Không ngại áp lực margin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá trị cho vay ký quỹ (margin) hiện được cho là gần đạt mức kỷ lục đầu năm 2022 – giai đoạn chỉ số VN-Index lập đỉnh. Song lo ngại tác động kép của việc “căng margin” với nhịp điều chỉnh của thị trường là không có cơ sở, bởi nguồn vốn của các công ty chứng khoán đang rất dồi dào.
Nguồn vốn dồi dào, các công ty chứng khoán đua nhau kích cầu cho vay Nguồn vốn dồi dào, các công ty chứng khoán đua nhau kích cầu cho vay

Dư nguồn, công ty chứng khoán tăng khuyến mại

Con số dư nợ margin chỉ được cung cấp đến thị trường thông qua báo cáo tài chính hàng quý của các công ty chứng khoán, có độ trễ nhất định so với nhịp đập thị trường. Gần nhất, nhà đầu tư chỉ có thể tham khảo báo cáo tài chính quý IV/2023, với giá trị tuyệt đối gần 170.000 tỷ đồng, là mức gần bằng mức đỉnh đầu năm 2022 - giai đoạn VN-Index lập đỉnh lịch sử hơn 1.500 điểm. Tính trên quy mô vốn chủ sở hữu, giá trị cho vay margin toàn thị trường đạt tỷ lệ 72% - một tỷ lệ giới chuyên gia cho rằng chưa ở mức rủi ro. Trong những tháng đầu năm 2024, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên tăng khá tốt, tháng 2 đạt ngưỡng 1 tỷ USD, tháng 3 với nhiều phiên đạt từ 25.000 - 30.000 tỷ đồng, theo đó, dư nợ margin thường có xu hướng tăng theo.

“Thị trường đang vào giai đoạn nước rút, có thể có điều chỉnh, nhưng không phải vì căng margin”, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt chia sẻ.

Mặt bằng lãi suất giảm, nên chi phí vốn của các công ty chứng khoán cũng giảm theo, biên lợi nhuận gộp theo đó đang cao hơn. Đặt trong cuộc đua giảm phí, KPI ở nhiều công ty chứng khoán đang hướng đến là đẩy mạnh margin - mảng sẽ giữ lợi nhuận cho công ty. Giám đốc kinh doanh một công ty chứng khoán có thế mạnh về khách hàng cá nhân cho biết, công ty vừa tung ra các gói sản phẩm mới với mục đích kích cầu margin, nhưng thu hút deal là chủ yếu. Dư nợ margin từ deal đang tăng thêm khoảng 250 tỷ đồng từ khi có chương trình.

“Công ty tôi không lựa chọn hạ tỷ lệ margin, mà lựa chọn sản phẩm bổ sung để giúp khách hàng chưa dùng margin tiến đến có nhu cầu dùng margin với lãi suất thấp hơn. Nhưng với khách hàng cũ thì chưa có chương trình kích hoạt”, vị giám đốc cho biết.

Mục tiêu lúc này của công ty trên là thu hút khách hàng mới, dồn lực cho chạy thị phần. Bởi vậy, công ty có chính sách hoa hồng với cộng tác viên môi giới trên 90%. Việc đẩy thị phần không nhằm mục tiêu tăng doanh thu môi giới, mà chủ yếu là để kéo tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ margin. Trên thị trường, các công ty chứng khoán tăng vốn cũng chủ yếu là để đẩy doanh thu, lợi nhuận mảng này, trong khi lợi nhuận từ mảng môi giới ngày càng teo tóp (dù doanh thu có thể vẫn cao).

Vị này tạm chia các công ty chứng khoán có kế hoạch tăng vốn thành 3 nhóm: Nhóm 1, các công ty có vốn điều lệ dưới 1.000 tỷ đồng thường tăng vốn để đáp ứng giấy phép kinh doanh đầy đủ các sản phẩm; nhóm 2, các công ty có vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ đồng thì tăng vốn để mở rộng hạn mức tài khoản, room margin (dư nợ cho vay tại công ty chứng khoán trên vốn chủ sở hữu không quá 2 lần); nhóm 3, công ty có vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng thì tăng vốn để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của các doanh nghiệp, khách hàng lớn.

