Mở đường cho quỹ đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiến lược phát triển Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 là căn cứ pháp lý quan trọng để SCIC đẩy mạnh hoạt động đầu tư - kinh doanh vốn Nhà nước.
Mở đường cho quỹ đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp

Bước ngoặt của SCIC

Tại Lễ công bố triển khai Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và kế hoạch đầu tư - kinh doanh 5 năm (2025 - 2030) của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), diễn ra vào sáng 18/1 vừa qua, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Tổng công ty cho biết, sau 17 năm hoạt động, lần đầu tiên, SCIC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để SCIC đẩy mạnh triển khai hoạt động đầu tư - kinh doanh vốn, thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ.

Thực tế, trong gần hai thập kỷ hoạt động, SCIC đã tiếp nhận 1.080 doanh nghiệp, với tổng vốn Nhà nước hơn 32.339 tỷ đồng; bán vốn thành công tại 1.054 doanh nghiệp, tổng giá trị thu về 51.668 tỷ đồng, gấp 4,1 lần giá vốn; sắp xếp, cổ phần hóa 31 doanh nghiệp. Tổng doanh thu đạt 110.432 tỷ đồng, tổng lợi nhuận đạt 85.863 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân trong cả giai đoạn là 13%/năm, tổng nộp ngân sách nhà nước 92.245 tỷ đồng.

Hiện nay, danh mục đầu tư của SCIC chỉ còn 113 doanh nghiệp, ngoại trừ 12 doanh nghiệp nắm giữ theo dự thảo Đề án Cơ cấu lại SCIC, phần lớn còn lại là những doanh nghiệp kém hiệu quả, khó bán vốn. Trong đó, 37 doanh nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất; 34 doanh nghiệp thuộc diện giải thể phá sản, ngừng hoạt động, tỷ lệ sở hữu nhỏ, kinh doanh khó khăn (một số doanh nghiệp đã bán vốn 6 lần trở lên không thành công); 24 doanh nghiệp phải giải quyết các vướng mắc về pháp lý, công nợ, quyết toán vốn lần 2 mới đủ điều kiện bán vốn.

Thực tế này đòi hỏi SCIC phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư, chuyển đổi mô hình hoạt động thành tổ chức tài chính thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ.

Đầu tư và tích lũy

Tổng vốn đầu tư SCIC đã giải ngân đến thời điểm hiện nay là hơn 37.600 tỷ đồng

Tính đến nay, SCIC đã thực hiện chức năng đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước vào nền kinh tế với tổng vốn đầu tư đã giải ngân đến thời điểm hiện nay là hơn 37.600 tỷ đồng. Kết quả đầu tư bảo toàn vốn và đạt hiệu quả tốt. Trong đó, đầu tư mua cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tại các doanh nghiệp tiếp nhận với gần 16.420 tỷ đồng. SCIC đã góp vốn thành lập doanh nghiệp và đầu tư cổ phiếu hơn 6.000 tỷ đồng.

Có thể kể đến một số khoản đầu tư đạt kết quả tốt như mua cổ phần chiến lược của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), với hiệu quả thu được ước tính là 5.775 tỷ đồng; trong đó, cổ tức lũy kế đạt 333 tỷ đồng, chênh lệch giá trị thị trường tại ngày 31/12/2023 so với giá vốn đầu tư là 5.442 tỷ đồng. Hay khoản đầu tư 1.600 tỷ đồng mua cổ phiếu phát hành thêm của Tổng công ty Vinaconex (mã VCG) và đã thoái toàn bộ vốn tại doanh nghiệp này, thu về khoản lãi 4.800 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp cũng đem lại khoản lợi tức tốt (đầu tư 6.850 tỷ đồng, thu về 2,318 tỷ đồng trái tức). Ngoài ra, SCIC cũng đầu tư theo chỉ định của Chính phủ 7.936 tỷ đồng (hiện đã rút vốn thành công 1.036 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ).

Rõ ràng, hoạt động đầu tư của SCIC hiệu quả và cần thiết được thúc đẩy trong giai đoạn tới. Lộ trình phát triển của SCIC cũng tương đối phù hợp với các tổ chức đầu tư chính phủ trên thế giới, như Temasek cũng cần khoảng 20 năm để tái cơ cấu doanh nghiệp, tích lũy vốn.

Để SCIC vươn tầm và có đóng góp tích cực cho nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, Chính phủ cần xem xét tăng quy mô vốn cho SCIC. Nguồn vốn hoạt động của SCIC có thể được hình thành từ các nguồn như lợi nhuận sau thuế giữ lại (không phải nộp ngân sách nhà nước); thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (hiện đang nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp); vốn huy động và các nguồn vốn khác...

Phân tích của ông Nguyễn Chí Thành cũng cho thấy, quy mô GDP của Việt Nam hiện nay tương đương Singapore (450 tỷ USD) nhưng vốn hóa danh mục của SCIC chỉ là 8 tỷ USD, bằng 1/100 các quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore.

Một thực tế là Việt Nam hiện có nhiều doanh nghiệp địa phương sau nhiều thập kỷ phát triển có khả năng vươn tầm nhưng hiện thiếu nguồn lực về tài chính về quản trị. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, quốc gia hóa các doanh nghiệp lớn ở địa phương đang mặc chiếc áo chật bằng cách không cần chuyển giao vốn về SCIC nhưng cho doanh nghiệp tăng vốn và SCIC đầu tư vào để giải quyết lợi thế quốc gia, gia tăng giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp là giải pháp cần được cân nhắc và nghiên cứu. Đó cũng là những doanh nghiệp đang niêm yết như Becamex Bình Dương, Sonadezi Đồng Nai..., hay đầu tư phát triển doanh nghiệp vận hành, tạo trung tâm tài chính tại TP.HCM như ý tưởng đã được SCIC đưa ra 15 năm trước.

Không thiếu cơ hội để vốn Nhà nước phát huy hiệu quả, dẫn dắt dòng vốn đầu tư tư nhân - vốn đang khá dè dặt hiện nay.

Theo kinh nghiệm quốc tế về thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách (khu vực tư nhân, nước ngoài), để đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực trọng yếu, giải pháp phổ biến, được nhiều nước đang phát triển áp dụng trong thời gian gần đây và được Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến khích là thành lập định chế đầu tư đặc thù, thường được gọi chung là quỹ phát triển quốc gia (Sovereign Development Fund - SDF). Các định chế này có thể được tổ chức theo mô hình quỹ đầu tư, công ty đầu tư trực thuộc Chính phủ (Ấn Độ), Bộ Tài chính (Malaysia), Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước (Trung Quốc)...

Hiện nay, tổng giá trị tài sản thuộc phạm vi quản lý của 100 quỹ đầu tư chính phủ lớn nhất trên thế giới lên tới 11.860 tỷ USD.

Theo kế hoạch kinh doanh đã được phê duyệt, năm 2024 - 2025, SCIC đặt mục tiêu doanh thu bình quân hàng năm đạt 9.400 tỷ đồng/năm; lợi nhuận sau thuế bình quân hàng năm đạt 6.700 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước bình quân hàng năm đạt 5.400 tỷ đồng.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục