt ra từ đầu năm do lo ngại lạm phát và thanh khoản hệ thống ngân hàng. Động thái rõ ràng hơn của Ngân hàng Nhà nước về điều chỉnh room tín dụng, theo bà, có phải do những lo ngại này đã được hoá giải?

Tính đến thời điểm hiện tại, mục tiêu hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước vẫn là kiểm soát lạm phát trước bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng ở hầu khắp các quốc gia. Bên cạnh đó, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam theo cách tính mới là 124%, mức cao hơn nhiều so với các nước khác, cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng.

Hơn nữa, tỷ lệ cho vay trên huy động vốn từ thị trường 1 đang là 99%, cho thấy thanh khoản của hệ thống đang ở mức không quá an toàn. Vì vậy, tuy nền kinh tế đang rất cần vốn để phục hồi tăng trưởng sau đại dịch, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên quan điểm điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14% cho năm nay.

Ảnh tác giả

Nếu khóa room tín dụng quá lâu sẽ đi ngược với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và quan trọng hơn là gây ra tình trạng nợ tồn đọng giữa các doanh nghiệp, từ đó dẫn đến hiện tượng nợ xấu tăng lên trong hệ thống ngân hàng.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Hiện tại, đã có những thông tin về việc nới room trong phần còn lại của hạn mức 14%, tuy nhiên không phải lo ngại lạm phát và thanh khoản đã được tháo gỡ, mà bởi nếu khóa room tín dụng quá lâu thì sẽ đi ngược với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, quan trọng hơn là sẽ gây ra tình trạng nợ tồn đọng giữa các doanh nghiệp, từ đó dẫn đến hiện tượng nợ xấu tăng lên trong hệ thống ngân hàng.

Vì vậy, tôi tin rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm đưa ra quyết định “nới room” cho các ngân hàng để tránh được rủi ro nói trên.

Tuy nhiên, hạn mức tín dụng được đưa ra sắp tới sẽ không nhiều, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc kỹ lưỡng khi cấp thêm room cho các ngân hàng thương mại và phải dựa trên những yếu tố trong Thông tư 52/2018/TT-NHNN, gồm mức độ an toàn vốn, chất lượng tài sản, quản trị, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường…

Tại buổi họp sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đích danh nguyên nhân ngân hàng cạn room tín dụng sớm là do cấp tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, khi thị trường này “đóng băng”, dòng tiền không về kịp nên ngân hàng hết room. Theo bà, để room tín dụng mới được phân bổ đi đúng vào những lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên, từ phía Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần có giải pháp gì?

Thực ra, từ trước đến nay, không có quy định, văn bản chính thức nào liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tín dụng vào thị trường bất động sản, nhưng hoạt động cho vay bất động sản đã chậm lại kể từ quý II/2022 tới nay do hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, tỷ lệ tối đa lấy vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại sẽ giảm từ mức 37% xuống còn 34% kể từ ngày 1/10/2022. Do đó, các ngân hàng thương mại không để dư nợ cho vay bất động sản tăng lên quá mạnh, bởi đây thường là các khoản vay trung dài hạn.

Thứ hai, cho vay bất động sản có tỷ lệ rủi ro rất cao là 200% so với các lĩnh vực khác và Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên cho các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản thấp/không cho vay bất động sản để cấp thêm tín dụng trong bối cảnh này. Đồng thời, bản thân các ngân hàng đã và đang quản lý chặt chẽ việc cho vay bất động sản để bảo đảm tính an toàn vốn và chất lượng tài sản của mình.

Từ những lý do trên, tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã có những kế hoạch phù hợp để phân bổ tín dụng vào đúng lĩnh vực cần ưu tiên cũng như chủ động hạn chế cho vay bất động sản ở phân khúc có rủi ro cao, từ đó giảm thiểu những rủi ro về tín dụng và chất lượng tài sản của mình trong bối cảnh này.

Nhưng nếu dòng vốn vào thị trường bất động sản bị nghẽn sẽ khiến nhiều dự án thiếu vốn triển khai, rơi vào tình trạng dở dang; thanh khoản thị trường cũng giảm, nợ xấu theo đó tăng, đà phục hồi của nền kinh tế bị chậm lại?

Chúng tôi quan sát các doanh nghiệp bất động sản hiện đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn, đặc biệt là qua kênh trái phiếu doanh nghiệp, do ảnh hưởng của việc tăng cường thanh tra, giám sát các đợt phát hành. Theo nghiên cứu của chúng tôi, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong 6 tháng đầu năm đã giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, thực tế việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản ngày nay không quá phụ thuộc vào vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu trong nước. Các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang linh hoạt và huy động vốn qua nhiều kênh như đi vay, phát hành trái phiếu quốc tế và đặc biệt qua khoản thu tiền trước từ khách hàng.

Ước tính, doanh số ký bán trong 6 tháng đầu năm của Top 5 doanh nghiệp bất động sản trong danh mục theo dõi của chúng tôi (bao gồm Vinhomes, Novaland, Nam Long, Khang Điền, Đất Xanh) đạt 159.400 tỷ đồng, tăng 104% so với cùng kỳ.

Chúng tôi cho rằng điều này có thể giúp đảm bảo cho các hoạt động xây dựng của các chủ đầu tư trên trong ít nhất 12 tháng tới.

Bà có cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang gánh trọng trách quá nặng khi vừa kiểm soát lạm phát vừa đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế tăng trưởng?

Trong bối cảnh quy mô thị trường vốn Việt Nam (cổ phiếu, trái phiếu…) vẫn chưa đủ lớn để chia sẻ áp lực dẫn vốn cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế thì nguồn tín dụng từ ngân hàng hiện tại vẫn là kênh dẫn vốn chủ chốt.

Vì vậy, việc điều tiết chính sách tiền tệ phù hợp để duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh rủi ro lạm phát thường trực đã và đang là một trọng trách lớn đối với Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, nhìn lại thì thị trường vốn Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển và Chính phủ cũng đang tập trung để phát triển thị trường này một cách minh bạch và bền vững trong dài hạn, điển hình là những sửa đổi trong Nghị định 153 liên quan đến mua bán trái phiếu doanh nghiệp.

Trong tương lai, tôi tin rằng đây sẽ trở thành một kênh huy động chính, bên cạnh kênh vay vốn ngân hàng để hỗ trợ nhu cầu vốn lớn của nền kinh tế.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục