Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại, thưa ông?
Cách đây 10 năm (vào năm 2007), tôi đã sang Việt Nam và đặt nền móng đầu tiên cho CTCK Mirae Asset Việt Nam. Ở thời điểm đó, đã có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc cũng như quốc tế hỏi tôi “Tại sao là Việt Nam?”, tôi đã trả lời họ trực tiếp, cũng như đã viết cuốn sách “Rising Vietnam - Chứng khoán Việt Nam phát triển” được xuất bản và phát hành rộng rãi ở Hàn Quốc, trong đó tôi đặt trọn niềm tin vào sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai và tin rằng, đây sẽ là ngôi sao mới của châu Á.
Ông Kang Moon Kyung
Thực tế phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 10 năm qua là câu trả lời rõ nhất cho câu hỏi này.
Chẳng hạn, quy mô thị trường đã tăng trưởng rất mạnh mẽ, từ 100-200 doanh nghiệp niêm yết của năm 2007 đã tăng tới hơn 1.400 mã cổ phiếu đang giao dịch trên các sàn giao dịch, tương ứng với đó là giá trị giao dịch mỗi phiên đạt từ 3.000 - 6.000 tỷ đồng.
Dù vậy, theo quan điểm cá nhân tôi, thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển rực rỡ hơn nữa trong những năm tới, do yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ còn kéo dài nhiều năm tiếp theo.
Thị trường đang chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang IPO và lên sàn… Đây sẽ là động lực mới thu hút mạnh mẽ dòng tiền cho thị trường phát triển.
Ông dự báo gì về dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam?
Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vẫn đang chảy rất mạnh vào Việt Nam. Là một công ty môi giới, chúng tôi liên tục giới thiệu những cơ hội đầu tư vào Việt Nam cho rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, từ bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, cơ khí, đến dược phẩm, sản xuất, tiêu dùng, ngân hàng…
Hiện tại, các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục đầu tư vào Việt Nam với giá trị rất lớn bằng cả hình thức gián tiếp và trực tiếp. Theo thông tin tôi có được thì Hàn Quốc hiện đang dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thống kê đầu tư của Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam cả năm 2016 là 6,9 tỷ USD, trong khi chỉ tính tới 9 tháng đầu năm 2017, đã có hơn 6,31 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam.
Có thể thấy, dòng vốn từ Hàn Quốc vẫn đang chảy mạnh vào Việt Nam và có thể nói, tìm cơ hội kinh doanh, đầu tư vào Việt Nam đang là xu hướng của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Điều này diễn ra khi Việt Nam đang từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng, chất lượng lao động, liên tục cải cách về thủ tục hành chính…
Đây là những điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Hàn Quốc, vì chúng tôi đã có cộng đồng và hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, nên việc xúc tiến đầu tư sẽ thuận lợi hơn những khu vực khác.
Chẳng hạn thời gian qua, chúng tôi đã xúc tiến thành công thương vụ cho một doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào một doanh nghiệp ngành dược Việt Nam với giá trị 75 triệu USD (Magbi Fund Limited mua 25% của Traphaco) và còn nhiều thương vụ đầu tư lớn khác đang được xúc tiến.
Tất cả những số liệu trên cho thấy, dòng vốn Hàn Quốc đang chảy vào Việt Nam ngày một mạnh hơn và dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong những năm tiếp theo khi điều kiện ngày càng trở nên thuận lợi.
Mirae Asset quan tâm đến lĩnh vực nào trên thị trường Việt Nam và đâu là thế mạnh của Công ty, thưa ông?
Mirae Asset đã có 175 văn phòng ở 15 nước trên thế giới. Dựa vào thế mạnh toàn cầu này, lĩnh vực đầu tiên chúng tôi quan tâm là giới thiệu (môi giới) những cơ hội đầu tư tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Lĩnh vực thứ 2 là đưa cơ hội hợp tác tài chính với chi phí vốn thấp cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang nỗ lực gia tăng chất lượng tư vấn đầu tư cho những nhà đầu tư cá nhân tại thị trường Việt Nam, nhằm hướng đến mục tiêu chung là đồng hành và hỗ trợ cho những nhà đầu tư cá nhân trở thành chuyên nghiệp trên thị trường.
Theo ông, đâu là nhược điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng và nhà đầu tư ngoại nói chung?
Một trong những nhược điểm mà các nhà đầu tư ngoại e ngại nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam, đó là sự minh bạch thông tin của doanh nghiệp và tính thanh khoản của cổ phiếu.
Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại vẫn chưa thực sự tiếp cận tốt với nhiều doanh nghiệp do hạn chế về ngôn ngữ. Nhiều doanh nghiệp chưa có website tiếng Anh, cũng như chưa công bố thông tin hoặc báo cáo bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, cũng chưa có nhiều tạp chí chuyên ngành tài chính bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hàn. Vì vậy, nhà đầu tư ngoại vẫn đang rất thiếu thông tin chung của thị trường.
Tuy nhiên, tôi tin điều này sẽ được cải thiện trong những năm tới.
Nhìn từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, Việt Nam cần làm những gì để thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn?
Vào tháng 3/2018, sản phẩm chứng quyền có đảm bảo dự kiến bắt đầu được áp dụng tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo tôi, đây là một bước ngoặt quan trọng trong việc định hướng phát triển của thị trường.
Chứng quyền có đảm bảo tại các thị trường châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông… là một sản phẩm rất phổ biến, thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia. Việc đưa sản phẩm này vào vận hành giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý, cũng như các tổ chức đánh giá, xếp hạng thị trường có một cái nhìn mới về thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi cách thiết kế, tổ chức, vận hành và quản lý sản phẩm chứng quyền phức tạp hơn nhiều so với cổ phiếu.
Tại thị trường Hàn Quốc, khi mới ra đời, sản phẩm chứng quyền rất thành công và giá trị giao dịch chứng quyền trên thị trường này đứng trong top 3 thị trường sản phẩm phái sinh toàn thế giới. Bài học rút ra từ thị trường Hàn Quốc là khi đưa vào vận hành sản phẩm mới, cơ chế quản lý thị trường phải rõ ràng và thống nhất ngay từ đầu để tối ưu hóa các đặc tính hấp dẫn của sản phẩm và các tổ chức phát hành có thể dễ dàng giới thiệu sản phẩm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đối với các tổ chức phát hành chứng quyền là công ty chứng khoán, nhiệm vụ phổ biến thông tin đa chiều về sản phẩm như lợi ích và rủi ro của sản phẩm phải được ưu tiên hàng đầu để nhà đầu tư có các quyết định đúng đắn, mang lại giá trị thặng dư khi thực hiện các quyết định đầu tư.
Theo tôi, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những bước phát triển đúng đắn để nâng tầm từ một thị trường cận biên trở thành thị trường mới nổi. Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam phần nào cũng đã phản ánh điều này. Việc đẩy mạnh cổ phần hóa và bán bớt cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp lớn cho thấy tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam trong việc hướng tới một thị trường chứng khoán minh bạch và hiệu quả…
Mặc dù vậy, một số ngành nghề vẫn còn bị hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, đây là rào cản dòng tiền từ nước ngoài muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Tôi hy vọng từng bước trong năm 2018 và các năm sau sẽ có các chính sách và quyết định giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào thị trường Việt Nam một cách sâu rộng và toàn diện hơn.