Minh bạch thông tin, nhìn từ mùa đại hội 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin (về doanh nghiệp) là căn cứ quan trọng cho quyết định của nhà đầu tư. Mùa đại hội cổ đông năm nay chứng kiến những cuộc trao đổi thẳng thắn từ các bên quanh câu chuyện vận hành doanh nghiệp.
Niềm tin của cổ đông với doanh nghiệp chỉ được xây dựng trên cơ sở sự minh bạch, thẳng thắn của lãnh đạo doanh nghiệp. Niềm tin của cổ đông với doanh nghiệp chỉ được xây dựng trên cơ sở sự minh bạch, thẳng thắn của lãnh đạo doanh nghiệp.

Đối thoại thẳng thắn

Quan sát đại hội cổ đông thường niên 2024 của nhiều công ty niêm yết, điều dễ nhận thấy là sự chủ động của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc trả lời chất vấn của nhà đầu tư. Trong đó, đáng lưu ý là tinh thần nhìn thẳng, nói thẳng, không giấu giếm, vòng vo.

Tại đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn Vingroup (mã VIC), nhiều cổ đông bày tỏ sự quan tâm lớn đến câu chuyện dòng tiền, đến tình hình kinh doanh của Vinfast - công ty trong hệ sinh thái Vingroup.

Trong đó, có cổ đông đã thẳng thắn chất vấn ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup về câu chuyện này. Bên hỏi thẳng thắn và bên trả lời cũng rất chủ động, không tránh né, thậm chí còn tích cực chia sẻ để nhà đầu tư hiểu thêm về bức tranh tài chính của doanh nghiệp.

Trước các câu hỏi của cổ đông về dòng tiền của Vingroup, về câu chuyện dồn lực “nuôi” Vinfast, ông Phạm Nhật Vượng thẳng thắn: Vingroup đang phải dùng nhiều nguồn lực cho Vinfast, bởi Vinfast không chỉ là câu chuyện kinh doanh, mà còn là câu chuyện đẳng cấp. Thời gian qua, Vinfast đã nhận được tài trợ 1 tỷ USD từ Tập đoàn Vingroup và thời gian tới, Vingroup và cá nhân ông sẽ thu xếp tài trợ thêm 1 tỷ USD cho thương hiệu xe điện này.

“Tập đoàn không chối bỏ hỗ trợ Vinfast, chúng ta đang vận động để mọi người ủng hộ Vinfast thì không lý gì các thành viên Tập đoàn lại không tham gia. Chúng tôi đã phải bán nhiều tài sản của mình để tài trợ cho Vinfast và thực hiện đúng pháp luật”, ông Vượng khẳng định và cho biết thêm rằng, thị trường nghi ngờ về dòng tiền, năng lực của Vingroup là không có cơ sở, vì Tập đoàn chưa chậm thanh toán lãi hay gốc cho các đối tác ngân hàng bao giờ.

“Hai năm qua, thị trường nhiều khó khăn, nhưng khó khăn nhất đã ở lại phía sau, thị trường đã phục hồi, các sản phẩm của Vinhomes bán tốt, lượng hàng khổng lồ đã được bán ra. Vinfast lần đầu trở thành thương hiệu có doanh số bán xe lớn nhất Việt Nam, doanh nghiệp tiến lên là chắc chắn và Vingroup tự tin với điều đó”, ông Vượng khẳng định.

Ngoài ra, ông Vượng cũng chủ động “đưa tin” về kế hoạch niêm yết các công ty con để nhà đầu tư nắm được. Cụ thể, theo ông Vượng, Vingroup sẽ cố gắng để niêm yết Vinpearl vào cuối năm 2024, Xanh Taxi sẽ niêm yết trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Tương tự, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), khi có ý kiến của cổ đông về câu chuyện chia cổ tức, ông Nguyễn Duy Viễn, Tổng giám đốc BSC cho biết, việc chia cổ tức sẽ theo hai phương án, 10% bằng cổ phiếu, hoặc 5% tiền mặt và 5% cổ phiếu. BSC sẽ cân nhắc và chọn phương án hợp lý nhất, hài hoà quyền lợi cổ đông - doanh nghiệp, gắn với mục tiêu phát triển dài hạn.

Sự thẳng thắn, minh bạch của lãnh đạo doanh nghiệp sẽ dễ dàng nhận được sự cảm thông của các cổ đông, nhà đầu tư. Đó chính là cơ sở để xây dựng niềm tin giữa cổ đông, nhà đầu tư với lãnh đạo doanh nghiệp, từ đó mới mong họ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những giai đoạn sóng gió của doanh nghiệp, của thị trường.

Ông Viễn khẳng định, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng đặt ra những áp lực với Công ty và quyền lợi cổ đông, không chỉ đến từ cổ tức bằng tiền mặt, hay cổ phiếu, mà còn đến từ biến động giá. Năm qua, giá cổ phiếu BSC đã tăng 4-5 lần, nên gia tăng thị giá đã mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông. Việc chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu theo đó sẽ căn cứ trên nhu cầu vốn của Công ty.

“BSC có quy mô chưa lớn, vốn điều lệ ngoài Top 20 thị trường, nên phải cân đối lợi ích Công ty - cổ đông - nhà đầu tư trong bối cảnh doanh nghiệp đang cần tăng vốn”, ông Viễn nói và cho biết thêm về định hướng kinh doanh của BSC, đó là không chạy theo thị phần bằng mọi giá mà chỉ tiêu quan trọng là lợi nhuận, thay vì đánh đổi thị phần thì BSC sẽ tập trung vào chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng hoạt động môi giới, kinh doanh, từ đó gia tăng lợi nhuận, điều này cũng để đảm bảo quyền lợi của cổ đông.

Nhìn thẳng vào những tồn tại

Một điểm đáng ghi nhận nữa là các doanh nghiệp đang chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tới nhà đầu tư và đại hội cổ đông được xem là dịp thích hợp nhất để làm điều này.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC), lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ đưa ra các kế hoạch, mục tiêu về kinh doanh, mà còn thẳng thắn chia sẻ cùng các cổ đông những khó khăn trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch VISC cho hay, Công ty tiến hành tái cấu trúc trong bối cảnh nền kinh tế nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng có những diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đổ vỡ. Một doanh nghiệp “xác chết” như VISC càng khó khăn hơn.

Theo ông Long, thời gian qua, VISC đã đổi mới toàn bộ hoạt động, từ hệ thống vận hành, các mảng kinh doanh cho đến bổ sung dòng tiền… Doanh nghiệp dù đã đảm bảo an toàn tài chính, hồ sơ đầy đủ hơn một năm nay nhưng vẫn chưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt (tình trạng này cũng xảy ra với nhiều công ty khác).

Tuy nhiên, ông Long tin rằng, nếu tình hình thuận lợi và VISC thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, được thực hiện các nghiệp vụ margin, bảo lãnh phát hành… thì kết quả kinh doanh của Công ty sẽ được cải thiện đáng kể.

Chủ tịch VISC cho hay, năm 2024, doanh nghiệp sẽ cố gắng cung cấp một dịch vụ hoàn toàn mới: bán thuê bao gói thông tin tài chính chứng khoán, dịch vụ mà các doanh nghiệp chứng khoán khác chưa có. Mục tiêu năm 2024, Công ty sẽ xoá hết lỗ luỹ kế từ nguồn lợi nhuận để lại và các nguồn vốn thặng dư khác.

Năm 2023, thị trường bất động sản khá trầm lắng, nguồn cung sơ cấp sản phẩm mới suy giảm mạnh khiến cho nhiều doanh nghiệp trong ngành gặp khó. Cen Land, với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực phân phối bất động sản cũng không phải ngoại lệ, với việc ghi nhận doanh thu 1.026 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vẻn vẹn 2 tỷ đồng, lần lượt giảm 73% và 78% so với năm trước đó.

Thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại, thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Cen Land cho hay, năm 2023, hoạt động kinh doanh bất động sản cực kỳ khó khăn, bản thân Cen Land tham gia đầu tư thứ cấp và đang bị đọng vốn trên 4.000 tỷ đồng ở dự án Louis City Hoàng Mai. Việc bị kẹt vốn tại dự án này đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Vũ thừa nhận, giai đoạn hiện tại, khi thị trường địa ốc gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp như Cen Land không có doanh thu, lợi nhuận, Cen Land tích cực “xoay bài” sang các lĩnh vực như cung ứng nguồn nhân lực, mở rộng thêm mảng kinh doanh bất động sản điều dưỡng…

Chia sẻ trung thực về bức tranh kinh doanh, ở cả phương diện khó khăn, thách thức và cơ hội, Chủ tịch Cen Land hy vọng các cổ đông, nhà đầu tư tin tưởng vào các kế hoạch mà doanh nghiệp đang đề ra và quay lại đường đua tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới.

Sự thẳng thắn, minh bạch của lãnh đạo doanh nghiệp sẽ dễ dàng nhận được sự cảm thông của các cổ đông, nhà đầu tư. Đó chính là cơ sở để xây dựng niềm tin giữa cổ đông, nhà đầu tư với lãnh đạo doanh nghiệp, từ đó mới mong họ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những giai đoạn sóng gió của doanh nghiệp, của thị trường.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục