Nhiều cơ hội mới
Cuối tháng 3 vừa qua, Mirae là một trong số ít các doanh nghiệp tiêu biểu được lựa chọn để tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In.
Ông Kim Chul Soo, Phó tổng giám đốc Mirae bày tỏ niềm tự hào khi được tham dự Diễn đàn, bởi trong hơn 5.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, quy mô của Mirae không lớn nhưng là doanh nghiệp lâu đời, có đóng góp về nhiều mặt và đáp ứng được nhiều tiêu chí khác.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc là sự kiện được các doanh nghiệp hai nước đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, tháng 11/2017, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Moon Jae-in đã công bố “chính sách phương Nam mới”, với trọng tâm là tăng cường kết nối hợp tác giữa Hàn Quốc với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trước đây, chính sách ngoại giao của Hàn Quốc tại châu Á chủ yếu hướng tới Nhật Bản, Trung Quốc và Nga, nhưng nay có sự mở rộng. Mục đích của chính sách mới là xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa Hàn Quốc và 10 nước thành viên ASEAN vì “cộng đồng 3P” - ghép từ ba chữ cái đầu bằng tiếng Anh, với nghĩa “người dân, sự thịnh vượng chung và một nền hòa bình”. Trong đó, danh mục quốc gia đầu tư hàng đầu là VIP (Việt Nam, Indonesia, Philippines) và Việt Nam đối tác trọng tâm, là cầu nối giữa Hàn Quốc và Đông Nam Á.
Trong khi đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc bắt đầu được thực thi, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới ký kết trong tháng 3/2018 có vai trò và tiềm năng rất lớn của Việt Nam, chưa kể các hiệp định song phương sắp có hiệu lực/sắp ký kết như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... Chính vì vậy, các doanh nghiệp Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực, nhất là dệt may, đã có làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam nhằm hưởng lợi về thuế quan.
Ông Kim Chul Soo đánh giá, chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc, các hiệp định thương mại đa phương, song phương mà Việt Nam đã và sắp ký kết là một trong những yếu tố quan trọng, tạo tiền đề gia tăng đơn hàng cho ngành dệt may Việt Nam.
Riêng tại Mirae, trong vài năm qua, bên cạnh đơn hàng từ các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc..., Công ty đón nhận không ít đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc.
Đơn cử, một doanh nghiệp lớn về hàng may mặc và cung cấp bông tấm trên thị trường may mặc Mỹ đang đặt hàng tại Việt Nam và Mirae là đơn vị xuất khẩu độc quyền cho khách hàng này. Trước đây, khách hàng này đặt hàng 100% tại Trung Quốc, nhưng trong 3 năm gần đây, họ dịch chuyển từng phần sang Việt Nam và đơn hàng ngày càng lớn, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang dâng cao.
Doanh số đến từ các khách hàng có xu hướng tăng. Năm 2016, có khách hàng chỉ mang lại doanh số 165 triệu đồng, nhưng năm 2017 tăng vọt lên hơn 25 tỷ đồng.
“Năm 2018, các đơn hàng gia tăng mạnh mẽ hơn”, ông Kim Chul Soo nói và chia sẻ, hưởng lợi từ các hiệp định thương mại, sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc vẫn tiếp tục, trong khi Mirae gia tăng khả năng đáp ứng đơn hàng là cơ sở để Công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm nay tăng trưởng cao so với năm 2017.
Theo kế hoạch, năm 2018, Mirae đặt mục tiêu doanh thu bán hàng 435,2 tỷ đồng, tăng 14,6% so với thực hiện năm 2017, trong đó bông tấm đóng góp 375 tỷ đồng, chiếm 86%. Đây là mặt hàng chủ lực, chiếm trên 80% doanh thu hàng năm của Công ty. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 17,3 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm 2017. Kế hoạch này chưa bao gồm phần công suất dự kiến gia tăng thêm 15% từ quý III/2018.
Lãnh đạo Mirae cho biết, năm 2018 sẽ là năm khởi đầu của đơn hàng mới, Công ty đã có kế hoạch đầu tư thêm máy móc, dây chuyển sản xuất để gia tăng công suất. Dự kiến, sau 3 năm (đến năm 2020), công suất sẽ tăng 50% so với hiện tại, trong đó năm 2018 dự kiến tăng 15%.