Giám đốc môi giới một chi nhánh công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc cho biết, dư nợ margin của công ty đang giảm, do một số khách hàng deal lớn chuyển sang công ty chứng khoán khác và dự báo sẽ tiếp tục giảm khi khách hàng lớn quay về với “hệ sinh thái” của họ. Thực tế, giai đoạn trước đó, nhiều doanh nghiệp thuộc ngành nghề bất động sản, hay các doanh nghiệp đang có sức khoẻ tài chính yếu rất khó tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, nên nhu cầu dùng cổ phiếu công ty thế chấp rồi lấy dòng tiền margin từ công ty chứng khoán để bổ trợ cho dòng tiền kinh doanh là tương đối nhiều. Trong khi đó, do chính sách zero fee (miễn phí) khiến phí môi giới giảm, nhiều công ty chứng khoán cũng phải tìm cách thúc đẩy cho vay ký quỹ để bù đắp sự sụt giảm của doanh thu môi giới.

Theo góc nhìn của vị này, giai đoạn qua, chỉ số VN-Index tăng phần nhiều do các cổ phiếu trụ tăng mạnh - nhóm cổ phiếu mà các nhà đầu tư cá nhân ít sở hữu. Bởi vậy, dư nợ margin có tăng nhưng không quá nhiều. Dòng vốn margin của các công ty chứng khoán vì thế vẫn dồi dào.

Không khó để nhận thấy các chương trình ưu đãi lãi suất margin được tung ra ồ ạt gần đây. Chẳng hạn, SSI triển khai chương trình hoàn lãi margin đến 50 triệu đồng. Đây là chương trình ưu đãi lãi vay margin dành cho các khách hàng mới và khách hàng chưa dùng margin, được SSI triển khai từ ngày 25/1/2024. Mới nhất, SSI có chương trình ưu đãi lãi suất M7 - Lãi suất chỉ 7,99%/năm. Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam thì ra mắt sản phẩm Margin T10 “Mở tài khoản ngay, ưu đãi liền tay, miễn lãi 10 ngày” từ ngày 1/3/2024. Hay TCBS với các chương trình zero fee và ưu đãi lãi suất vay ký quỹ cho khách hàng giải ngân lần đầu chỉ 7,89%/năm trong 180 ngày, gói vay năng động lãi suất chỉ từ 0,5%/năm…

Ồ ạt tăng vốn, đẩy mạnh margin và bán chéo sản phẩm

Thị trường nở ra thì vốn công ty chứng khoán cũng phải tăng thêm mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Bởi vậy, nhiều công ty chứng khoán lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 - được cho là sự chuẩn bị về nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ tài chính sẽ tăng vọt khi hệ thống KRX vận hành và thị trường chứng khoán được nâng hạng. Chẳng hạn, SSI đã trình cổ đông thông qua phương án phát hành 453 triệu cổ phiếu. Nếu thành công, vốn điều lệ của SSI sẽ tăng lên mức 19.645 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ của nhiều ngân hàng. VCI mới có tờ trình về việc phát hành ESOP, chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông, phát hành riêng lẻ để tăng vốn lên 7.181 tỷ đồng. HSC cũng sẽ phát hành cổ phần để tăng vốn từ 4.581 tỷ đồng lên hơn 7.552 tỷ đồng. ACBS được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng. LPBS có kế hoạch tăng vốn từ 250 tỷ đồng lên 3.880 tỷ đồng. VFS cũng trình cổ đông tăng vốn từ 1.200 tỷ đồng lên 2.400 tỷ đồng…

Nhiều công ty chứng khoán khác cũng đang rục rịch lên kế hoạch tăng vốn. Dư nguồn, vẫn tăng vốn.

Rõ ràng, các công ty chứng khoán đang cho thấy sự dịch chuyển mô hình kinh doanh, theo hướng giảm nguồn thu từ phí môi giới, thậm chí miễn phí để có được thị phần, khách hàng, từ đó bán chéo các sản phẩm khác như cho vay ký quỹ, hay dịch vụ quản lý tài sản, tư vấn đầu tư…

Bối cảnh lãi suất hiện nay có phần thuận lợi cho mảng cho vay margin của công ty chứng khoán. Mặt bằng lãi suất thấp sẽ giúp phần chênh lệch giữa lãi suất cho vay margin và chi phí vốn tăng lên, qua đó, mang về lợi nhuận tốt hơn cho mảng này. Các công ty chứng khoán đang có tệp khách hàng cá nhân lớn, thị phần lớn và có khả năng huy động vốn lớn (cả vốn chủ sở hữu lẫn vốn vay) sẽ đẩy mạnh được mảng này trong tương lai.

Thị trường chứng khoán dự báo tăng trưởng tốt, thanh khoản cải thiện là bối cảnh kinh doanh thuận lợi cho hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính (như margin) của khối công ty chứng khoán. Hiệu quả hoạt động của mỗi công ty sẽ phụ thuộc vào câu chuyện gia tăng thị phần môi giới và chiến lược sản phẩm phục vụ cho công việc bán chéo cho khách hàng của từng công ty.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục