Margin tăng, song rủi ro giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) tính đến cuối quý I/2024 tăng 62,4% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng rủi ro lại được đánh giá ở mức thấp hơn.
Quy mô vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán tăng mạnh trong thời gian qua, giúp mở rộng dư địa cho vay margin Quy mô vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán tăng mạnh trong thời gian qua, giúp mở rộng dư địa cho vay margin

Dư nợ margin khoảng 195.000 tỷ đồng

Thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý I/2024 của 52 công ty chứng khoán, đại diện 94% quy mô vốn chủ sở hữu toàn ngành chứng khoán cho thấy, dư nợ margin cuối tháng 3/2024 là gần 193.300 tỷ đồng, tăng 62,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,2% so với cuối năm 2023. Còn theo thống kê của Công ty Chứng khoán DSC, dư nợ margin toàn thị trường đến cuối quý I/2024 ước tính đạt hơn 195.000 tỷ đồng.

Quy mô dư nợ margin tại thời điểm cuối tháng 3/2024 đã vượt đỉnh cũ thiết lập đầu năm 2022, nhưng các tỷ lệ liên quan đến dư nợ margin không thể hiện trạng thái rủi ro lớn giống như ở giai đoạn đỉnh cũ.

Nếu VN-Index duy trì trên vùng 1.160 - 1.180 điểm thì các ngưỡng margin của thị trường sẽ ở vùng an toàn.

Theo phân tích của FiinTrade, tỷ lệ dư nợ margin/tổng vốn chủ sở hữu các công ty chứng khoán tính đến cuối tháng 3/2024 là 0,87 lần, tăng so với mức 0,75 lần cuối năm 2023, nhưng thấp hơn đáng kể so với mức 1,3 lần cuối tháng 3/2022. Lý do là quy mô vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán tăng mạnh trong thời gian qua.

Tại một số công ty chứng khoán nằm trong tốp đầu về cho vay margin, dư nợ tính đến cuối quý I/2024 đều tăng so với cuối năm 2023. Cụ thể, Công ty Chứng khoán SSI có dư nợ cho vay margin 16.957 tỷ đồng, tăng 16%. Con số này tại Công ty Chứng khoán Techcombank là 19.087,5 tỷ đồng, tăng 17,4%; tại Công ty Chứng khoán TP.HCM là 14.200 tỷ đồng, tăng 17%; tại Công ty Chứng khoán VPS là 11.941 tỷ đồng, tăng 3%.

Dư nợ margin tăng, đồng nghĩa với việc các công ty chứng khoán ghi nhận doanh thu từ nghiệp vụ margin tăng. Chẳng hạn, trong quý I/2024, Chứng khoán Techcombank đạt doanh thu cho vay margin 573 tỷ đồng, tăng 109% so với quý I/2023. Chứng khoán VPS ghi nhận lợi nhuận từ các khoản cho vay và phải thu trong quý đầu năm 2024 là 395 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2023. Công ty Chứng khoán MB có dư nợ hoạt động ký quỹ và ứng trước bình quân quý I/2024 là 9.388 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm 2023.

Một số công ty khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao từ hoạt động cho vay như Chứng khoán VPBank đạt 230 tỷ đồng, tăng 142%; Chứng khoán ACB đạt 126 tỷ đồng, tăng 117%; Chứng khoán Vietcombank đạt 152 tỷ đồng, tăng 85%.

Xét trên tổng thể toàn thị trường, cả cung và cầu margin đều tăng. Về phía cung, với quy mô vốn chủ sở hữu cuối quý I/2024 tăng thêm gần 40.000 tỷ đồng, tương đương tăng 22% so với đầu năm 2023, các công ty chứng khoán có thêm dư địa đẩy mạnh vốn cho vay margin. Về phía cầu, số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường liên tục gia tăng, với khoảng 1,68 triệu tài khoản mở mới kể từ đầu năm 2023 đến cuối quý I/2024, nâng tổng số lượng lên hơn 7,63 triệu tài khoản. Trong quý đầu năm 2024, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 15.800 tỷ đồng trên HOSE, bằng 81,4% lượng margin tăng thêm trong cùng khoảng thời gian (19.400 tỷ đồng) và đây là quý thứ 4 liên tiếp, các cá nhân mua ròng.

Rủi ro giảm dần

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, với quy mô và thanh khoản thị trường tăng, việc margin “nở ra” được xem là tất yếu. Bên cạnh đó, số liệu của FiinTrade cho thấy, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán đến cuối tháng 3/2024 tăng hơn 21.000 tỷ đồng (tăng 26%) so với cuối năm 2023, lên gần 100.800 tỷ đồng. Đây là mức tăng theo quý mạnh nhất trong 5 năm gần đây. Khi các sản phẩm huy động ngắn hạn của công ty chứng khoán bị “tuýt còi”, thì số dư trên thể hiện độ sâu thị trường và một lượng tiền lớn đang chờ cơ hội giải ngân.

Đặc biệt, sau nhịp điều chỉnh của thị trường giữa tháng 4/2024, số dư margin tại các công ty chứng khoán giảm khoảng 10%, về mức cuối năm 2023, trong khi chỉ số VN-Index ghi nhận mức điểm cao hơn. Do đó, rủi ro tổng thể về margin không tăng.

Mặt khác, thanh khoản thị trường giai đoạn đầu năm 2024 tăng khoảng 40% so với tháng cuối năm 2023, trong khi dư nợ margin tính đến cuối tháng 3/2024 tăng chưa đến 15% và vòng quay margin được cải thiện đáng kể, tiền vay chủ yếu để giao dịch, chứ không tồn đọng hay dồn vào các thương vụ vay lớn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Viết Công, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS nhìn nhận, vốn điều lệ của các công ty chứng khoán tăng nhanh trong 1 năm qua, kéo theo dư nợ cho vay ký quỹ tăng lên và số tiền nằm trong tài khoản của các nhà đầu tư đạt kỷ lục mới. Cùng với sự phát triển của vốn hóa thị trường chứng khoán, số doanh nghiệp và nhà đầu tư mới tham gia ngày càng nhiều, lượng vốn margin cần cho thị trường được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong giai đoạn tới.

Trong nhịp điều chỉnh của thị trường giữa tháng 4/2024, dù xuất hiện hiện tượng giải chấp (force sell) đối với một số cổ phiếu, nhưng tình trạng này được kiểm soát. Khác với giai đoạn cuối năm 2022, khi yêu cầu bổ sung tài sản ký quỹ (call margin) cũng như giải chấp diễn ra phổ biến, không những nhà đầu tư nhỏ lẻ mà một số chủ doanh nghiệp cũng bị bán giải chấp, thì ở thời điểm hiện nay, khả năng cho vay của các công ty chứng khoán đã được nâng cao. Tỷ lệ dư nợ margin/tổng vốn chủ sở hữu cuối quý I/2024 là 0,87 lần, đến cuối tuần qua ở mức thấp hơn và dự kiến tiếp tục giảm sau mùa tăng vốn của các công ty chứng khoán năm nay. Trong khi đó, theo quy định, các công ty chứng khoán được cho vay đến 2 lần vốn chủ sở hữu.

Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán cho biết, trong những phiên thị trường phục hồi vừa qua, danh sách call margin hầu như không còn.

“Nếu VN-Index duy trì trên vùng 1.160 - 1.180 điểm thì các ngưỡng margin của thị trường sẽ ở vùng an toàn. Nếu thủng sâu vùng điểm này, làn sóng call margin mới có khả năng bị kích hoạt. Chỉ số chung cuối tuần qua đã quay trở lại ngưỡng 1.200 điểm, có thể nói rủi ro margin call đã qua đi”, vị giám đốc môi giới nói và cho hay, thời gian qua, toàn thị trường có khoảng 1 - 2 tỷ USD (tùy thời điểm) dư nợ cho vay đến từ các “kho” chứng khoán. Lợi thế của các kho ngoài này là cho vay tỷ lệ cao và cho vay nhiều mã ngoài danh mục mà cơ quan quản lý cho phép. Đây là hoạt động tiềm ẩn rủi ro lớn cho thị trường, cơ quan chức năng nên tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc này.

Hiện tại, rủi ro margin không lớn, nhất là khi nhìn kỹ vào cấu trúc các khoản vay và mức độ margin/vốn hóa, cũng như mô hình hoạt động của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Huy lưu ý, nếu thị trường có những biến động lớn và bất thường, nguy cơ giải chấp sẽ gia tăng.

“Giai đoạn tốt nhất để dùng margin là ở giữa sóng tăng, khi đó xác suất tăng giá cao và dư địa còn nhiều. Đầu sóng tăng thì xác suất tăng giá chưa rõ ràng, còn cuối sóng thì rủi ro tạo đỉnh. Do đó, nhà đầu tư cần xác định thời điểm thật kỹ trước khi ra quyết định sử dụng margin. Giai đoạn hiện tại, thị trường mới ‘cầm máu’ sau nhịp giảm, việc dùng margin cần tiết chế”, ông Huy khuyến nghị.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán cho rằng, nếu lượng margin tăng nóng sẽ xuất hiện áp lực chốt lãi của dòng tiền đầu cơ, gây ra những biến động lớn về giá cổ phiếu và tâm lý nhà đầu tư. Lượng margin tốt nhất nên song hành cùng với mức tăng vốn hóa của thị trường và đảm bảo chất lượng cho vay ký quỹ. Những cổ phiếu có nền tảng tốt, có kết quả kinh doanh tốt hấp thụ lượng margin cao hơn sẽ là nền tảng cho thị trường đi lên bền vững. Ngược lại, nếu cho vay dễ dãi sẽ có lượng tiền không nhỏ tài trợ cho khoản đầu tư vào các doanh nghiệp yếu kém, chỉ phục vụ việc giao dịch lướt sóng cổ phiếu thì hệ quả về sau là giá cổ phiếu thường lao dốc, gây bất ổn cho thị trường.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục