Malaysia cạnh tranh với Thái Lan và Việt Nam về thị trường sầu riêng ở Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu sầu riêng Việt Nam từ 33 nguồn trong tháng này, trong khi Malaysia đã có cơ hội đầu tiên xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc và trở thành đối thủ cạnh tranh hiệu quả với Thái Lan và Việt Nam.
Malaysia cạnh tranh với Thái Lan và Việt Nam về thị trường sầu riêng ở Trung Quốc

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo với các quan chức Việt Nam trong một lá thư vào ngày 11/6 rằng họ sẽ dừng thu mua sầu riêng từ 18 đồn điền sầu riêng và 15 cơ sở đóng gói do chứa nhiều “kim loại nặng” trong trái cây.

Việc Việt Nam nhanh chóng mở rộng thị phần bán sầu riêng ở Trung Quốc có thể đã thúc đẩy người trồng tìm kiếm số lượng thay vì chất lượng.

Ông Nguyễn Thành Trung, nhà khoa học chính trị tại Đại học Fulbright Việt Nam cho biết: “Mặc dù người trồng sầu riêng Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng việc xuất khẩu tăng đột biến mà không kiểm soát chất lượng có thể gây tổn hại đến uy tín của sầu riêng Việt Nam về lâu dài”.

Người trồng sầu riêng Việt Nam lần đầu tiên được phép vận chuyển sầu riêng vào Trung Quốc vào năm 2021 và trở thành nguồn cung trái cây lớn thứ hai của nước này vào năm ngoái, chỉ sau Thái Lan.

Trung Quốc đã nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng vào năm 2023 và tỷ trọng của Thái Lan tính bằng đô la Mỹ đã giảm từ gần 100% vào năm 2021 xuống còn khoảng 68% vào năm ngoái.

Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc từ một số quốc gia

Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc từ một số quốc gia

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2024, Thái Lan đã xuất khẩu sầu riêng 2,2 tỷ USD sang Trung Quốc, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng 61% lên 661,48 triệu USD.

Sầu riêng Việt Nam tràn vào được cho là nguyên nhân khiến giá sầu riêng ở Trung Quốc sụt giảm - nơi loại trái cây này có đủ dấu ấn để làm quà tặng trong những dịp đặc biệt như đám cưới.

Ngoài ra, cơ quan hải quan Trung Quốc đã kêu gọi các cơ quan chức năng Việt Nam tìm hiểu sai sót của các công ty bị đình chỉ, thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố và tăng cường giám sát “để ngăn chặn các tình huống liên quan tái diễn”.

Một quan chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng đã đưa ra cảnh báo vào năm ngoái về tình trạng dư cung sầu riêng và có thể xảy ra các vấn đề về chất lượng.

Theo cơ quan hải quan, kể từ tháng 4, giá nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan của Trung Quốc là 5,80 USD/kg, trong khi sầu riêng Việt Nam ở mức 4,22 USD/kg.

Việc đình chỉ một số lô hàng xuất hiện vào thời điểm Việt Nam đang chịu áp lực đặc biệt, vì Malaysia đã có cơ hội đầu tiên xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc – khiến nước này trở thành đối thủ cạnh tranh hiệu quả với cả Thái Lan và Việt Nam.

Theo hãng thông tấn Bernama thuộc chính phủ Kuala Lumpur, một thỏa thuận được ký với Trung Quốc vào tuần trước sẽ mang lại lợi ích cho 63.000 người trồng trọt ở Malaysia. Trước đó, Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu bột sầu riêng của Malaysia vào năm 2011 và sầu riêng đông lạnh vào năm 2018.

Lim Chin Khee, cố vấn của Học viện Sầu riêng - tổ chức đào tạo người trồng Malaysia cho biết, người trồng Malaysia có thể đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của Trung Quốc thông qua “thực hành nông nghiệp tốt hơn, dẫn đến sản phẩm chất lượng cao hơn”.

Ông Trung nhấn mạnh, sự cạnh tranh từ Malaysia có thể “gây sốc” cho người trồng sầu riêng Việt Nam phải “chú ý đến chất lượng sầu riêng hơn số lượng”.

Tuy nhiên, các quan chức hải quan Trung Quốc cho biết trong lá thư rằng họ mong muốn tiếp tục thúc đẩy hoạt động nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam.

“Phía Trung Quốc muốn tăng cường đối thoại và hợp tác với phía các bạn, giải quyết một cách thích hợp các vấn đề phát sinh trong bối cảnh nhập khẩu trái cây vào Trung Quốc và bảo vệ sự phát triển lành mạnh trong thương mại nông sản giữa hai nước”, theo nội dung của lá thư cho biết.

Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục