Thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự trở thành hàn thử biểu của nền kinh tế, phản ánh rõ nét các biến động vĩ mô và vi mô. Ông đánh giá thế nào về bối cảnh kinh tế cũng như triển vọng của thị trường chứng khoán trong năm nay?
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều biến động trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới có nhiều bất ổn. Trên thế giới, lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia trong năm 2022 khiến chính phủ các nước đó phải thắt chặt chính sách tiền tệ với nhịp độ nhanh, mạnh. Trước các điều chỉnh chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed), USD tăng giá mạnh so với nhiều đồng tiền, gây áp lực lên điều hành tỷ giá của nhiều nước, kéo theo các bất ổn về tài chính và nợ gia tăng.
Thời gian qua, lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế vì thế tiếp tục gặp khó khăn, sức ép giá cả vẫn còn lớn. Ngân hàng trung ương các nước tiếp tục phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để đưa lạm phát về mức mục tiêu. Sự sụp đổ liên tiếp của một số ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sỹ trong tháng 3 và tháng 5/2023 càng làm giới đầu tư lo ngại về an toàn trên thị trường tài chính. Trong khi đó, tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường khi xung đột Nga - Ukraine tiếp tục leo thang.
Ngoài ra, việc nền kinh tế Trung Quốc mất đà phục hồi so với quý I/2023 cũng là một mối lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế này vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Do vậy, triển vọng kinh tế thế giới được đánh giá còn nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán trên thế giới theo đó cũng biến động.
Trước tác động của sức cầu thế giới giảm, biến động của thị trường ngoại hối, tăng trưởng chậm của các đối tác chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc..., hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù Việt Nam vẫn duy trì thặng dư thương mại trong 6 tháng đầu năm 2023, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu đã có sự suy giảm so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh tác động giảm cầu nhập khẩu của khối FDI, kết quả này còn cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động của các doanh nghiệp nội địa. Ngoài ra, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2023 giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi thế về lao động rẻ và ưu đãi thuế trong thu hút FDI có thể bị ảnh hưởng nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Những yếu tố kém tích cực trên có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II và các quý còn lại của năm 2023.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước |
Tuy vậy, thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm vẫn có nhiều điểm sáng tích cực. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh… Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất huy động và cho vay của nhiều ngân hàng thương mại có xu hướng giảm trong quý II/2023.
Hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, nhưng theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6/2023 và 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, nhiều chỉ số kinh tế như chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước có sự cải thiện so với cùng kỳ năm 2022. Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư cùng với việc lãi suất hạ nhiệt giúp giảm chi phí cơ hội và chi phí vốn đối với đầu tư chứng khoán đã hỗ trợ thanh khoản thị trường được cải thiện, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước có xu hướng trở lại thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất nửa đầu năm nay |
Thị trường đã dần hồi phục trở lại, ông có thể chia sẻ một vài con số cho thấy điều đó?
Trước tác động của những yếu tố nêu trên, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua nhiều biến động, tăng giảm đan xen trong 6 tháng đầu năm 2023. Sau những bước hồi phục trở lại trong tháng 1/2023, thị trường tiếp tục có những phiên giảm điểm trong tháng 2. Bước sang tháng 3, trước những tin tức về bất ổn trong hệ thống ngân hàng tại Mỹ và châu Âu, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một vài phiên giảm điểm, nhưng sau đó đã hồi phục trong những tuần tiếp theo trước khi bước vào giai đoạn điều chỉnh trong tháng 4. Từ tháng 5, thị trường bước vào giai đoạn giao dịch khởi sắc hơn.
Kết thúc phiên ngày 30/6/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.120,18 điểm, tăng 11,2% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 227,32 điểm, tăng 10,7% so với cuối năm 2022. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu của 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 30/6/2023 đạt 5.783.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022, tương đương 60,8% GDP ước tính năm 2022.
Thanh khoản thị trường trầm lắng trong quý I/2023, với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt xấp xỉ 11.300 tỷ đồng, giảm 44% so với bình quân năm 2022. Bước sang quý II/2023, thanh khoản thị trường khởi sắc, với giá trị giao dịch bình quân tháng 4, 5 và 6 tăng trưởng tích cực, lần lượt đạt 13.374 tỷ đồng/phiên, 14.495 tỷ đồng/phiên và 19.829 tỷ đồng/phiên. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 13.729 tỷ đồng/phiên, giảm 31,9% so với bình quân năm 2022.
Về hoạt động niêm yết và đăng ký giao dịch, đến cuối tháng 5/2023, thị trường có 745 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 869 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1,993 triệu tỷ đồng, tăng 0,5% so với cuối năm 2022, tương đương 21% GDP ước tính năm 2022.
Trên thị trường trái phiếu niêm yết, giá trị giao dịch bình quân tháng 6 đạt 7.040 tỷ đồng/phiên, tăng 6,2% so với bình quân tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 5.871 tỷ đồng/phiên, giảm 23,6% so với bình quân năm 2022. Về quy mô niêm yết, đến cuối tháng 5/2023, thị trường có 451 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1,897 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022, tương đương 19,9% GDP ước tính năm 2022.
Định hướng phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, bền vững đã được cơ quan quản lý khẳng định nhiều lần. Những giải pháp mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai thời gian qua nhằm quản lý thị trường theo định hướng này là gì?
Thời gian qua, nhằm ổn định và phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, hiệu quả, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai công tác điều hành, quản lý, tập trung vào các nhiệm vụ sau đây:
Về công tác xây dựng cơ chế, chính sách thị trường chứng khoán, Ủy ban tiếp tục rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chủ thể tham gia thị trường; trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước.
Về công tác quản lý các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán, tăng cường giám sát hoạt động tổ chức kinh doanh chứng khoán; tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu người hành nghề chứng khoán.
Về công tác quản lý chào bán, giám sát công ty đại chúng, trong 5 tháng đầu năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép/chấp thuận chào bán 4.964,2 tỷ đồng cổ phiếu ra công chúng; 3.064,2 tỷ đồng cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng và 16.100 tỷ đồng trái phiếu (phát hành ra công chúng, chào bán trái phiếu chuyển đổi, chào bán ra nước ngoài của công ty đại chúng). Ủy ban đã tăng cường rà soát chặt chẽ việc phát hành của các công ty đại chúng, công ty niêm yết; triển khai kiểm tra hoạt động công ty đại chúng, tổ chức kiểm toán theo kế hoạch đã được phê duyệt; giám sát tình hình thực hiện nghĩa vụ báo cáo công bố thông tin của các công ty đại chúng, đồng thời phối hợp với các sở giao dịch chứng khoán thực hiện rà soát nghĩa vụ công ty đại chúng.
Ủy ban đã chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam hoàn thành xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ, đưa vào hoạt động trong tháng 7/2023.
Về công tác thanh tra, giám sát thị trường chứng khoán, trong 6 tháng đầu năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 16 đoàn thanh - kiểm tra, bao gồm 9 đoàn thanh - kiểm tra theo kế hoạch và 7 đoàn kiểm tra đột xuất. Trên cơ sở kết quả giám sát thường xuyên, kết quả thanh - kiểm tra, Ủy ban đã ban hành 187 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt 18,35 tỷ đồng; trong đó, xử phạt 2 trường hợp thao túng giá cổ phiếu với tổng số tiền phạt 2,05 tỷ đồng. Một số vụ việc xử phạt áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả: Đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn đối với 9 trường hợp vi phạm quy định về giao dịch của người nội bộ và người có liên quan; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính, buộc hủy bỏ thông tin đối với 2 trường hợp tổ chức công bố thông tin sai lệch. Ủy ban cũng phối hợp với cơ quan chức năng chuyển hồ sơ thao túng chứng khoán để xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán, an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ để ổn định tâm lý nhà đầu tư, tăng cường minh bạch cho thị trường chứng khoán.
Kết quả tổng thể của các biện pháp trên là thị trường hoạt động ổn định, niềm tin và tâm lý nhà đầu tư được cải thiện, dòng tiền nhà đầu tư có xu hướng trở lại thị trường.
Định hướng phát triển thị trường chứng khoán tới đây sẽ tập trung vào những trụ cột nào, thưa ông?
Diễn biến thị trường chứng khoán trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới. Trước tình hình lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm ở một số nền kinh tế như Mỹ và EU, lộ trình tăng lãi suất của ngân hàng trung ương một số nước cho dù vẫn tiếp tục nhưng có xu hướng chậm lại, với mức tăng nhỏ hơn. Đây là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân gói nhà ở xã hội cũng được kỳ vọng sẽ đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, kích thích các hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước.
Ngoài ra, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế được khôi phục. Đây là yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thanh khoản trên thị trường chứng khoán trong quý III và quý IV/2023.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh môi trường quốc tế được dự báo tiếp tục biến động phức tạp, khó lường dưới tác động của các chính sách tiền tệ thắt chặt, suy giảm cầu tiêu dùng tại các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, bất ổn địa chính trị tiếp tục kéo dài...
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thị trường chứng khoán theo hướng chất lượng, bền vững, Việt Nam đang tích cực phấn đấu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi; kiên trì thực hiện tái cấu trúc thị trường dựa trên 4 trụ cột chính: Cơ sở hàng hóa, tổ chức thị trường, cơ sở nhà đầu tư và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Những giải pháp cụ thể nào sẽ được triển khai để đảm bảo cho thị trường vận hành lành mạnh, tích cực?
Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, nhiệm vụ cốt lõi của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Ủy ban triển khai công tác xây dựng cơ chế chính sách thị trường chứng khoán báo cáo xem xét sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn Nghị định; trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Chiến lược thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Thứ hai, về hoạt động tổ chức thị trường, tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ nhằm phát triển một thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro.
Thứ ba, về công tác giám sát, thanh tra, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát. Trong đó, phát huy vai trò của tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán, tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường nhằm tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch và bền vững. Ủy ban cũng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát; hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thanh tra, giám sát.
Thứ tư, về công tác truyền thông, duy trì thường xuyên việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nhanh và đầy đủ nguồn thông tin chính thống, hạn chế sự tác động về tâm lý do tin đồn, tin giả mạo trên thị trường.
Thứ năm, tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.