M&A 2018 có thể đạt 10 tỷ USD

(ĐTCK) TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Ðầu tư nước ngoài Việt Nam dự báo, sau năm 2017 ghi nhận doanh số từ các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trên thị trường tài chính Việt Nam đạt mốc 5 tỷ USD, năm 2018 doanh số trên thị trường M&A có thể đạt gấp đôi, lên tới 10 tỷ USD. Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh cung - cầu thị trường M&A đều ở mức cao chưa từng có trong lịch sử.
M&A 2018 có thể đạt 10 tỷ USD

Về sức cầu, sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã công bố Chiến lược “Làn gió phương Nam”, trong đó nhấn mạnh Việt Nam sẽ là quốc gia ưu tiên đầu tư nhất trong khối ASEAN.

Phía Hàn Quốc dự kiến sẽ nâng kim ngạch thương mại, đầu tư 2 nước lên 100 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 50% trong quan hệ của Hàn Quốc với khối ASEAN. Hàng loạt doanh nghiệp Hàn Quốc đang có mặt tại Việt Nam và ngóng tìm cơ hội gia nhập thị trường tài chính.

Như TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, dòng vốn từ Hàn Quốc vào Việt Nam mới chủ yếu theo hình thức đầu tư trực tiếp.

Trên thị trường tài chính, số doanh nghiệp, số dự án nhận dòng vốn đầu tư gián tiếp từ Hàn Quốc chiếm chưa tới 1% trong tổng số 6.500 dự án tại Việt Nam có sự góp mặt của dòng vốn xứ Kim Chi này.

Theo thống kê của Viện Giám sát tài chính Hàn Quốc, tính đến nay, mới có 54 công ty từ Hàn Quốc đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam, thấp hơn mức 63 công ty từ Trung Quốc và 54 công ty được ghi nhận từ Mỹ.

Với Chiến lược “Làn gió phương Nam”, Chính phủ Hàn Quốc không giấu diếm chủ trương hướng các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam thông qua việc tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tham gia làm cổ đông chiến lược trong khối ngân hàng, bảo hiểm, công ty chứng khoán hoặc các doanh nghiệp tư nhân năng động.

Không riêng Hàn Quốc, sức cầu đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam từ Nhật Bản cũng được dự báo sẽ gia tăng mạnh trong năm 2018, khi đây là năm ghi dấu ấn 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Năm 2014 và 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ðinh Tiến Dũng đã chủ trì 2 cuộc xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp như Vietnam Airlines, Petrolimex, Tập đoàn Bảo Việt, SSI, FPT… đã có sự tham gia của dòng vốn Nhật để mở rộng và vươn ra quốc tế.

JETRO từng công bố một báo cáo cho thấy, 90% doanh nghiệp Nhật Bản tin rằng, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam giúp nhà đầu tư Nhật tăng trưởng và 66,6% doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là một điểm đầu tư quan trọng.

Về nguồn cung, như TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, trong đó Chính phủ đã có chủ trương bán 100% vốn tại các ngân hàng yếu kém cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, Luật Chứng khoán được Quốc hội xem xét sửa đổi cuối năm 2018 dự kiến sẽ tiếp tục rộng cửa cho các dòng vốn chuyên nghiệp. Sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam và sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân năng động đang mở ra nhiều triển vọng mới cho dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

TTCK Việt Nam vừa vượt qua mốc đỉnh lịch sử 1.173 điểm được xác lập sau dấu mốc Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007). Bối cảnh thị trường tài chính đang hội tụ nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi” cho một sự thay đổi về chất trong bối cảnh dòng vốn từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… quan tâm sâu sắc tới Việt Nam. 

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục