Ðây là văn bản được nhiều thành viên thị trường chờ đợi, bởi nó tạo ra một phương thức bán mới, cho phép cung - cầu vốn lớn gặp nhau. Hiện cả nước có 53 doanh nghiệp nhà nước chưa được cổ phần hóa và hàng trăm doanh nghiệp cần thoái vốn nhà nước.
Theo một nghiên cứu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), phương thức dựng sổ (book building) được áp dụng phổ biến tại nhiều thị trường chứng khoán như Mỹ, Anh, Nhật, Trung Quốc, Ấn Ðộ…, với trên 70% hoạt động IPO sử dụng phương thức này.
Ðây là một quá trình, trong đó tổ chức bảo lãnh phát hành chính phối hợp với tổ chức phát hành tạo lập tiếp nhận và ghi lại nhu cầu cổ phiếu của nhà đầu tư, nhằm xác định mức giá hiệu quả khi chào bán.
Phương thức này cho phép phía bên bán (doanh nghiệp) và bên mua (nhà đầu tư) cùng ở thế chủ động trong việc tìm hiểu nhau và trả giá. Các tổ chức tài chính chuyên nghiệp sẽ có tiếng nói quan trọng trong việc xác định giá cổ phiếu và điều này khuyến khích họ tham gia đầu tư với mục tiêu dài hạn. Ðây là điểm các doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu khi trên thị trường vốn, đại đa số nhà đầu tư vẫn là các cá nhân, mua nhanh, bán nhanh.
Tại Việt Nam, phương thức dựng sổ được Chính phủ đưa vào Nghị định 126/2017/NÐ-CP. Bên cạnh ưu điểm thì thách thức lớn nhất của phương thức này là làm sao để cuộc bán vốn diễn ra công khai, minh bạch, đảm bảo cạnh tranh về giá?
Thông tư số 21/2019/TT-BTC đã đưa ra nhiều quy định, trong đó, đáng chú ý là yêu cầu doanh nghiệp phải mời tối thiểu 30 nhà đầu tư tổ chức tham gia buổi giới thiệu chào bán cổ phần.
Cùng với đó, thông tin về phương án bán phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng (3 số báo liên tiếp của một tờ báo phát hành toàn quốc và một tờ báo địa phương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính) và công khai thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Các thông báo của doanh nghiệp phải thực hiện cả bằng tiếng Anh để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận và không bỏ lỡ cơ hội tham gia cuộc đấu giá…
Thông tư số 21/2019/TT-BTC có hiệu lực từ tháng 6/2019, mở thêm một phương thức kết nối các doanh nghiệp cần chào bán cổ phần với các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đổi mới cách chào bán, đó chỉ là bước 1. Với nhà đầu tư chuyên nghiệp, điều họ quan tâm nhất là tỷ lệ sở hữu tối đa trong doanh nghiệp Việt Nam là bao nhiêu và tư cách pháp lý của doanh nghiệp sau mức sở hữu này.
Cuộc làm việc mới đây của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Vũ Ðại Thắng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về 3 dự án luật gồm Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư và Luật Chứng khoán đã đi đến một quan điểm: Sẽ xây dựng dự thảo mới danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài và mức đầu tư tối đa của đối tượng này.
Việc sửa đổi, bổ sung 3 dự án luật trên cần khoảng 1-2 năm, nhưng ý tưởng từ phía Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về việc xây danh mục riêng, quy định không gian đầu tư cho nhà đầu tư ngoại xứng đáng là một tin vui với ngành chứng khoán và các nhà đầu tư nước ngoài.
Từ năm 2015, Chính phủ đã đưa vào Nghị định 60 tư duy không hạn chế vốn đầu tư nước ngoài, nhưng trong thực tế áp dụng, thị trường chứng khoán Việt Nam mới có 30 trong tổng số gần 1.600 doanh nghiệp lên sàn áp dụng room ngoại 100%, do có nhiều vướng mắc giữa các văn bản luật.
Hy vọng cùng với sự đổi mới trong tư duy và phương cách bán vốn, việc sửa 3 dự án luật quan trọng sẽ tạo nền tảng pháp lý thông thoáng, rõ ràng, kết nối các dòng vốn chuyên nghiệp với doanh nghiệp Việt Nam một cách vững chắc và hiệu quả hơn.