Phần công suất tăng thêm này sẽ phục vụ các đơn hàng tăng thêm từ phía khách hàng Mỹ và các đơn hàng muốn đặt tại Mirae nhưng hiện Công ty chưa thể đáp ứng. Hai dây chuyền mới sẽ được lắp đặt tại nhà máy ở Bình Dương vào khoảng tháng 5 và dự kiến đi vào vận hành trong tháng 8/2018. Chi phí đầu tư khoảng 1,5 - 2 triệu USD/dây chuyền.
Ngoài hoạt động chính là sản xuất bông tấm, Mirae còn sản xuất máy móc thiết bị và cung cấp bông sợi cho các nhà máy sản xuất đệm và tấm bông. Do vậy, khả năng vận hành, bảo dưỡng, nâng cấp dây chuyền thiết bị để đáp ứng nhu cầu tăng thêm diễn ra nhanh hơn.
Chứng chỉ quốc tế, vé thông hành vào các thị trường lớn
Hiện Mirae là doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu bông tấm số 1 tại Việt Nam, có hơn 3.000 khách hàng cả trong và ngoài nước, chiếm khoảng 65 - 70% thị phần và là doanh nghiệp thuộc Top đầu ở Đông Nam Á.
Phân khúc sản phẩm của Mirae đa dạng từ cao cấp, trung bình và bình dân, trong đó, sản phẩm cao cấp là nguyên liệu cho các công ty dệt may sản xuất áo jacket. Khách hàng chính của mặt hàng bông tấm là các công ty may mặc Hàn Quốc, Mỹ và các công ty may xuất khẩu trong nước.
Lợi thế của Mirae chính là sản phẩm cao cấp có hàm lượng kỹ thuật cao và Công ty đã đạt chứng nhận chất lượng Bluesign do Thụy Sĩ cấp. Chứng nhận Bluesign đề cao tiêu chí loại bỏ các chất độc hại ngay từ đầu quá trình sản xuất, cũng như thiết lập và kiểm soát tốt các tiêu chuẩn về môi trường và an toàn lao động. Không chỉ là sản phẩm hoàn thiện phải đạt tiêu chuẩn về độ an toàn, mà tất cả các khâu, từ nguyên phụ liệu cho tới thành phẩm đều phải đạt chuẩn.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Mirae (người đứng hàng cuối cùng, thứ tư từ phải sang) cùng đại diện một số doanh nghiệp gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc tại Hà Nội
Mirae cũng đạt chứng nhận Tiêu chuẩn tái chế toàn cầu (Global Reclycled Standard - GRS). GRS là một tiêu chuẩn sản phẩm để theo dõi và xác minh thành phần của vật liệu tái chế trong sản phẩm cuối cùng, đồng thời đảm bảo các yêu cầu sản xuất nghiêm ngặt. Đây là một tiêu chuẩn sản phẩm hoàn chỉnh về thành phần vật liệu tái chế nhằm cân bằng tính nghiêm ngặt và thiết thực giữa ngành công nghiệp dệt may và người tiêu dùng cuối cùng. Tiêu chuẩn này áp dụng cho tất cả các công ty sản xuất hoặc kinh doanh các sản phẩm tái chế.
Mirae hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bông tấm - vốn ảnh hưởng nhiều đến môi trường, nên có được chứng nhận Bluesign hay GRS đòi hỏi cả một quá trình dài theo đuổi, nhưng mang lại lợi thế lớn đối với doanh nghiệp.
Trong số hàng trăm công ty may mặc tại Việt Nam, hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp đạt được các chứng nhận về chất lượng, môi trường trên. Các khách hàng có thể tìm kiếm nhà cung cấp với giá rẻ, nhưng hầu hết các hãng lớn như Nike, Adidas, Puma... đều lựa chọn những nhà cung cấp có các chứng nhận tương tự, bởi họ tôn trọng sự an toàn với người tiêu dùng, người lao động và góp phần giảm thải độc hại ra môi trường.
Được biết, nguyên vật liệu chính được Mirae sử dụnglà fiber - sợi nhựa tổng hợp có thành phần chính là polyethylene terephthalate. Hơn 95% fiber được sử dụng tại Công ty được sản xuất từ nhựa tái chế. Chỉ một phần nhỏ, dưới 5% fiber được xản xuất từ nhựa nguyên sinh để pha trộn thêm cho các sản phẩm cao cấp. Ngoài ra, 100% nguyên liệu đóng gói là nylon được sản xuất từ nhựa tái chế.