Minh bạch để trái chủ “gật đầu” giãn nợ

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo mới nhất của Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi mở ra cơ chế cho doanh nghiệp được giãn nợ trái phiếu tối đa 2 năm, với điều kiện được trái chủ đồng ý, góp phần giảm áp lực trả nợ cho doanh nghiệp.
Minh bạch để trái chủ “gật đầu” giãn nợ

Thêm trợ lực cho doanh nghiệp “gồng” qua 2 năm cao điểm

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo mới nhất Nghị định sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ.

So với dự thảo công bố cuối năm ngoái, dự thảo mới giữ nguyên việc “hoãn” 1 năm thi hành về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, quy định về thời hạn phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành (từ 90 ngày xuống 30 ngày), xếp hạng tín nhiệm.

Riêng các quy định về thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu, cũng như vấn đề thanh toán gốc, lãi trái phiếu, dự thảo lần này quy định cụ thể, chi tiết hơn. Theo đó, với trái phiếu chào bán trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi theo phương án đã công bố, thì có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, trên cơ sở đảm bảo 3 nguyên tắc.

Đó là, phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan; phải được chủ sở hữu trái phiếu chấp thuận; doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định pháp luật.

Với trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu, dự thảo quy định thời hạn tối đa không quá 2 năm so với phương án phát hành đã công bố với nhà đầu tư. Đối với trái chủ không chấp nhận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu doanh nghiệp, thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Nếu trái chủ vẫn không chấp nhận phương án đàm phán, thì doanh nghiệp phải trả đầy đủ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và phải thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho trái chủ theo đúng phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Việc ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP được các doanh nghiệp hết sức mong chờ, vì sẽ mở ra cơ chế cho doanh nghiệp “sống sót” qua thời kỳ đỉnh nợ trái phiếu. Theo thống kê của FiinGroup, năm 2023, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là 104.000 tỷ đồng và con số này năm 2024 là 105.000 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, chuyên gia kinh tế cho rằng, các quy định của dự thảo Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi nếu sớm được ban hành, sẽ có tác dụng hỗ trợ rất lớn với doanh nghiệp phát hành, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian giãn nợ, thu xếp nguồn vốn. Mặt khác, việc “hoãn” quy định nhà đầu tư chứng khoán cá nhân chuyên nghiệp thêm 1 năm tạo điều kiện để những nhà đầu tư dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian đảo nợ.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp bất động sản vẫn kỳ vọng, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi quy định theo hướng tăng thời gian gia hạn. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, dự thảo sửa đổi Nghị định trên vẫn “hơi cứng” và lộ trình ân hạn một số quy định 1 năm là “hơi ngắn”.

“Việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng lành mạnh hơn là bắt buộc phải làm, song cần có lộ trình. Thời gian hoãn một số quy định 1 năm (về nâng cao chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm, thời gian phát hành trái phiếu mỗi đợt) theo tôi là quá ngắn, chưa đủ để các bên kịp sẵn sàng chuyên nghiệp hóa theo dự thảo”, ông Đính nói.

Cũng theo ông Đính, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi cho phép doanh nghiệp được gia hạn nợ nhưng phải trên cơ sở được trái chủ đồng ý. Nếu không thương thảo được sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, vì hiện nay khả năng thanh toán của doanh nghiệp bất động sản rất khó khăn, một phần do chủ quan, song một phần do khách quan.

Minh bạch để trái chủ “gật đầu” giãn nợ

Thực tế, khả năng trái chủ từ chối đàm phán với doanh nghiệp phát hành về việc lùi phương án trả nợ thêm 1-2 năm, hay hoán đổi sang tài sản khác có thể xảy ra. Dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải tôn trọng quyết định của trái chủ, theo các chuyên gia kinh tế là cần thiết, tránh trường hợp doanh nghiệp phát hành lấy lý do khó khăn chung của thị trường để chây ỳ bán tài sản trả nợ cho nhà đầu tư.

Việc ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP được các doanh nghiệp hết sức mong chờ, vì sẽ mở ra cơ chế cho doanh nghiệp “sống sót” qua thời kỳ đỉnh nợ trái phiếu.

Chính vì vậy, lời khuyên cho doanh nghiệp phát hành là phải hết sức minh bạch với nhà đầu tư để chứng tỏ thiện chí trả nợ của mình. “Nếu doanh nghiệp phát hành thực sự mất khả năng trả nợ mà trái chủ vẫn khăng khăng đòi thanh toán, thì lúc đó chỉ còn cách khởi kiện ra tòa và xử lý theo Luật Phá sản, thiệt hại cho cả hai bên. Nói như vậy không phải ủng hộ doanh nghiệp giãn nợ, mà phải tỉnh táo nhìn vào từng trường hợp khác nhau, linh hoạt xử lý để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư”, TS. Đinh Thế Hiển đưa ra lời khuyên.

Tất nhiên, việc giãn, hoãn nợ trái phiếu cũng chỉ cho doanh nghiệp thêm chút thời gian, núi nợ trái phiếu vẫn sẽ nằm đó. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng thời gian vàng giãn nợ để xoay xở dòng tiền, tái cơ cấu.

“Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh sự hỗ trợ về cơ chế, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu. Nếu doanh nghiệp có quá nhiều dự án mà nguồn lực đuối dần, thì phải cắt giảm, chuyển nhượng, bán bớt, tái cấu trúc lại. Đồng thời, phải định vị lại dòng sản phẩm có giá phù hợp hơn, dễ bán hơn để nhanh chóng có dòng tiền. Tái cơ cấu cần chịu đau, làm mạnh mẽ, quyết liệt thì mới thành công được”, ông Nguyễn Văn Đính nói thêm.

Chỉ sửa Nghị định 65/2022/NĐ-CP là chưa đủ

Theo ông Lê Hồng Khang, Giám đốc xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, đỉnh đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ tập trung vào quý II, quý III năm nay và năm 2024, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, ngay cả khi Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ vẫn trầm lắng đến hết năm nay. Dù doanh nghiệp có phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất cao, nhà đầu tư vẫn không dám xuống tiền.

“Bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm nay sẽ vẫn trầm lắng, song thị trường sẽ chậm và chắc, bước vào giai đoạn phát triển mới, đi theo chiều sâu. Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp quay lại quỹ đạo tăng trưởng, chìa khóa của các doanh nghiệp phát hành là chủ động minh bạch thông tin, nhà đầu tư cần chọn mặt gửi vàng. Còn về phía cơ quan quản lý, cần đưa ra các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để vực dậy thị trường”, ông Lê Hồng Khang khuyến nghị.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên kỳ vọng ngay trong năm 2023, thị trường trái phiếu sẽ phục hồi. Việc sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP là điều kiện cần để thị trường phục hồi, song điều kiện đủ là các thị trường liên quan (đặc biệt là thị trường bất động sản) phải có sự phục hồi để nhà đầu tư tin vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần phân loại các doanh nghiệp tốt song vướng mắc về cơ chế thủ tục, hay điều kiện khách quan của thị trường để có sự hỗ trợ phù hợp.

“Trong 12 tháng tới, có 2 giải pháp chính kỳ vọng tạo cú hích cho thị trường bất động sản. Đó là giải phóng nguồn cung, cụ thể là tạo cơ chế phê duyệt bổ sung cấp phép xây dựng các dự án nhà ở thương mại. Bên cạnh đó, hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp bất động sản bằng cách ban hành chính sách tín dụng cho người mua nhà, giảm lãi vay cho người mua nhà; đồng thời cho phép tái cơ cấu nợ cho trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng”, ông Lê Hồng Khang nhận định.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục