Câu chuyện Việt Nam “đã đến hồi gay cấn”
Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán tại Hội nghị Invest ASEAN năm nay cho thấy, Việt Nam được đông đảo các nhà đầu tư xem là điểm sáng của khu vực.
Theo ông John Chong, Tổng giám đốc Maybank Kim Eng Group, ông nhận được rất nhiều câu hỏi từ giới đầu tư về thị trường Việt Nam.
“Theo quan sát của tôi, các nhà đầu tư quốc tế đã quen với câu chuyện Việt Nam, bao gồm dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trên 6% và mức độ phát triển tiêu dùng nội địa nhanh. Năm nay là lúc họ bắt đầu hành động, nhằm đón đầu các thương vụ thoái vốn Nhà nước và IPO của doanh nghiệp tư nhân. Họ đã đến Việt Nam nhiều lần để tận mắt quan sát các doanh nghiệp”, ông John nói và cho biết thêm, các quỹ đầu tư từ Anh và châu Âu nói chung đã tăng mức đầu tư vào Việt Nam đến 4 lần trong năm 2017, sau thời gian dài chỉ tập trung vào các thị trường mới nổi tại Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi.
Để phục vụ nhu cầu của khách hàng nước ngoài, Maybank Kim Eng Group đã quyết định đầu tư thêm 10 triệu USD vào Việt Nam và đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng đầu tư.
Theo số liệu của Maybank Kim Eng, năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1,5 tỷ USD trên thị trường chứng khoán, còn dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) nói chung vào toàn thị trường đạt mức 6,2 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ. Chỉ trong hai tháng đầu năm 2018, dòng vốn này đã đạt 1,25 tỷ USD, cho thấy nhà đầu tư ngoại đang rất tích cực tìm đường đến Việt Nam.
Tại các buổi thuyết trình riêng về thị trường Việt Nam, nhà đầu tư cũng đặt nhiều câu hỏi về các thương vụ sắp diễn ra, tình hình kinh tế - chính trị của Việt Nam và các sản phẩm tài chính mới trên thị trường.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Mikael Olausson, chuyên viên tư vấn đầu tư tại Quỹ Adepa Asset Management (Luxembourg) cho biết, Quỹ đã gặp mặt tất cả các doanh nghiệp Việt tham gia hội nghị lần này và quyết định sẽ đầu tư vào Việt Nam trong năm 2018.
“Thay vì tập trung vào các doanh nghiệp blue-chips như nhiều quỹ khác, chúng tôi lại muốn rót vốn vào các doanh nghiệp cỡ vừa, có tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam. Theo quan sát của chúng tôi, đây là các cổ phiếu có mức giá vừa phải, nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ sự tăng trưởng tiêu dùng nội địa của Việt Nam lẫn xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam”, ông Mikael chia sẻ.
Nhà đầu tư này cho biết, ông cũng quan tâm đến các sản phẩm tài chính mới của Việt Nam như Covered Warrants và chứng khoán phái sinh, nhưng tâm điểm của Quỹ vẫn là tiềm năng tăng trưởng của chính các doanh nghiệp trong nước.
Tương tự, ông Yeu Huan Lai, Chuyên viên quản lý cao cấp tại quỹ Nikko Asset Management nhận xét rằng các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng làm tốt hơn công tác quan hệ nhà đầu tư và một số thương vụ IPO vừa qua đã tiệm cận chuẩn quốc tế.
Các cổ phiếu Việt Nam hiện chiếm 10% giá trị tài sản của Quỹ ASEAN Equity Fund (trị giá 18 triệu USD) do Nikko Asset Management quản lý. Ông Lai cho biết, Quỹ hiện vẫn đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam trong ngành tiêu dùng, ngân hàng, bất động sản và du lịch.
“Dù P/E của thị trường Việt Nam tăng khá mạnh trong thời gian qua, chúng tôi không nghĩ rằng đây là mức giá quá đắt đỏ, vì thu nhập trên mỗi cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt cũng đang tăng trưởng tốt. Hơn nữa, so với các thị trường khác trong khu vực ASEAN thì Việt Nam vẫn được định giá khá hợp lý. Chúng tôi đánh giá cao quyết tâm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và phát triển khu vực tư nhân của Chính phủ Việt Nam”, ông Lai nhận định.
Nhà đầu tư nước ngoài đã quen thuộc với câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam, điều quan trọng hiện nay là thị trường có đủ thanh khoản và nguồn hàng, các doanh nghiệp cởi mở với nhà đầu tư là các quỹ lớn sẽ tiến hành giải ngân
- Ông Rajiv Vijendran, Giám đốc khu vực mảng ngân hàng đầu tư và tư vấn của Maybank Kim Eng Group
Theo nhà đầu tư này, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư toàn cầu, nhưng Việt Nam nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất, đầu tư và tiêu dùng sang khu vực ASEAN.
Đại diện nhiều quỹ đầu tư khác tham dự Hội nghị cho biết, trước đây, họ từng nghi ngại về thị trường Việt Nam vì đợt “bong bóng” chứng khoán năm 2007. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày trước còn quá nhỏ, thanh khoản thấp và không có nhiều doanh nghiệp niêm yết để nhà đầu tư lựa chọn.
“Chỉ ba năm trước thôi, chúng tôi không tìm ra doanh nghiệp nào ở Việt Nam có giá trị giao dịch hàng ngày đạt trên 1 triệu USD. Năm nay, đã có ít nhất 14 - 15 mã cổ phiếu vượt qua mức này, giúp chúng tôi dễ thuyết phục khách hàng về tiềm năng của thị trường Việt Nam hơn”, một nhà đầu tư cho biết.
Doanh nghiệp Việt tìm đến các quỹ ngoại
Diễn ra song song với buổi hội thảo, hoạt động gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư của 5 doanh nghiệp Việt tham gia Invest ASEAN nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Các quỹ ngoại đều yêu cầu được trao đổi riêng với đại diện từng doanh nghiệp để tìm hiểu sâu hơn về kế hoạch kinh doanh, sức khỏe tài chính và triển vọng phát triển cụ thể của doanh nghiệp đó.
Theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, những nhà đầu tư này đa phần đến từ khu vực châu Á như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản và Hong Kong. Có những quỹ đã đầu tư vào Việt Nam, nhưng vẫn đến hội nghị này nhằm gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Về phần mình, các doanh nghiệp Việt cũng chủ động chuẩn bị tài liệu, cởi mở giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Ông Nguyễn Huy Dương, Giám đốc Tài chính, Tập đoàn Hoàng Huy cho biết, có 28 quỹ đầu tư từ Singapore và Nhật Bản đã đến tìm hiểu về hoạt động của Công ty trong lĩnh vực phân phối xe tải và bất động sản tại Hải Phòng. Doanh nghiệp này đã chia sẻ với nhà đầu tư về nhu cầu gọi vốn dài hạn trong năm 2018 nhằm phát triển các dự án bất động sản.
“Chúng tôi phấn đấu trong năm nay sẽ tích cực gặp gỡ nhà đầu tư quốc tế và tìm được đối tác chiến lược, cùng đồng hành với Công ty trong dài hạn”, ông Dương cho biết.
Tương tự, theo ông Hà Đức Hiếu, Giám đốc Tài chính CTCP Dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh, 30 quỹ đầu tư Singapore, Hong Kong và Nhật Bản đã gặp riêng doanh nghiệp này tại Hội nghị, trong đó có các quỹ đã sở hữu cổ phần tại Đất Xanh nhưng vẫn muốn gặp mặt trực tiếp để trao đổi thêm về quỹ đất và các dự án cụ thể.
Ông Hiếu cho biết, đây là một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm đến lĩnh vực bất động sản của Việt Nam, đánh giá cao dư địa phát triển của ngành này.
“Một số nhà đầu tư quan tâm đến việc cổ phiếu Đất Xanh đã gần kín “room” ngoại. Hiện nay, chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng trong tương lai nhiều khả năng sẽ tăng vốn nhằm tạo thêm cơ hội cho nhà đầu tư quốc tế tham gia rót vốn vào Công ty,” ông Hiếu chia sẻ.
Đánh giá về sức hút của doanh nghiệp Việt Nam, tại Hội nghị, ông Rajiv Vijendran, Giám đốc khu vực mảng ngân hàng đầu tư và tư vấn của Maybank Kim Eng Group cho biết, các doanh nghiệp trong nước sẽ càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với các quỹ lớn khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Các doanh nghiệp được khối ngoại quan tâm bao gồm công ty con của các doanh nghiệp lớn (điển hình như thương vụ IPO Vincom Retail của Vingroup vào tháng 11/2017), các doanh nghiệp tư nhân đầu ngành và các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
“Nhà đầu tư nước ngoài đã quen thuộc với câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam, điều quan trọng hiện nay là thị trường có đủ thanh khoản và nguồn hàng, các doanh nghiệp cởi mở với nhà đầu tư là các quỹ lớn sẽ tiến hành giải ngân”, ông Rajiv nhận định.